Từ mâu thuẫn của huấn luyện viên Park với các câu lạc bộ V.League

Bi ai của nền bóng đá không chuyên

Thứ Bảy, 02/01/2021, 09:15
20 năm qua, giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam vẫn chỉ có 3 đầu mục: Cúp Quốc gia, hạng Nhất và V.League.


Điểm phân biệt rõ nhất giữa giải vô địch quốc gia (VĐQG) trước năm 2000 và V.League với khởi đầu của thế kỷ XXI chính là ngoại binh. Quả “bom tấn” đầu tiên nổ ra ở V.League là Kiatisak Senamuang. Thương vụ đình đám và tiếng tăm nhất của V.League chính là đưa Denilson đến Hải Phòng. Bản hợp đồng thành công hơn cả chính là Samson – tiền đạo ghi nhiều bàn thắng nhất trong lịch sử V.League.

Ngoại binh vốn dĩ đã xuất hiện từ rất lâu ở V.League. Họ quan trọng đến mức nhiều đội bóng vô hình trung gãy luôn tuyến giữa. Bởi họ chỉ cần một lối đá trực diện. Hay nói theo đúng kiểu dân làm nghề bóng đá Việt Nam thì là cứ phất lên cho Tây để cho họ giải quyết. Suy nghĩ ấy ăn mòn trong tiềm thức của nhiều câu lạc bộ (CLB). Đến nỗi khi Hà Nội FC chơi với một thứ bóng đá bài bản hơn, luân chuyển trạng thái nhịp nhàng hơn, người ta gọi đấy là bản sắc lạ trong một thứ bóng đá vô hồn được điều khiển với những “ông Tây” to khoẻ trên hàng tiền đạo. Tư duy phụ thuộc vào Tây ở trục xương sống là biểu hiện của một nền bóng đá dở dang, không chuyên nghiệp hẳn và cũng chẳng nghiệp dư hẳn tại V.League.

V.League đã quá quen với việc cầu thủ “Tây” bao thầu cả hàng công đội bóng.

20 năm qua, các CLB đều mua Tây. Chẳng ai cấm cả. Ngoại hạng Anh xuất hiện nhan nhản lính đánh thuê trình độ cao đến với xứ mù sương. Nhưng vấn đề rằng, việc mua Tây vốn đóng đinh ở những vị trí cố định. Không lấy ngoại binh ở hàng tiền đạo thì cũng lấy cầu thủ ngoại ở trung vệ. Rất hiếm có huấn luyện viên (HLV) sử dụng ngoại binh ở vị trí tiền vệ hay tiền đạo cánh. Vậy nên, ông Phạm Minh Đức của Hồng Lĩnh Hà Tĩnh hay Phan Thanh Hùng từ Than Quảng Ninh được xem là của hiếm. Bởi họ kéo ngoại binh ra đá biên thay vì phụ thuộc cả chuyện sống còn trong khâu ghi bàn cho những cầu thủ nước ngoài.

Chuyện phụ thuộc vào các trung phong cắm kéo theo hệ lụy là các tiền đạo nội đóng vai trò trung phong dần bị thui chột. Ông Park Hang-seo không phải là không có lý khi chỉ trích các đội bóng tại V.League với tư duy bảo thủ đã vô tình đẩy các tiền đạo nội ra bờ vực suy vong. Thống kê giật mình chỉ ra rằng, đúng 12 tiền đạo được đá với số trận ngang hoặc thấp hơn chút so với các tiền đạo ngoại. Nhưng chỉ một số lượng rất ít ỏi mới đóng vai trò trung phong. Cay đắng hơn, đấy lại là vị trí mà ông Park mỏi mắt vẫn không tìm ra được phương án thay thế. Bởi loanh quanh, Đức Chinh, Tiến Linh, Công Phượng được thi đấu mà thôi.

