VĐV Việt Nam ra nước ngoài thi đấu: Niềm tự hào màu cờ sắc áo

Thứ Năm, 07/01/2016, 09:03
Ngay đầu năm mới 2016, thể thao Việt Nam có nhiều VĐV được mời ra nước ngoài thi đấu. Ngoài bóng đá, cầu lông và bóng chuyền đã có VĐV lên đường sang nước bạn thi đấu. Điều này được xem là tín hiệu tích cực nói chung với thể thao của chúng ta.


Chờ thêm VĐV như Nguyễn Thị Ngọc Hoa

Cầu thủ trẻ của đội nữ bóng chuyền VTV Bình Điền Long An là Trần Thị Thanh Thúy đã đến CLB Bangkok Grass (Thái Lan) bắt đầu thi đấu từ ngày 4-1. Hành trang của Thúy đến với đội bóng này không ngoài việc cô là cầu thủ trẻ tuổi, có chiều cao, có năng lực nên được HLV của Bangkok Grass tuyển về.

Điểm quan trọng, đội bóng của Thái Lan đang thuê cầu thủ Nguyễn Thị Ngọc Hoa thi đấu nên Thúy sẽ được đàn chị giúp đỡ nhiều, tránh bỡ ngỡ. Thể thao Việt Nam đã có rất nhiều VĐV ra nước ngoài thi đấu trong nhiều môn như bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn, cầu lông, cờ vua…

Thành tích nổi bật nhất là Nguyễn Thị Ngọc Hoa. Nữ phụ công người Long An này đã sang Thái Lan thi đấu và được đứng trong đội hình chính. Cô là một trong những cầu thủ đóng góp hiệu quả để đội bóng này vô địch quốc gia Thái Lan năm 2014. Đồng thời, Bangkok Grass và Ngọc Hoa cũng giành vị trí số 1 giải vô địch các CLB nữ bóng chuyền châu Á 2015 (tổ chức tại Hà Nam năm ngoái). Tại Việt Nam, Ngọc Hoa từng đoạt chức vô địch quốc gia cùng đội VTV Bình Điền Long An. Như vậy, cô là VĐV đầu tiên của Việt Nam đã có chức vô địch ở 2 quốc gia khác nhau trong khu vực Đông Nam Á.

Nguyễn Tiến Minh và Vũ Thị Trang hiện đang được CLB Kajang BC (Malaysia) mời thi đấu vòng 2 giải cầu lông vô địch quốc gia ở nước bạn. Tay vợt nam người TP Hồ Chí Minh trước đây đã đánh thuê cho các đội tại Indonesia và Ấn Độ. Tuy nhiên, Minh chưa một lần đoạt chức vô địch cùng CLB mình đã khoác áo thuê. Trong bóng bàn, tay vợt Đoàn Kiến Quốc được ra nước ngoài khoác áo ngắn hạn cho một số đội bóng trong các hợp đồng thời vụ. Thế nhưng, Kiến Quốc chưa giành được ngôi vô địch quốc gia nào trong nhiều lần xuất ngoại. Trước Ngọc Hoa, bóng chuyền có cầu thủ Ngô Văn Kiều được đi Indonesia thi đấu. Tiếng vang mà chủ công này mang lại chưa thật mạnh mẽ như Ngọc Hoa. Nhìn chung, mỗi VĐV Việt Nam trong từng môn được ra nước ngoài thi đấu là vinh dự riêng của họ. Đồng thời, thể thao chúng ta tự hào về màu cờ sắc áo để các đối thủ phải nể phục.

Nguyễn Thị Ngọc Hoa đang thi đấu tại Thái Lan.

Bóng đá vẫn là số 1

Các môn thể thao khác đang ngày càng có nhiều VĐV được một số CLB trong khu vực mời thi đấu nhưng bóng đá vẫn là môn chưa ai bì kịp. Hiện tại, đội bóng Hoàng Anh Gia Lai là CLB bóng đá đầu tiên của Việt Nam “xuất khẩu” được 3 cầu thủ ra nước ngoài thi đấu. Nguyễn Công Phượng đi Nhật Bản khoác áo đội bóng Mito Hollyhock và Nguyễn Tuấn Anh sẽ là người của CLB Yokohama FC tại quốc gia này. Hai đội bóng trên đang thi đấu giải J.League 2 của Nhật Bản. Cầu thủ Lương Xuân Trường đã ký xong hợp đồng 2 năm khoác áo đội Incheon United ở K-League (Hàn Quốc).

