Để thành công của một Đội tuyển thúc đẩy nền bóng đá phát triển

Chủ Nhật, 04/02/2018, 09:03
Giờ là lúc mà cảm xúc của người hâm mộ về chiến tích của Đội tuyển U.23 Việt Nam tại VCK U.23 châu Á năm nay đã lắng xuống. Và vì thế, giờ cũng là lúc cần phải nhìn nhận chiến tích này vừa bằng cảm xúc tự hào tất yếu, vừa bằng một thái độ duy lý tỉnh táo, để hy vọng nó không phải chỉ là một chiến tích nhất thời. 

Chuyên mục trò chuyện chủ nhật tuần này, phóng viên Báo CAND đối thoại cùng chuyên gia bóng đá, nguyên Tổng Biên tập Báo Bóng đá Vũ Mạnh Hải.

PV: Thưa ông, xem các cháu U.23 đá giải châu Á ông có nhớ tới thời trẻ của mình ngày xưa không? Nếu có, thì ông nhớ những gì?

Ông Vũ Mạnh Hải: Chứng kiến thành công phi thường của ĐT U23 tại đấu trường Châu Á, tôi thực sự ngạc nhiên, bất ngờ, vui sướng và cảm phục vì những gì các cầu thủ đã làm được dưới sự dẫn dắt của HLV Park Hang Seo. 

Những trận đấu không thể tin nổi của U23VN dưới thời tiết giá lạnh, có lúc khắc nghiệt như ở Thường Châu, Trung Quốc đã khiến những dự đoán của chúng tôi và tôi nghĩ cả những người đã và đang làm nghề bóng đá sai bét! Nhưng điều này quá thú vị…

Nếu bạn hỏi là có nhớ tới thời trẻ của mình không thì thú thực, tôi ước gì mình được sống lại những ngày được là cầu thủ đội bóng đá Thể Công! Thể Công của chúng tôi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vì so với các đội bóng khác ở miền Bắc, khi ấy Thể Công được chăm lo tạo điều kiện tốt nhất. 

Chúng tôi được tuyển chọn vào Thể Công tháng 11-1965 và bắt đầu kế hoạch luyện tập cơ bản 2 năm. Sang năm thứ 3, đội tiếp tục chọn lọc được 26 cầu thủ cử đi tập huấn, đào tạo tiếp 1 năm ở CHDCND Triều Tiên. Đến năm thứ 4, đội tiếp tục sàng lọc lại và đưa đi tập huấn nâng cao gần 6 tháng ở Hungary. 

Được sống tập luyện, ăn ở với nhau suốt 4, 5 năm, lại được bồi dưỡng học hỏi những nền bóng đá tiên tiến lớp cầu thủ này đã trưởng thành vững chắc để từ năm 1969, Thể Công trẻ hóa đội hình toàn diện! Đến năm 1970 đội bóng đá Thể Công có tuổi trung bình chỉ khoảng 23,5 và đã từng Vô địch Giải BĐQG (miền Bắc). 

Năm ấy, khi thành lập ĐTQG, Thể Công có tới 8 cầu thủ U23 được ra sân thi đấu chính thức! Đó là trận ĐTQG Việt Nam hòa ĐTQG Cuba 1-1 trên sân Hàng Đẫy (Trận đấu này sau trận Thể Công thắng ĐTQG Cuba 3-2 ngày 2-9-1970). 

Như vậy là cách đây gần 50 năm, cũng có một lớp cầu thủ U23 với nhiều tài năng mà cho đến nay mọi người vẫn nhớ, mà đại diện là Thủ môn Trần Văn Khánh, Trung vệ Nguyễn Trọng Giáp, Tiền vệ Phan Văn Mỵ và đặc biệt là tiền đạo trái huyền thoại Ba Đẻn (Nguyễn Thế Anh)…

Tôi không dám so sánh trước đây với hiện tại bởi “mọi sự so sánh đều là khập khiễng, nhưng tôi muốn kể điều này để chứng minh rằng mỗi thời kỳ khác nhau, BĐVN luôn có những thế hệ tài năng bóng đá khác nhau, điều này chứng tỏ tiềm năng của BĐVN là vô tận!

Chuyên gia bóng đá, nguyên Tổng Biên tập Báo Bóng đá Vũ Mạnh Hải.

PV: So với thế hệ ông ngày xưa, thế hệ U.23 ngày hôm nay có điều gì giống và khác ở các góc độ thể lực, lối chơi, tinh thần, thành tích không?

