Phản biện là cần thiết nhưng nên mang tính xây dựng

Chủ Nhật, 07/06/2020, 08:30
Thêm một lần nữa, ông Vũ Tiến Thành – Chủ tịch kiêm huấn luyện viên CLB Sài Gòn lại đăng đàn chê Ban tổ chức các giải chuyên nghiệp quốc gia vì những điều lệ vốn đã tồn tại nhiều năm.

Kết thúc vòng loại Cúp Quốc gia 2020, Sài Gòn bất ngờ để thua đội bóng hạng Nhất Bà Rịa - Vũng Tàu. Huấn luyện viên Vũ Tiến Thành trong cuộc họp báo sau trận đấu đã phàn nàn về điều lệ các đội V.League không được dùng ngoại binh khi gặp các đội bóng hạng Nhất. 

Ông cho rằng: “Cúp quốc gia không có cầu thủ ngoại thì đội V.League hay hạng nhất đều tương đồng nhau về trình độ. Vì thế, đây cũng là bất cập giữa cúp quốc gia và V.League. Tôi nghĩ các nhà tổ chức phải tính toán lại. Các đội chuyên nghiệp ở giải hạng nhất cũng nên có cầu thủ ngoại. Lúc đó, sân chơi sẽ tương đồng hơn và tốt hơn”.

Bên cạnh đó, ông Thành cũng nhân tiện góp ý và chê cách tổ chức V.League của VPF theo thể thức mới. Ông cho rằng: “Thể thức V.League 2020 tôi đã từng góp ý là nên kéo dài đến tháng 12. Vì muốn đánh giá một nền bóng đá, anh phải đánh giá V.League và giải hạng nhất rồi sau đó mới đánh giá đội tuyển quốc gia. Nếu tổ chức theo kiểu này, tôi nghĩ chắc chắn sẽ có những tiêu cực. Vì sẽ không tránh khỏi việc những đội mạnh đã đủ điểm thì sẽ tính toán cho các đội ở dưới, nên sẽ sinh ra những chuyện tiêu cực. Mà bóng đá thì thực tế, mình sẽ không giấu được chuyện đó”.

HLV Vũ Tiến Thành lại chê V.League. Ảnh: QT

Trở lại với sân chơi V.League 2020 hôm 5/6, Sài Gòn lại bị Bình Dương chia điểm ngay trên sân nhà. Trong phòng họp báo, ông Vũ Tiến Thành tiếp tục chủ đề chê ngược lại Cúp Quốc gia, giải đấu mà Sài Gòn đã bị loại. 

Ông Thành cho rằng: “Giải Cúp Quốc gia rất mắc cười, không có giải nào trên thế giới mà đội bóng phía dưới điều khiển các đội phía trên, buộc phải bỏ 3 cầu thủ ngoại. TP Hồ Chí Minh mới đá với Đà Nẵng được dùng ngoại binh, sắp tới họ gặp Bà Rịa - Vũng Tàu phải bỏ ngoại binh ra. Tôi hỏi các bạn, có giải nào trên thế giới kỳ lạ như thế không? Đặt trường hợp Bà Rịa - Vũng Tàu vô địch Cúp Quốc gia và được đi đá AFC Cup nhưng không thăng hạng V.League 2021. Lúc đó, họ sẽ sắm 4 cầu thủ ngoại chỉ để đá AFC Cup 2021, có gì sai sai nữa đúng không? Chỉ có Việt Nam mới tổ chức giải Cúp như thế này thôi”.

Thực tế, các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia Việt Nam vẫn đang trong quá trình lên chuyên nghiệp. Như Chủ tịch VPF Trần Anh Tú thừa nhận thì V.League chưa thực sự chuyên nghiệp khi bản thân các câu lạc bộ vẫn hoạt động rất nghiệp dư. Chính vì vậy mà Ban điều hành cũng phải “liệu cơm gắp mắm”. Ông Tú cũng thẳng thắn chia sẻ, nếu soi đến mọi tiêu chí đáp ứng để tổ chức một trận đấu chuyên nghiệp, chắc không nhiều câu lạc bộ tại V.League đáp ứng tuyệt đối.