Nhưng đó không phải là câu chuyện nghiệt ngã duy nhất của nền bóng đá không chuyên này. 20 năm qua, bóng đá Việt Nam vẫn chỉ quanh quẩn với 3 giải đấu thuộc chuyên nghiệp. Đấy là V.League, hạng Nhất và Cúp Quốc gia. Nhẩm tính thử, số trận của một tiền đạo nội chuyên nghiệp Việt Nam chỉ loanh quanh 15-20 trận/năm. Con số ấy còn thấp hơn một nửa so với cầu thủ hạng cận chuyên nghiệp U17 – U21 ở nước ngoài. Những cầu thủ 17-21 tuổi của Việt Nam nếu như không thuộc diện xuất chúng kiểu Quang Hải, Văn Hậu, Công Phượng hay Tuấn Anh thì loanh quanh chỉ được đá hạng Nhì và chờ đợi đến khi các giải quốc gia dành cho đúng lứa tuổi của mình tổ chức mới hy vọng được thi đấu. Số cơ hội được ra sân dành cho họ vốn dĩ đã bị bóp nghẹt từ khi ở tuổi thiếu niên chứ đừng nói đến chuyện lên V.League mới đối diện với cảnh sống còn với cầu thủ ngoại.

Hơn lúc nào hết, bóng đá Việt Nam cần có thêm 1-2 giải đấu nữa dành cho cấp CLB chuyên nghiệp. Sự xuất hiện của một giải đấu như Cúp liên đoàn hay giải dự bị/U21 diễn ra song song với giải VĐQG vẫn là cách mà nhiều giải đấu trên toàn thế giới vẫn áp dụng để tăng thêm số lượng trận đấu cho các cầu thủ.

Về cơ bản, để tìm ra cầu thủ giỏi thì một nền bóng đá phải cho họ được mài giũa trong một số lượng trận đấu đủ lớn để phát triển. Bản thân Quang Hải trước khi trở thành ngôi sao đã liên tục được thi đấu và đá chính tại V.League, các giải trẻ cho đến các đội tuyển trẻ. Sự xuất hiện thêm của những giải đấu một cách dài hơi, có lộ trình cũng là cách để nền bóng đá Việt Nam chuyên nghiệp thực sự. Và đó cũng là biện pháp không thể tốt hơn để giải quyết bài toán vòng vo giữa ông Park Hang-seo và quyền lợi của các CLB tại V.League.

20 năm qua, V.League luôn có một thứ đặc sản phất dài cho Tây. 20 năm qua, nền bóng đá này vẫn duy trì một hệ thống cũ kỹ. Và sau ngọn lửa mà ông Park châm lên, đã đến lúc để tất cả nghiêm túc kiến tạo cho chuyên nghiệp.

V.League 2021 nở rộ... tiền đạo ngoại

Tính riêng trên thị trường chuyển nhượng trước V.League 2021, số lượng tiền đạo nội chất lượng được chiêu mộ chỉ được đếm trên đầu ngón tay. Tiêu biểu nhất chỉ có hai cầu thủ tầm trung là Võ Lý (từ Đà Nẵng gia nhập Nam Định) và Hồ Tuấn Tài (từ SLNA đến TP Hồ Chí Minh). Đại đa số những bản hợp đồng đình đám khác trên hàng tấn công đều là các chân sút ngoại.

Tiền đạo nội không thể cạnh tranh được với tiền đạo ngoại vì tư duy bảo thủ, cầu toàn của CLB.

HAGL bỏ ra 8 tỷ đồng để đưa Washington Brandao về sân Pleiku. Hà Nội FC thay máu hoàn toàn cặp Omar và Rimario để có được Bruno Cunha cùng Geovane. Chia tay Bruno, đương kim vô địch Viettel cũng lập tức sắm về Pedro Paulo của Sài Gòn. Tân binh Bình Định cũng không đứng ngoài cuộc khi lập tức thuyết phục Rimario về với đất võ. Trường hợp của Đà Nẵng thì thần tốc ở V.League. Chia tay Võ Lý, họ cũng sẵn sàng đẩy Đức Chinh lên băng ghế dự bị sau khi có được bản hợp đồng ra tấm ra món là Rafaelson từ Nam Định. SLNA cũng không nằm ngoài cuộc khi họ “vớ” được chân sút chất lượng Bruno Henrique đến từ Hồng Lĩnh Hà Tĩnh.

An Khánh

.
.
.