Ông Vũ Mạnh Hải: 18 năm bảo vệ màu cờ sắc áo Thể Công, chúng tôi đã đúc kết được lối chơi mang đậm phong cách quân đội nhân dân: Ý chí, tinh thần, kỷ luật nghiêm minh. Về chuyên môn cầu thủ Thể Công phải đáp ứng yêu cầu về thể lực và không được phép thua về thể lực bất cứ đội bóng nào. 

Về lối chơi, để phù hợp với tố chất con người nhỏ bé Việt Nam, tướng Vương Thừa Vũ đã tổng kết bằng một câu vè rất dân dã như sau: “Thấp (chuyền bóng sệt) – Nhanh – Ngắn (ban ngắn) - Mạnh (mạnh mẽ) – Luồn lách (lắt léo) – Thọc sâu”. Đây là cẩm nang chiến thuật đặc biệt khi thi đấu với các đội bóng to cao Âu, Mỹ…

Về tinh thần, trải qua hàng trăm trận đấu, có thắng, có hòa có thua, tôi cùng đồng đội đã được trải nghiệm qua nhiều trạng thái khác nhau. Có những lúc được đắm mình trong niềm vui tuyệt vời của chiến thắng nhưng cũng có lúc tự dằn vặt đến mất ăn, mất ngủ không những chỉ vì một trận đấu thất bại mà đau đớn hơn còn là một trận thi đấu đánh mất phong cách, truyền thống! 

Thế hệ chúng tôi thi đấu không đơn giản chỉ là đá bóng, mà còn mang ý nghĩa khác sâu xa hơn nhiều: Qua bóng đá phải thuyết phục được người xem thấy Thể Công thi đấu vì công chúng, cống hiến, vô tư và trong sáng, trong đó nêu cao tinh thần ý chí quyết chiến quyết thắng, thể hiện bản chất anh bộ đội Cụ Hồ thắng không kiêu, bại không nản và đầy tính sáng tạo! 

Ngày nay, đất nước phát triển, đổi mới mạnh mẽ. Bóng đá nước ta đã và đang trong quá trình tiến lên chuyên nghiệp không tránh khỏi những vấn đề gây bức xúc cho giới hâm mộ thì thành công của ĐT U23 đã như luồng gió mới đem đến hy vọng và niềm tin trở lại. Điều này được cả nước cảm nhận và ngưỡng mộ vì qua các trận đấu, các cầu thủ đã thể hiện không chỉ tài năng mà còn bằng cả ý chí, tinh thần của một dân tộc!

PV: Theo ông, những điểm cơ bản nào tạo nên thành công của thầy trò ông Park Hang Seo. Và về cá nhân ông Park Hang Seo, ông có đánh giá gì không?

Ông Vũ Mạnh Hải: Thành công của U23 có dấu ấn rất lớn của HLV Park Hang Seo, tôi cho rằng đây là nhân tố cơ bản, hạt nhân lớn nhất của chiến tích này. Tiếp đến, tôi muốn nói đến thứ “bột” chất lượng đã gột nên “hồ”: Tất cả các cầu thủ đã thể hiện sự trưởng thành và khẳng định tài năng qua các trận đấu. Vấn đề thứ 3, đó là niềm tin, ý chí chiến đấu như những chiến binh cùng khát vọng chiến thắng và thứ 4: Sự may mắn. Nhưng may mắn chỉ đến với những ai chăm chỉ, nỗ lực với tinh thần quyết tâm cao.

Và điều cuối cùng, đó là một đấu pháp chiến thuật hợp lý phù hợp với thể chất con người thấp bé, nhẹ cân nhưng nhanh nhẹn Việt Nam, từ đó tiết kiệm được thể lực khiến các cầu thủ có thể chiến đấu bền bỉ dẻo dai tới 120 phút/trận!

Tôi muốn nhấn mạnh ở đây rằng, với HLV Park Hang Seo, tôi có cảm tưởng ông giống như một kỳ thủ cao tay, luôn có thể chuẩn bị tới 5 nước cờ trước một lần đi.

PV: Giờ phải tỉnh táo nhìn nhận cùng nhau: chiến tích này là sự thăng hoa trong một khoảng thời gian mà tất cả những điểm mạnh nhất của chúng ta được hội tụ lại, hay nó là chiến thắng của đẳng cấp một nền bóng đá?