Thời gian trước, cầu thủ đầu tiên của bóng đá Việt Nam đã ra nước ngoài thi đấu là cựu tiền đạo Lê Huỳnh Đức (với CLB Lifan - Trung Quốc năm 2001). Sau Huỳnh Đức có cựu trung vệ Lương Trung Tuấn (thi đấu cho CLB Cảng Thái Lan năm 2005), cựu tiền đạo Nguyễn Việt Thắng (được học việc ở CLB Porto B – Bồ Đào Nha năm 2005).

Tiền đạo Lê Công Vinh đã 2 lần ra nước ngoài thi đấu ở Bồ Đào Nha (năm 2009) và Nhật Bản (năm 2013). Thực tế, nhóm Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường có được ra sân thường xuyên hay không sẽ do thời gian trả lời. Như trường hợp của Công Vinh và Huỳnh Đức thì ai cũng biết chuyến “du học” của họ hoàn toàn trong thỏa thuận phát triển thương hiệu đôi bên nên số lần được thi đấu chính thức không nhiều như mong đợi. Dù vậy, bóng đá Việt Nam vẫn tự hào đã xuất khẩu được nhiều cầu thủ đến với các miền đất mới thi đấu và tích lũy kinh nghiệm. 

Nổi tiếng nhưng chưa một lần thi đấu nước ngoài

Năm 1998 là một trong những thời điểm đội tuyển bóng đá nam Việt Nam thăng hoa nhất. Khi đó, Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) còn tổ chức trao thưởng vinh danh cầu thủ xuất sắc hàng tháng đối với tất cả các cầu thủ của các quốc gia trong khu vực. Với tấm HCB tại Tiger Cup 1998, cựu tiền vệ Nguyễn Hồng Sơn từng một lần được AFC vinh danh là cầu thủ xuất sắc nhất trong một tháng. Tài hoa và khéo léo cũng như được nhiều người mến mộ nhưng suốt sự nghiệp, cựu tiền vệ Nguyễn Hồng Sơn chỉ thi đấu cho CLB Thể Công. Tiền vệ này chưa một lần được ra nước ngoài thi đấu. Thế nhưng, thời điểm ấy, cả thế giới đều biết Hồng Sơn. Anh đã được mời tham gia biểu diễn kỹ thuật cùng nhiều ngôi sao thế giới gồm cả Rivaldo, David Beckham… trong một chương trình thi tài năng do một hãng nước ngọt nổi tiếng toàn cầu tổ chức. Chương trình đó, Hồng Sơn đứng thứ nhì chung cuộc.

Chưa ai bằng được Nguyễn Thị Tĩnh

Từ năm 2000 trở lại đây, điền kinh Việt Nam có nhiều VĐV ít nhất một lần có huy chương châu Á như Trương Thanh Hằng, Vũ Thị Hương, Vũ Văn Huyện, Nguyễn Thị Thanh Phúc hay vượt chuẩn Olympic 2016 có Nguyễn Thị Huyền. Tuy nhiên, cựu tuyển thủ Nguyễn Thị Tĩnh là VĐV có vinh dự lớn nhất cho điền kinh Việt Nam ở châu lục.

Thành tích cá nhân 51 giây 83 tại nội dung 400m nữ của Nguyễn Thị Tĩnh từng giúp cô được Liên đoàn Điền kinh châu Á mời 1 suất chính thức tham gia đội hình tiếp sức tuyển châu Á thi đấu cự ly tiếp sức 4x400m tại giải vô địch thế giới năm 2003. Tĩnh đã góp mặt giải này. Đây là vinh dự để đời với VĐV.

D.P.

Diệu Phương
.
.
.