Bốc thăm tại SEA Games 29: Dấu ấn của sự may rủi

Chủ Nhật, 09/07/2017, 13:04
SEA Games lần thứ 29 đã thực sự “nóng” lên sau lễ bốc thăm 9 môn thi đấu tập thể trong đó có bóng đá nam, bóng rổ nam, bóng chuyền, bóng bàn, cầu lông… Lá thăm đã đưa Việt Nam vào bảng đấu khó ở một số môn. Nhưng nước chủ nhà Malaysia cũng không phải ngoại lệ. Vì thế, sự may rủi vẫn hiện hữu trong từng cuộc bốc thăm mà ít có sự tác động từ bên ngoài.


Khi cách bốc thăm “lạ” bị hủy bỏ

Hiếm lần bốc thăm ở SEA Games lại gây chú ý như lần này. Người ta buộc phải chú ý vì những lý do khó tin. Tất cả bắt nguồn từ việc nước chủ nhà SEA Games lần này muốn áp dụng cách bốc thăm mới, trong đó nước chủ nhà được chọn bảng đấu sau khi gần kết thúc các cuộc bốc thăm. Lúc này, kết quả bốc thăm gần như ngã ngũ, đội mạnh và đội yếu ở các bảng đấu cũng rõ mặt. Những môn được yêu thích tại Việt Nam như bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, bóng bàn sẽ bị ảnh hưởng đáng kể nếu cách bốc thăm này được áp dụng.

Đại diện Tổng cục Thể dục thể thao, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam tại lễ bốc thăm các môn thi đấu đồng đội tại SEA Games 29. Ảnh: vff.org.vn.

Nếu được áp dụng, đấy sẽ lần đầu tiên cách bốc thăm “lạ” và “độc” này xuất hiện ở đấu trường SEA Games. Lúc ấy những giá trị cơ bản nhất của tinh thần Olympic như “công bằng”, “cao thượng” sẽ lung lay dữ dội. Hẳn nhiên, nhiều Liên đoàn thể thao quốc gia, Ủy ban Olympic quốc gia trong khu vực Đông Nam Á đều không dễ chấp nhận cách làm này. Thế nên, cuộc họp của Hội đồng Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á mới thống nhất đề xuất Liên đoàn Bóng đá châu Á can thiệp để cách bốc thăm trên không được áp dụng ở SEA Games 29. Còn Liên đoàn Bóng đá Việt Nam cũng rốt ráo chuẩn bị văn bản đề nghị Ủy ban Olympic Việt Nam lên tiếng.

Và cũng chỉ ngay hôm sau cuộc họp của Hội đồng Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á, nước chủ nhà Malaysia đã tuyên bố vẫn sẽ áp dụng cách bốc thăm truyền thống. Cách bốc thăm này cũng hạn chế tối đa lợi thế dành cho nước chủ nhà khiến họ cũng phải chấp nhận sự may rủi – vốn tạo nên sự hấp dẫn từ thi đấu đến bốc thăm trong thể thao. Tất nhiên, cũng có lo ngại về việc nước chủ nhà có những chiêu trò khác để mang lại tối đa lợi thế cho mình.

May hơn “khôn”

Khi kết quả bốc thăm nhiều môn được công bố vào trưa và chiều 8-7, một số môn của Việt Nam gặp bất lợi khi phải rơi vào bảng đấu có nhiều đội hơn bảng còn lại. Ở môn bóng đá nam, môn đấu được người Việt Nam quan tâm nhất tại SEA Games 29, đội tuyển U22 Việt Nam vào bảng B với 5 đội khác gồm U22 Thái Lan, U22 Indonesia, U22 Philippines, U22 Timor Leste, U22 Campuchia. Trong khi đó, ở bảng A, nước chủ nhà Malaysia rơi vào bảng đấu chỉ có 5 đội trong đó 4 đội kia là U22 Myanmar, U22 Singapore, U22 Lào, U22 Brunei. Và cứ nhìn vào kết quả bốc thăm, rõ ràng không cần đến cách bốc thăm “lạ” ở trên, nước chủ nhà Malaysia cũng xoa tay hài lòng dù chung bảng với hai đội bóng ngang sức ngang tài là U22 Myanmar và U22 Singapore. Nhưng như thế còn hơn là rơi vào bảng đấu với U22 Thái Lan, U22 Indonesia – những đội bóng luôn kỵ giơ với bóng đá Malaysia.

