Xe nhập gặp khó từ chuyện bảo hành chính hãng
- Giá xe nhập khẩu có thể giảm mạnh từ năm 2019
- Tiếp tục áp dụng cấp đăng kiểm trực tuyến với xe nhập khẩu
- Tiêu thụ xe nhập nguyên chiếc giảm mạnh so với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước
Đại diện một doanh nghiệp (DN) chuyên nhập khẩu xe hơi tại TP Hồ Chí Minh cho biết, với đề xuất của Bộ Công Thương, tất cả xe ôtô phải được bảo dưỡng, bảo hành, sửa chữa tại cửa hàng chính hãng hoặc cửa hàng được Bộ GTVT cấp phép.
Quy định này sẽ khiến cửa hàng sửa chữa xe hơi, garage ôtô tư nhân phải đóng cửa hàng loạt, do đó cần phải tách bạch vấn đề về bảo hành và bảo dưỡng. Bởi bảo hành là trách nhiệm của nhà nhập khẩu, phân phối và được Bộ Công Thương quản lý; còn vấn đề bảo dưỡng phải để người mua xe tự quyết định sẽ chọn gara nào.
Đến hết tháng 9-2016, lượng ôtô nhập khẩu nguyên chiếc đã đạt gần 80 ngàn xe các loại, tăng đến 40% so với năm trước. Điểm lại những hãng xe sang đã ủy quyền nhập khẩu, phân phối chính hãng cho DN trong nước cho thấy số lượng tiêu thụ chỉ chiếm một phần nhỏ hoặc số lượng đại lý, trạm bảo hành quá ít.
Nhiều chủ xe sang vẫn chọn dịch vụ bảo hành không phải của hãng bán xe. |
Chẳng hạn với hãng xe Audi, dù có mặt tại Việt Nam gần 10 năm nay và tất cả các dòng xe Audi nhập về đều được nhập khẩu chính hãng bởi Công ty ôtô Á Châu. Sản phẩm của hãng này được bảo hành chính hãng đến 3 năm và không giới hạn số km lưu hành, nhưng để được bảo hành chính hãng, người có xe ở tỉnh buộc phải đưa về 3 nơi là chi nhánh của Audi ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng.
Mất nhiều ngày đưa xe đi hãng để được bảo hành chính hãng một chi tiết nhỏ sẽ không khỏi phiền toái, thiệt hại cho chủ xe. Với hãng BMW cũng vậy, những mẫu xe mang thương hiệu Motorrad được Euro Auto - nhà nhập khẩu ủy quyền chính thức của hãng đưa về. Song người sở hữu xe này muốn liên hệ với nhà nhập khẩu để được bảo hành chính hãng cũng chỉ còn cách phải đem xe đến TP Hồ Chí Minh hoặc Hà Nội.
Với dòng xe sang chính hãng khác là Jaguar, tại Việt Nam hãng xe này được nhập khẩu và phân phối chính hãng bởi Công ty CP ôtô UK, nhưng nhà nhập khẩu này cũng chỉ có vỏn vẹn 3 showroom tại 2 nơi là TP Hồ Chí Minh và Hà Nội...
Ngay cả với hãng Mercedes - Benz, tuy liên tục dẫn đầu thị trường xe sang tại Việt Nam hơn 20 năm qua, thì doanh số bán ra đến nay cũng chỉ đạt hơn 35 ngàn xe. Cả năm ngoái, lượng xe bán ra được hãng cho là đạt mức kỷ lục nhất của thị trường xe sang thì cũng chỉ ở con số 3.600 xe.
Nhưng chỉ với 11 trung tâm bán hàng và dịch vụ trên toàn quốc, khách hàng của hãng này sẽ khó tránh khỏi tình trạng bỏ thời gian, công sức chạy từ tỉnh nọ sang tỉnh kia để được bảo hành chính hãng.
Thực tế này cho thấy, mỗi hãng xe sang chỉ cho phép 1 DN đầu mối làm đại lý chính hãng, nhập khẩu xe của hãng về phân phối trong nước. Thực trạng độc quyền này vô tình làm mất đi cơ hội kinh doanh của các DN khác muốn làm đại lý dù họ hội đủ điều kiện về kỹ thuật. Do lượng xe tiêu thụ từ các đại lý chính hãng chiếm số lượng không nhiều, nên thị trường còn có một lượng xe của hãng được các DN nhập nguyên chiếc về Việt Nam để phục vụ nhu cầu của người dùng.
Đại diện một thành viên của Hiệp hội các nhà nhập khẩu ôtô chính hãng tại Việt Nam cho rằng, mặc dù là nhà nhập khẩu, phân phối ôtô, nhưng cũng chỉ là những DN vừa và nhỏ nên cần một sân chơi bình đẳng.
Về vấn đề lo ngại chuyện lỗi xảy ra với nhiều dòng xe nhưng các hãng sản xuất chưa từng đưa ra yêu cầu thu hồi xe đã nhập về Việt Nam dẫn đến việc Bộ Công Thương đưa ra quy định trên, vị đại diện này khẳng định:
Chỉ có các hãng sản xuất ra mới biết xe bị lỗi ở bộ phận nào để quyết định có thu hồi hay không hoặc thu hồi với lô xe nào; chứ ngay cả cơ quan đăng kiểm cũng khó có thể biết. Do đó, nhiều chuyên gia cho rằng đừng vì việc các hãng không thu hồi xe bị lỗi đã nhập về Việt Nam mà buộc nhà nhập khẩu, phân phối ôtô phải đáp ứng điều kiện bảo hành chính hãng.