Khi V.League trở lại sau dịch COVID-19, VPF cũng đã phải tính toán mọi mặt. Và mỗi phương án đều có mặt tích cực và hạn chế. Tuy nhiên, khi đặt trong cái chung và cái được nhiều hơn thì cần phải chọn ra phương án khả dĩ nhất. Việc bóng đá Việt Nam có thể trở lại và đón khán giả đã là một điều may mắn hơn nhiều quốc gia khác trên thế giới. Bên cạnh đó, các điều lệ của giải đấu cũng đã phải tính toán dựa trên thực trạng nền bóng đá Việt Nam có gì chứ không thể mang bộ tiêu chí ra so sánh với thế giới?

Việc các ý  kiến phản biện giống như của ông Vũ Tiến Thành là cần thiết. Thế nhưng, thực sự các vấn đề mà ông Vũ Tiến Thành đề cập có mang tính xây dựng? Ở thời điểm mà tất cả các câu lạc bộ vẫn chấp nhận và tuân thủ cuộc chơi, tại sao chỉ có một mình Sài Gòn phản ứng? Đó có phải quan điểm của đội bóng hay chỉ riêng cá nhân ông Thành?

Một câu hỏi được đặt ra, bản thân CLB Sài Gòn đã đáp ứng đủ các tiêu chuẩn chuyên nghiệp chưa khi tham gia sân chơi V.League? Nếu chỉ đơn giản là việc phản ánh những hạn chế thì quá dễ, vấn đề là cần làm gì để cải thiện. Bản thân câu lạc bộ chưa thực sự cầu thị và chuyên nghiệp khó lòng đòi hỏi cả hệ thống chuyển mình.

Ngay như vấn đề kiếm tiền nuôi bóng đá của các câu lạc bộ V.League vẫn là một khoảng trống. Chủ tịch VPF Trần Anh Tú có đưa ra một nhận xét khá thực tiễn: “Tôi cho rằng, tính bao cấp ở Việt Nam khá nhiều trong khi tính thị trường còn thấp. Vì vậy các câu lạc bộ rất khó bán “tài sản” của mình để có nguồn thu. Ví dụ, việc bán trang phục của câu lạc bộ ở nước ngoài là một nguồn thu khá tốt, nhưng ở Việt Nam gần như không đáng kể. Khi vào sân, chúng ta lại thấy cổ động viên mặc áo không phải do chính câu lạc bộ bán ra. Hay việc bán vé cũng vậy, trước đây, một số sân mở cửa cho khán giả váo tự do hoặc giá vé quá thấp. Điều đó làm thấp giá trị của đội bóng và phần nào ảnh hưởng của tính bao cấp”.

Thế nên, để bóng đá Việt Nam tốt hơn, bản thân Sài Gòn hay các câu lạc bộ khác cần ý thức được tính chuyên nghiệp của chính mình.

Văn Lâm lọt top thủ môn hay nhất châu Á

Trang Fox Sports Asia đăng tải bức ảnh ghép chân dung 9 thủ thành châu Á đã và đang thi đấu. Danh sách có sự góp mặt của Đặng Văn Lâm bên cạnh những cái tên nổi tiếng như: Neil Etheridge (Philippines), Yoshikatsu Kawaguchi (Nhật Bản) hay Kawin Thamsatchanan (Thái Lan).

Các thủ môn Đông Nam Á góp mặt trong danh sách còn có: Neil Etheridge của Philippines, hiện bắt cho Cardiff City; Khairul Fahmi (Malaysia); Lionel Lewis (cựu thủ môn Singapore); Kawin Thamsatchanan - thủ thành số 1 bóng đá Thái Lan. Những người khác gồm Kawaguchi Yoshikatsu (Nhật Bản), Alireza Beiranvand (Iran), Lee Woon Jae (Hàn Quốc) và Ali Al-Habsi (Oman).

Văn Lâm hiện đang là sự lựa chọn số 1 trong khung gỗ Đội tuyển Việt Nam. Từ AFF Cup 2018 đến Asian Cup 2019 rồi vòng loại World Cup 2022, cầu thủ mang 2 dòng máu Nga - Việt này đều bắt chính, chơi tốt. Mùa trước, anh gia nhập Muangthong United với giá chuyển nhượng cao kỷ lục với bóng đá Việt Nam và được đánh giá là thủ thành chơi tốt nhất Thai League 2019. (H.H.)

Hưng Hà
.
.
.