Quách Thị Lan: Niềm hạnh phúc nơi vạch đích

Thứ Bảy, 24/07/2021, 08:13
Quách Thị Lan đến với điền kinh trong tâm thế một vận động viên chuyên nghiệp khá muộn màng. Cô chỉ giành được những danh hiệu nổi bật tầm cỡ khu vực và châu Á cũng phải sau nhiều năm lăn lộn trên đường đua. Và rồi ở gần kề thời điểm nghĩ đến việc sinh con, lập gia đình, Quách Thị Lan mới có lần đầu tiên được dự Olympic.


Huy chương vàng ASIAD bất ngờ

Quách Thị Lan chỉ bắt đầu đi tập điền kinh khi đã 16 tuổi. Lúc bấy giờ, sau một kỳ thi ở giải trường, cô gái cao 1m70 này được các giáo viên trong trường tạo điều kiện để hướng theo con đường thể thao chuyên nghiệp. Tập được 5 tháng ở Thanh Hoá, cô gái quê Ngọc Lặc của xứ Thanh khăn gói lên đường ra Từ Sơn, Bắc Ninh. Từ đó trở đi, Quách Thị Lan chính thức đi theo con đường chuyên nghiệp của môn thể thao nữ hoàng.

Quách Thị Lan không mất nhiều thời gian để góp mặt trên ĐTQG. Bởi chỉ một năm sau đó, Lan đã được chấm vào diện có thể ganh đua huy chương ở nội dung 400m và 400m rào. Nhưng xuất phát điểm quá muộn lại đan xen với việc rút ngắn quá trình tuyển chọn lên thi đấu đỉnh cao khiến Lan cũng phải trải qua những áp lực về chấn thương. Cô thừa nhận chân của mình hơi yếu so với mọi người, vì không có thời gian rèn giũa ở một độ tuổi sớm hơn khi đó. Chấn thương gối trở thành mãn tính với vận động viên người Thanh Hoá. Những chấn thương nặng, nhẹ khác nhau khiến Lan cũng quen với cái đầu gối mong manh của mình.

VĐV Quách Thị Lan được đặc cách dự Olympic Tokyo 2020. (Ảnh: Bùi Lượng)

Hai năm sau khi lên ĐTQG, Quách Thị Lan từng đoạt huy chương bạc ASIAD 2014. Nhưng những tấm huy chương vàng chỉ thực sự đến với cô sau nửa thập kỷ rèn luyện. Đó có thể xem là muộn đối với một vận động viên điền kinh chuyên nghiệp của Việt Nam. Những tấm huy chương vàng giải điền kinh châu Á đến với cô vào năm 2017, tức là phải sau 5 năm Quách Thị Lan đến với điền kinh đỉnh cao. Tương tự, hai tấm huy chương vàng SEA Games cũng chỉ đến với Lan ở các năm 2015 và 2017.

Đáng chú ý nhất là trường hợp tấm huy chương vàng ASIAD 2018. Phải tới năm 2019, tức là sau 1 năm, Quách Thị Lan mới được nhận. Lý do là bởi VĐV người Bahrain Kemi Adekoya bị tước huy chương do dính doping. Hạnh phúc nơi cuối con đường đến với Lan cứ chậm rãi như vậy.

Cứ thoải mái trong lần đầu ra Thế vận hội

Quách Thị Lan bày tỏ khoảng 1-2 năm nữa, khi bắt đầu gần đến cột mốc 30 tuổi, cô sẽ nghiêm túc nghĩ đến chuyện lập gia đình và sinh con. Với một VĐV điền kinh, điều ấy cũng có nghĩa rằng việc theo đuổi sự nghiệp đỉnh cao sẽ không còn được duy trì như trước.

Ở gần vạch đích của sự nghiệp chuyên nghiệp, Quách Thị Lan bất ngờ nhận được món quà từ Olympic Tokyo 2020. Cô được Liên đoàn Điền kinh Thế giới và Ủy ban Olympic Quốc tế chấp nhận suất đặc cách tham dự Olympic Tokyo 2020 do Liên đoàn Điền kinh Việt Nam đề cử. Đây là suất đặc cách dành cho quốc gia không có VĐV giành vé trực tiếp và cô cũng sẽ là đại diện duy nhất của điền kinh Việt Nam tham dự Olympic Tokyo 2020.

Đây là kỳ Olympic đầu tiên trong sự nghiệp của Quách Thị Lan. Nữ VĐV sinh năm 1995 được Liên đoàn Điền kinh Việt Nam lựa chọn thi đấu ở cự ly 400m rào. Xin được nhắc lại là 400m rào, nội dung khó nhất và yêu cầu cao nhất của điền kinh tại Olympic. Nhưng đó cũng có thể xem là niềm vinh dự với Quách Thị Lan. Bởi cô là VĐV gốc Á duy nhất và cũng là 1 trong 2 VĐV điền kinh châu Á (người còn lại là Aminat là VĐV người Bahrain gốc Nigeria) được thi đấu ở nội dung này.

Như đã nói, 400m rào nữ là một nội dung thuộc diện đẳng cấp thế giới tại bộ môn điền kinh. Cơ hội dành cho những vận động châu Á ở nội dung này là quá nhỏ bé. Mở rộng ra với toàn bộ môn điền kinh, lịch sử điền kinh Việt Nam cũng chỉ xuất hiện một VĐV vượt qua vòng loại đầu tiên (vòng heat) ở Olympic. Đó là Vũ Thị Hương ở nội dung chạy 100m nữ tại Bắc Kinh 2008. Hương đạt thành tích 11,65 giây và vào tứ kết, trước khi bị loại. Đúng là không có nhiều cơ hội cho Quách Thị Lan có hy vọng vào được vòng chung kết tranh tài chứ đừng nói là giấc mơ huy chương. Nhưng với Quách Thị Lan, cũng nhờ vậy mà cô sang Tokyo tham dự Olympic với tâm trạng thoải mái hơn cả.

“Nói không có áp lực thì cũng không phải bởi có một chút hồi hộp khi lần đầu tiên mình được tham dự một giải đấu lớn như vậy. Tuy nhiên việc được cọ xát với những VĐV có thành tích rất tốt trên thế giới cũng là động lực để mình cố gắng nhiều hơn, học hỏi được nhiều”, Quách Thị Lan lạc quan chia sẻ.

Quách Thị Lan vẫn chưa có chỗ tập luyện

Theo ông Trần Đức Phấn, ngoài các môn đã được ban tổ chức sắp xếp địa điểm tập luyện như: thể dục dụng cụ, cầu lông, bắn súng… thì có những môn vẫn chưa có chỗ để tập. Cụ thể đó là VĐV Quách Thị Lan (điền kinh) từ khi đến Nhật Bản hôm 19/7 đến nay vẫn chưa thể đến sân để tập luyện. Do chưa có địa điểm tập luyện nên chuyên gia Vladimir Hristov (Bulgaria) đã phải khắc phục bằng cách cho Quách Thị Lan chạy ngay trong sân của làng VĐV Olympic. Ngoài ra, cô cũng đến phòng gym để tập các bài tập bổ trợ.

Ông Phấn cho biết trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 hiện nay, mục tiêu hàng đầu của đoàn thể thao Việt Nam là đảm bảo an toàn cho VĐV và các thành viên trong đoàn. Các VĐV cố gắng đạt thành tích cao nhất của mình, đoàn phấn đấu có huy chương với hy vọng số 1 ở môn cử tạ.

PV
.
.
.