Bóng bàn nam VN: Chờ cú hích sau những bước tiến lớn
- Bế mạc Giải bóng bàn mở rộng 50 năm thành lập Học viện CSND
- Liên đoàn bóng bàn Việt Nam có nhà tài trợ mới
- Robot huấn luyện viên bóng bàn
Duyên nợ với giải thế giới
Nhắc đến Giải vô địch thế giới, người ta chỉ thường nhớ đến những kỷ niệm không vui của các tay vợt Việt Nam. Một trong những kỷ niệm đáng quên nhất chính là vụ nhầm giờ thi đấu dẫn đến bị tính là bỏ cuộc tại một số trận đấu ở Giải vô địch thế giới năm 2011.
Đội tuyển bóng bàn Việt Nam tại Giải vô địch đồng đội thế giới 2018. |
Trong khi đó, thành tích tại Giải thế giới của bóng bàn Việt Nam không quá nổi bật. Thậm chí, vì thiếu kinh phí mà bóng bàn Việt Nam đành không tham dự một số kỳ giải thế giới. Điều đó giải thích một phần lý do khiến bóng bàn Việt Nam vẫn trong nhóm 3 đồng đội thế giới. Trong khi đó, ở khu vực Đông Nam Á, Thái Lan đã thi đấu ở nhóm 2 thế giới từ nhiều năm nay. Còn Singapore thi đấu ở nhóm 1 thế giới như lẽ đương nhiên.
Cũng vì đánh giá Giải thế giới là sân chơi quá tầm nên từ lâu nay, trong làng bóng bàn Việt Nam đã đặt ra vấn đề rằng chỉ cần cử các tay vợt trẻ dự giải nhằm mục đích học hỏi, cọ xát, tích lũy kinh nghiệm. Còn khi dự những kỳ cuộc vừa sức như SEA Games hay Giải vô địch Đông Nam Á thì mới cử các tay vợt giỏi nhất hoặc giàu kinh nghiệm thi đấu quốc tế.
Điều này cũng phản ánh một thực trạng của bóng bàn Việt Nam là các tay vợt có quá ít cơ hội thi đấu quốc tế. Vì vậy, mới có chuyện tính tới yếu tố trẻ khi xây dựng đội hình tham dự Giải vô địch thế giới. Trong khi ấy, theo lẽ thường, những tay vợt tốt nhất (đương nhiên bất kể tuổi tác) của một nền bóng bàn phải được tham dự Giải vô địch thế giới, sân chơi lớn nhất của bóng bàn thế giới và chỉ được xếp sau Olympic.
Tuy nhiên, đến Giải bóng bàn đồng đội thế giới 2018, đội tuyển Việt Nam tham dự với đội hình kết hợp cả yếu tố già - trẻ với 3 tay vợt là Đinh Quang Linh, Nguyễn Anh Tú, Đoàn Bá Tuấn Anh. Hiểu đơn giản, những tay vợt được xem là tốt nhất của bóng bàn Việt Nam được cử tham dự.
Cũng vì thiếu kinh phí nên đội tuyển chỉ có vỏn vẹn 3 tay vợt, đủ để thi đấu nội dung đồng đội và đương nhiên, không có phương án dự phòng. Trong khi đó, thường thì một đội tuyển dự Giải đồng đội phải có ít nhất 4 tay vợt.
Như ở giải năm nay, Singapore cử tới 5 tay vợt dự giải trong đó có 2 tay vợt chưa qua tuổi 20; Thái Lan cũng cử 4 tay vợt trong đó có 1 tay vợt 16 tuổi. Bóng bàn Việt Nam có muốn đầu tư cho các tay vợt trẻ nhằm giúp họ được hưởng không khí của một đấu trường thế giới cũng khó. Dù vậy, với đội hình tốt nhất hiện tại, từng giúp bóng bàn Việt Nam vô địch SEA Games 2017, đội tuyển Việt Nam đã gây bất ngờ.
