Vấn đề: "Bệnh" SEA Games

Thứ Bảy, 24/06/2017, 00:29
Sau khi đưa tin về nguyên tắc bốc thăm không giống ai ở môn bóng đá SEA Games 29 - cái nguyên tắc mà chủ nhà được quyền nhìn đối thủ và... chọn bảng, Báo Công an nhân dân đã nhận được rất nhiều ý kiến bức xúc của người hâm mộ. Tất cả đều quan tâm đến một vấn đề: Rốt cuộc nguyên tắc bốc thăm này có thể thay đổi được không?

Trả lời phỏng vấn báo chí, Tổng Thư ký VFF Lê Hoài Anh cho biết, đây là nguyên tắc do nước chủ nhà gửi cho các Liên đoàn bóng đá trong khu vực. Theo điều lệ SEA Games, nước chủ nhà có quyền chọn môn thi đấu, và quyền ra "luật" trong phạm vi cho phép của mình.

Vẫn theo đánh giá của ông Lê Hoài Anh thì lần này "luật" bốc thăm hai môn bóng đá nam/nữ SEA Games quá bất cập, vì trong lịch sử bóng đá chưa từng có chuyện một đội bóng được ngang nhiên chọn bảng thi đấu mà mình thích. Cùng chung suy nghĩ với ông Lê Hoài Anh là các quan chức bóng đá của các Liên đoàn bóng đá khác trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Myanmar, Singapore...

Có thể khẳng định, ngoại trừ chủ nhà Malaysia, không một Liên đoàn bóng đá khu vực nào đồng tình với kiểu bốc thăm như thế. Nhưng các Liên đoàn bóng đá nói riêng và AFF - Liên đoàn bóng đá nói chung không thể tác động lên nước chủ nhà để thay đổi "luật" do chủ nhà đề ra. Sự thay đổi nếu có chỉ diễn ra nếu các đoàn thể thao Đông Nam Á cùng có ý kiến phản đối trong cuộc họp đoàn trước thềm SEA Games.

Thực tế trước đây đã từng có những phản đối như vậy, và chủ nhà sau đó đã phải thay đổi những yêu sách do mình để ra, nhưng để có được những thay đó các đoàn thể thao lại buộc phải "hy sinh" nhiều lợi ích của mình.

Với lợi thế chủ nhà, LĐBĐ Malaysia giao nhiệm vụ giành HCV bóng đá nam cho HLV trưởng Đội tuyển U.22 Ong Kim Swee (trái).

Ví dụ như trước thềm SEA Games năm 2005, chủ nhà Philippines dọa không tổ chức môn bóng đá, vì thời đó Philippines là một đội bóng lót đường, chứ chưa trở thành một đội bóng mạnh nhờ chính sách nhập tịch ồ ạt như vài năm trở lại đây. Một Đại hội Thể thao tầm khu vực mà không có môn bóng đá thì khác gì ăn phở mà không có thịt.

Hẳn nhiên, cái điều vô lý ấy không thể diễn ra, nhưng để nó "không thể diễn ra" thì các đoàn thể thao trong khu vực buộc phải nhượng bộ một số đòi hỏi khác của chủ nhà. Có nghĩa, cái tuyên bố "có thể không tổ chức môn bóng đá" giống như một chiêu bài được đưa ra để "mặc cả", từ đó có thể giúp chủ nhà đạt được những điều mình muốn.

Đến SEA Games năm 2011, lại đến lượt chủ nhà Indonesia bắn tin các trận đấu bóng đá ở bảng đấu không có Indonesia có thể sẽ phải diễn ra vào lúc 13h. Đá bóng ở cái giờ nắng gay nắng gắt ấy là cực kỳ phản cảm. Cả Đông Nam Á vì thế lại sôi lên, và sau hàng loạt các cuộc thảo luận, rốt cuộc việc đá bóng lúc 13h mới bị dẹp bỏ. Cũng giống hệt nhiều lần trước, để nó bị dẹp bỏ, các đoàn thể thao lại phải nhượng bộ chủ nhà ở một số môn thi đấu khác.

Bây giờ thì lại xuất hiện cái nguyên tắc "chủ nhà chọn bảng". Theo kinh nghiệm của chúng tôi,  khi chủ động đề ra cái nguyên tắc khác người này, chủ nhà Malaysia đã lường trước những phản ứng mạnh của các Liên đoàn bóng đá và các đoàn thể thao trong khu vực, nhưng họ vẫn chủ động đưa ra, vì cũng giống Philippines hay Indonesia trước đây, nó lại là một cái cớ trên bàn thương lượng. Cái cớ mà với nó, các đoàn thể thao sẽ lại phải nhượng bộ chủ nhà ở một số môn thi đấu nào đó, sao cho có lợi nhất với chủ nhà.

SEA Games là thế! Ngoại trừ chủ nhà Singapore hai năm về trước, phần lớn các nước chủ nhà còn lại đều không ngừng tận dụng cái ưu thế "chủ" của mình để "ép" khách, và để cố gắng giành thành tích cao. Sau điểm sáng ở SEA Games tại Singapore đã có những hy vọng rằng từ đấy trở đi, căn bệnh thành tích vốn thâm căn cố đế trong nhiều "não trạng" thể thao Đông Nam Á rồi sẽ chấm dứt, nhưng hoá ra không phải thế.

Với cái nguyên tắc bốc thăm kỳ lạ chưa từng thấy mà chủ nhà Malaysia vừa "bắn" đi, người ta hiểu để một cái "ao đục" trở thành cái "ao bớt đục" (chứ không dám mơ mộng tới cái ao trong) cũng khó hệt như việc bắt một người chống nạng đi từ mặt đất lên trên đỉnh trời.

Thể thao Việt Nam sẽ thay đổi mục tiêu

SEA Games 22 năm 2003, trong tư cách chủ nhà SEA Games, đoàn thể thao Việt Nam cũng đã tận dụng triệt để ưu thế chủ nhà của mình để giành tới trên 100 huy chương vàng, đứng nhất toàn đoàn. Sau đó mục tiêu của đoàn thể thao Việt Nam ở các kỳ SEA Games luôn phải là "Top 3".

Tuy nhiên theo những nhà lãnh đạo ngành Văn hoá - Thể thao - Du lịch hiện nay thì SEA Games 29 tới đánh dấu một bước chuyển quan trọng về tư duy của chúng ta. Thay vì đặt mục tiêu tốp 3 toàn đoàn, chúng ta hướng đến mục tiêu tốp 3, tính trên số lượng huy chương có được từ các môn thể thao Olympic như bóng đá, bóng chuyền, điền kinh, bơi lội, cử tạ, bắn súng...

Có nghĩa, thể thao Việt Nam đã thực sự hướng tới "chất" thay vì chạy theo số lượng, và cứ bị cái số lượng ấy chi phối, ám ảnh mình.

Ngọc Anh

Diệp Xưa
.
.
.