 Ông Vũ Mạnh Hải: Tôi đồng ý với bạn: Chiến tích phi thường của ĐT U23 là sự thăng hoa tại thời điểm mà những điểm mạnh nhất của lứa cầu thủ trẻ này hội tụ được. Dưới  góc độ chuyên môn, kể từ năm 2014 đến nay, phần lớn cầu thủ thuộc lứa U23 này được tạo nhiều cơ hội thi đấu, cọ sát cùng nhau tại nhiều giải đấu có chất lượng ở đấu trường khu vực và châu lục. 

Những kinh nghiệm thành công và thất bại của họ đã được trải nghiệm và từ sự hiểu biết, ăn ý với nhau đến thời điểm này thì bùng nổ. Nó hợp với logic, với quy luật phát triển đi lên của bóng đá. Về khía cạnh quản lý vĩ mô, thành công của một đội tuyển chưa phải là thành công của cả một nền bóng đá mà chỉ khi nhiều đội tuyển thành công chúng ta mới khẳng định được nền bóng đá thành công. 

Trên bình diện chung, để đánh giá đẳng cấp của một nền bóng đá, người ta thường quan tâm đến 2 tiêu chí trước hết, đó là chất lượng, trình độ của Đội tuyển Quốc gia và chất lượng trình độ, sức thu hút của Giải Vô địch Quốc gia.

PV: Như chúng ta đều biết, VKC Euro (giải vô địch châu Âu) năm 2004 tại Bồ Đào Nha, một đội bóng tý hon như Hy Lạp đã bất ngờ lọt vào chung kết, và lên ngôi vô địch. Khi ấy nhiều người gọi HLV trưởng Otto Rehaghen của Hy Lạp là "vua" Otto. Nhưng ngay sau đó thì bóng đá Hy Lạp rớt thảm hại, và "vua" Otto đã phải ra đi. Ông có cho rằng, nếu chúng ta cứ quá say sưa với một chiến thắng nhất thời thì sẽ trở thành một Hy Lạp mới của châu Á, ở cả hai phương diện tích cực và tiêu cực hay không?

Ông Vũ Mạnh Hải: Quả thực tôi đang rất lo sau kỳ tích này người ta cố tình ngủ quên trên chiến thắng và đi vào vết xe đổ của bóng đá Hy Lạp. Sự sa sút thê thảm của BĐ Hy Lạp sau EURO 2004 có nguyên nhân từ sự thỏa mãn của các quan chức lãnh đạo bóng đá đất nước này, họ đã không đánh giá đúng thực trạng tình hình, không thẳng thắn tìm hiểu đâu là nguyên nhân vì sao ĐTQG Hy Lạp vô địch do đó dẫn đến thảm họa.

PV: Người ta nói rất nhiều đến hiện tượng có một số doanh nghiệp, một số người nổi tiếng, một số quan chức bóng đá nữa không ngừng có những biểu hiện "ăn theo" Đội tuyển. Hậu quả nào sẽ xảy ra với những cầu thủ còn rất trẻ và rất ít vốn sống nếu hiện tượng "ăn theo" này cứ lặp đi lặp lại?

Ông Vũ Mạnh Hải: Xã hội phát triển, quyền tự do cá nhân của con người là bất khả xâm phạm do đó một số người, doanh nghiệp, tổ chức… nhân cơ hội “ăn theo” thô thiển, vô văn hóa gây bất bình dư luận chung. 

Theo tôi để tránh cho các cầu thủ trẻ vấp ngã, trước hết các CLB chủ quản cần xác định trách nhiệm phối hợp với gia đình chú ý quan tâm chỉ bảo, giáo dục các em tiếp tục rèn luyện phấn đấu để nâng cao trình độ chuyên môn của mình. Đã có những tấm gương không chịu rèn luyện đã vương vào vòng lao lý và kết thúc sự nghiệp trong khi tuổi còn trẻ, đó là điều các em cần phải được biết và rút ra bài học cho cuộc đời cầu thủ vốn có rất nhiều cám dỗ!

PV: Thời còn là cầu thủ đã bao giờ ông và thế hệ ông vì quá say sưa với một chiến thắng nào đó mà phải chịu một hậu quả không đáng có chưa ạ? Nếu có thì từ bài học ấy, ông có muốn nhắn nhủ gì tới các cầu thủ trẻ hôm nay?

