Năm trắng tay của Pep Guardiola
- Đánh bại Leicester, Man City tạm chiếm vị trí thứ 3
- Arsenal và Man City cầm chân nhau tại Emirates
- Bày tỏ quan điểm trên trang cá nhân, cầu thủ Man City bị... sờ gáy
Ai cũng biết, Man City khởi đầu giải Ngoại hạng Anh với mạch 10 trận thắng liên tiếp, một mình một ngựa dẫn đầu bảng xếp hạng. Thời điểm đó nhiều chuyên gia nhận định chức vô địch khó thoát khỏi tay họ. Nhưng kể từ khi thua trận đầu tiên trước Tottenham, Man City cho thấy là họ có thể bị đánh bại trước những đối phương giàu sức, và có khả năng đá Pressing tốc độ cao.
Thực tế một số đội bóng sau này đấu lại Man City bằng đúng thứ chiến thuật mà Tottenham sử dụng. Và thế là Man City cứ rơi dần, rơi dần..., để rồi bây giờ mục tiêu khả dĩ nhất của họ là cạnh tranh một vị trí trong tóp 4 để giành quyền tham dự Champions League năm sau. Tốp 4, đấy rõ ràng là một thất bại trong một mùa giải mà ban lãnh đạo Man City không ngừng vung tiền phục vụ nhu cầu của Pep, sẵn sàng thực hiện mọi quyết định nhân sự của Pep, mà vụ đẩy "công thần" Joe Hart ra đi là một ví dụ điển hình.
Pep Guardiola - thuyền trưởng Man City. |
Thất bại ở giải Ngoại hạng, Man City bị gã hàng xóm khó chịu là Man United loại khỏi cúp Liên đoàn, bị Arsenal loại khỏi cúp FA, và xấu hổ nhất là bị "chiếu dưới" Monaco loại khỏi đấu trường Champions League. Xấu hổ ở chỗ, Man City đã thắng đậm Monaco 5-3 ở lượt đi, vòng 1/8 trên sân của mình, và với vốn liếng ấy, Pep tự tin là có thể cùng các học trò giành quyền vào tứ kết.
Thế mà ở trận lượt về trên sân khách, Man City lại thua chóng vánh 1-3, và hình ảnh Pep thất thần đi vào đường hầm sân vận động sau khi trọng tài thổi hồi còi mãn cuộc đã nói lên tất cả.
Trong phòng họp báo sau đó Pep thừa nhận: "Chúng tôi đã quá thiếu kinh nghiệm ứng xử trong những trận đấu lớn như thế này". Khi còn dẫn dắt Barcelona hay Bayern Munich, không mùa giải nào là Pep không có ít nhất 1 danh hiệu. Trước đó, khi còn dẫn dắt đội Barca B, Pep cũng đã quá quen với chu kỳ chiến thắng. Vậy mà mùa giải năm nay đội bóng của ông lại thất bại toàn diện trên tất cả các mặt trận mình tham dự.
Nguyên nhân dễ thấy nằm ở việc hành nghề ở Anh khác xa so với Tây Ban Nha hay Đức. Ở Tây Ban Nha, xét cho cùng Barca của Pep chỉ phải cạnh tranh với 2 đội là Real Madird và Atletico Madrid. Với một Barca đang thống trị thế giới bởi triết lý Tiqui - Taca thì cuộc cạnh tranh thời điểm đó cũng không phải là quá khó.
Ở Đức thì Bayern Munich của Pep có một sức mạnh vượt trội so với tất cả các đội bóng còn lại, thành thử việc đoạt chức vô địch được coi là chuyện đương nhiên. Nhưng ở Anh thì khác, một ứng cử viên vô địch như Man City luôn phải cạnh tranh cùng lúc với khoảng 4 - 5 đội mạnh khác nhau.
Đấy là còn chưa nói những đội bóng cỡ trung bình yếu tại giải Ngoại hạng Anh cũng không tạo ra một khoảng cách quá lớn đối với nhóm dẫn đầu. Thành thử, để vô địch giải Ngoại hạng Anh người ta đòi hỏi một nội lực dày dặn, một sức chiến đấu bền bỉ - điều mà Man City chưa có.
Thêm nữa, Pep đến với Man City trong tư cách của một nhà truyền giáo bóng đá. Khi vung tiền mời Pep, ban lãnh đạo Man xanh muốn có một "nhà tư tưởng", chứ không chỉ là một "nhà chiến thuật" đơn thuần. Và thực tế Pep cũng đã làm mọi cách để gieo tư tưởng Tiqui - Taca của mình vào đội bóng, nhưng có lẽ để tư tưởng này thực sự thấm vào từng đôi chân cầu thủ, giúp Man City đoạt được những danh hiệu lớn thì 1 năm là chưa đủ. Có lẽ chính giới lãnh đạo Man City cũng cảm nhận được điều này nên họ đã cho Pep thêm thời gian, thay vì ra lệnh sa thải như...thông thường phải thế.
"Nếu ở Barca hay Bayern, tôi đã bị sa thải rồi" - khi Pep nhận ra điều này và trung thực nói rõ với đông đảo dư luận thì cũng có nghĩa ông hiểu rằng mùa giải tới cả một áp lực ngàn cân sẽ đè nặng lên vai mình.