Tại vòng bảng nhóm 3, đội tuyển Việt Nam xếp hạng nhì sau khi để thua Indonesia 1-3 và vẫn lọt vào vòng đấu loại trực tiếp cùng 2 đội khác trong bảng là Indonesia và Cuba. Tại vòng đấu loại trực tiếp, các tay vợt Việt Nam lần lượt vượt qua Saudi Arabia, Phần Lan với cùng tỷ số 3-1 rồi vượt qua Israel 3-1 ở trận bán kết, qua đó giành vé thăng hạng 2 thế giới vào năm 2020. Sau đó, dù thua Lithuania 0-3 ở trận chung kết nhóm 3 vào rạng sáng ngày 6-5 thì đội tuyển Việt Nam cũng vẫn vượt chỉ tiêu.
Nói như người trong nghề thì bóng bàn nam Việt Nam đã “lên đời”, ít nhất là về địa điểm thi đấu. Những người từng có mặt ở các Giải bóng bàn đồng đội thế giới kể rằng, càng ở nhóm dưới thì điều kiện thi đấu càng “bình dân”. Như nhóm 3 thế giới thường thi đấu ở các nhà khung thép được dựng lên trong thời gian diễn ra giải. Các đội nhóm 2 thi đấu trong điều kiện tốt hơn, tại địa điểm thi đấu kiên cố hơn. Chỉ những đội tuyển trong nhóm 1 mới được thi đấu tại Nhà thi đấu.
Chờ một cú hích
Câu chuyện bóng bàn nam Việt Nam liên tiếp gặt hái thành công trong thời gian gần đây đã chỉ ra tiềm lực của các tay vợt Việt Nam. Thực tế, các tay vợt Việt Nam có tiềm năng để có thể thi đấu ở nhóm 2 thế giới từ rất lâu. Nhưng vì nhiều lý do khách quan mà bóng bàn Việt Nam không thể là chính mình tại những sân chơi lớn. Đến bây giờ, khi đã lên nhóm 2 thế giới, bóng bàn nam Việt Nam đã chứng tỏ được vị thế.
Ít ra, thành công ở SEA Games 2017 (lần đầu vô địch đồng đội nam kể từ khi thể thao Việt Nam hội nhập với đấu trường SEA Games từ năm 1989) và gần nhất là Giải vô địch bóng bàn đồng đội nam thế giới 2018 đã mang lại những lạc quan nhất định, đặc biệt khi Đại hội Liên đoàn bóng bàn Việt Nam nhiệm kỳ VI sắp diễn ra vào cuối tháng này.
Thực tế, bóng bàn Việt Nam vẫn đang trải qua giai đoạn đi tìm chính mình khi những nguồn lực tốt nhất, nhất là nguồn xã hội hóa, vẫn chưa thể được hội tụ ở môn thể thao được nhiều người yêu thích này. Nếu làm được điều này trong thời gian tới, sẽ có nhiều thứ đáng để hy vọng, trong đó, rõ nhất là bóng bàn Việt Nam có thể thực hiện được chiến lược đầu tư cho vận động viên như cách mà Thái Lan và Singapore đã làm tại Giải đồng đội thế giới vừa qua.
Theo đó, bóng bàn Việt Nam sẽ không phải đắn đo về kinh phí mỗi khi dự Giải thế giới và lúc ấy có thể đan xen cả những tay vợt trẻ cần đầu tư cho những mục tiêu xa cũng như những tay vợt tốt nhất trong thời điểm đó. Xa hơn là cả nền bóng bàn sẽ được lợi và cùng hướng đến những điều tích cực, thay vì chỉ nghĩ đến những chuyện không hay trong quá khứ của bóng bàn Việt Nam.
Cẩn trọng với Indonesia Tại Giải vô địch bóng bàn đồng đội thế giới 2018, Indonesia chính là đối thủ khiến bóng bàn Việt Nam phải dè chừng hơn cả. Cũng chỉ cử 3 tay vợt tham dự trong đó có 1 tay vợt mới 18 tuổi, 1 tay vợt 19 tuổi nhưng đội tuyển Indonesia bất ngờ vượt qua đội tuyển Việt Nam với tỷ số 3-1 ở vòng đấu bảng. Đội tuyển Indonesia cũng lọt tới vòng tứ kết nhóm 3 và chỉ chịu thua Israel với tỷ số 2-3. Với đà phát triển này, ở SEA Games 2019, bóng bàn Indonesia được xem là đối trọng đáng nể của bóng bàn Việt Nam ở các nội dung nam. Minh Khuê |