Ông Vũ Mạnh Hải: Thời chúng tôi còn trẻ chưa có bóng đá chuyên nghiệp, chưa có phát thanh, truyền hình, báo chí…đưa tin về cá nhân các ngôi sao bóng đá, âm nhạc… và đặc biệt ngày xưa ấy, các cơ quan thông tin, tuyên truyền không được phép “lăng xê hình ảnh và tài năng cá nhân như ngày nay. 

Ngày ấy, người ta quan niệm thành công phải là thành công của tập thể, vai trò cá nhân chỉ là thứ yếu do đó các cầu thủ nổi tiếng ít khi được nêu gương hoặc ca ngợi trên báo chí. Có thể vì vậy ít xảy ra  trường hợp sa ngã, hư hỏng như một số cầu thủ nổi tiếng những năm gần đây.

Nếu có lời khuyên cho các cầu thủ trẻ, bằng kinh nghiệm cá nhân tôi khuyên các bạn “Cho dù bạn đã thành tài, đã trở thành tuyển thủ QG hay ngôi sao sân cỏ thì phải luôn nhớ: Hãy tiếp tục phấn đấu rèn luyện không bao giờ được thỏa mãn với khả năng của mình. Bởi khi bạn thấy thế là đủ thì có nghĩa bạn đang xuống dốc đấy!”.

PV: Tính từ năm 1995 đến nay, bóng đá Việt Nam đã từng chứng kiến không ít thế hệ tài năng, từ thế hệ vàng của những Hồng Sơn, Huỳnh Đức, Công Minh, đến thế hệ bạc của những Văn Quyết, Quốc Vượng, Huy Hoàng, rồi bây giờ là thế hệ mới tinh sương của những Công Phượng, Xuân Trường, Quang Hải. Theo ông sự khác biệt nếu có giữa ba thế hệ này là gì, và tuổi thọ của thế hệ hôm nay liệu có thể lớn hơn hai thế hệ trước hay không?

Ông Vũ Mạnh Hải: Người ta bảo xét cho cùng bóng đá phản ảnh thực trạng xã hội, tôi thấy tâm đắc với điều này. Từ thế hệ 1995 đến nay bóng đá Việt Nam trải qua biết bao thăng trầm trong đó 2 thế hệ được gọi là vàng và bạc trước đây chưa thực sự đem lại niềm vui cho giới hâm mộ.

Sự khác biệt đã đến từ thế hệ U23 ngày nay khi  Xuân Trường, Quang Hải, Tiến Dũng, Công Phượng…đã ghi dấu ấn lịch sử, đem lại niềm cảm hứng lớn cho nhân dân cả nước. 

Chưa bao giờ bóng đá được tôn vinh, được ngưỡng mộ như hôm nay! Nhưng nếu hi vọng rằng từ cú hích này, bóng đá Việt Nam sẽ bước sang trang sử mới vững vàng, mạnh mẽ và vẻ vang hơn thì nói thật, tôi chưa dám chắc! Đó còn là một câu chuyện dài và phức tạp lắm…

PV: Có một cựu quan chức bóng đá nói với tôi rằng, chỉ sợ sau chiến tích bay bổng của các cầu thủ U.23, lãnh đạo VFF quá lạc quan mà quên đi những nhiệm vụ tối quan trọng như phải tiếp tục làm trong sạch hoá bộ máy, phải tiếp tục vạch ra những chiến lược đầu tư hợp lý trong tương lai. Ông có sợ điều này không ạ?

Ông Vũ Mạnh Hải: Đây là điều không chỉ riêng tôi lo sợ mà đó là nỗi quan ngại của những người am hiểu tình hình bóng đá Việt Nam hiện tại.

Nhiệm kỳ khóa VII của VFF sắp mãn hạn với quá nhiều vấn đề bất cập mà tại Hội thảo hiến kế xây dựng Bóng đá Việt Nam do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo rất nhiều chuyên gia bóng đá và người hâm mộ đã nêu ra rất thẳng thắn và chính xác... 

Nếu những vấn đề tồn tại ấy không được giải quyết, nếu không bầu được một Chủ tịch VFF có uy tín ở nhiệm kỳ mới và một Ban lãnh đạo làm việc không vụ lợi, công tâm vì sự phát triển và tiến bộ của bóng đá Việt Nam, tôi e rằng chiến thắng của các tuyển thủ U23 Việt Nam hôm nay sẽ chỉ là một kỷ niệm ngắn hạn mà thôi!

PV: Xin cảm ơn ông!

Ngọc Anh (thực hiện )
.
.
.