Hay ngay như ở nội dung đồng đội nam môn bóng bàn, nước chủ nhà Malaysia lại rơi vào bảng đấu dễ với Singapore, Philippines, Lào, Myanmar. Trong số này, ngoài Singapore trội hơn hẳn, những đội khác đều khó cản bước các tay vợt Malaysia. Trong khi đó, ở bảng B, đội tuyển Việt Nam phải gặp Thái Lan, Indonesia, Campuchia. Trong số này, cả Thái Lan và Indonesia đều có thể đánh bại đội tuyển Việt Nam. Không kể, lực lượng của bóng bàn Campuchia cũng là ẩn số.

Đến đây, nhiều người có thể đặt dấu hỏi về sự công bằng trong các cuộc bốc thăm, kể cả khi cách bốc thăm “lạ” không được áp dụng. Thế nhưng nếu nhìn vào kết quả bốc thăm ở môn bóng rổ nam, tất cả sẽ nghĩ lại. Theo đó, nước chủ nhà Malaysia rơi vào bảng A, ít đội hơn bảng B (gồm Việt Nam, Indonesia, Singapore, Lào, Campuchia) nhưng lại có nhiều đối thủ “khó chịu” hơn hẳn như Thái Lan, Philippines.

Tại Đông Nam Á, cả Thái Lan và Philippines đều đang phát triển mạnh mẽ bóng rổ nhà nghề. Họ có thực lực tốt hơn Malaysia nên nguy cơ đội chủ nhà rời khỏi SEA Games ngay sau vòng bảng ngày càng hiển hiện. Nếu điều này thành hiện thực, sẽ là đáng tiếc cho nước chủ nhà – vốn đang xây dựng một nền bóng rổ nhà nghề hùng mạnh ở Đông Nam Á. Còn ở bảng đấu có đội Việt Nam, chỉ Indonesia mạnh hơn cả. Vì thế, khả năng lần đầu vào bán kết SEA Games của bóng rổ nam Việt Nam đang “sáng” hơn rất nhiều lần tham dự SEA Games trước đây.

Rõ là sự may rủi vẫn hiện hữu trong các cuộc bốc thăm của SEA Games 29. Đấy mới là điều đáng mừng ở một sân chơi vốn từng ấy nhiều tranh cãi dù mang trong nó một sứ mệnh không đơn thuần là các giá trị thể thao mà còn có ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc.

U22 Việt Nam phải căng sức để đá

Với việc rơi vào bảng B, U22 Việt Nam sẽ phải căng sức để có thể vượt qua vòng bảng. Đó là nhận định của Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng đá Việt Nam Lê Hoài Anh vào ngày 8-7. Tại bảng B, U22 Việt Nam sẽ gặp Thái Lan, Indonesia, Campuchia, Timor Leste và Philippines. Còn ở môn bóng đá nữ và bóng đá trong nhà (nam, nữ) đều có 5 đội tham dự nên không bốc thăm mà thi đấu vòng tròn một lượt. Môn bóng đá nữ gồm các đội: Malaysia, Việt Nam, Thái Lan, Myanmar, Philippines; môn bóng đá trong nhà nam gồm: Malaysia, Thái Lan, Việt Nam, Indonesia, Myanmar; môn bóng đá trong nhà nữ gồm: Malaysia, Thái Lan, Việt Nam, Indonesia, Myanmar.

Sau kết quả bốc thăm, ngoài bóng đá nam, bóng bàn nam phải rất vất vả để có thể vào bán kết thì nhiều đội khác cũng có thể dễ thở hơn để vào bán kết gồm bóng bàn nữ (chung bảng với Singapore, Indonesia), bóng chuyền nữ (cùng bảng với Philippines, Malaysia), bóng chuyền nam (cùng bảng với Philippines, Indonesia, Timor Leste)….

Minh Khuê

Minh Nhật
.
.
.