COVID-19 giết chết biểu tượng Fair Play trong bóng đá

Thứ Tư, 11/03/2020, 09:03
Bạn biết có bao nhiêu cái bắt tay được thực hiện trong nghi thức trước các trận đấu? Theo toán học thông thường, mỗi đội sẽ có 11 cầu thủ và đáp án là 121, nhưng nếu bạn trả lời như thế thì bạn đã nhầm.

Sau khi cầu thủ hai đội thực hiện xong, hai đội trưởng sẽ bắt tay nhau thêm 1 lần nữa và làm điều đó với trọng tài chính khi ông sau khi ông tung đồng xu chọn đội giao bóng.

Vì sao phải bắt tay trước trận?

Bóng đá là một trò chơi đối kháng, và nhiều người nói rằng nghi thức bắt tay trước trận giống như một vở kịch trong đó hai kẻ thù ghét nhau như hắt nước đổ đi vẫn phải chìa tay ra nắm lấy bàn tay của đối thủ. Gượng gạo và vô nghĩa.

Nếu bạn là Patrice Evra còn người đi qua là Luis Suarez, hoặc bạn là John Terry còn người đang tiến đến là Anton Ferdinand hay Wayne Bridge, bạn sẽ phải rất cân nhắc việc đưa tay ra liệu có phải nhận những cú bóp đau điếng hay thậm chí là một cú cắn!

Tất nhiên, đó chỉ là một giả thiết hài hước, thực tế là họ đã từ chối bắt tay nhau vì mâu thuẫn cá nhân, trong khi các đồng đội còn lại vẫn phải thực hiện cái bắt tay đầy khó xử. Họ muốn bênh vực đồng đội của mình, song lại chẳng có lý do cụ thể nào để từ chối đối thủ.

Bóng đá là một trong những môn đối kháng hiếm hoi mà các cầu thủ phải bắt tay trước trận. Trong môn bóng bầu dục, nghi thức fair-play đó không tồn tại. Đội tuyển New Zealand còn sẵn sàng thể hiện một điệu múa cổ truyền đầy tính thách thức đối thủ. Thật hài hước nếu bắt các cầu thủ bóng bầu dục phải bắt tay nhau trước khi họ lao vào nhau như những chiếc xe tăng.

Các cầu thủ Premier League phải thích nghi với điều luật mới.

Lịch sử của cái bắt tay trong bóng đá đã bắt đầu từ hơn 100 năm trước. Trong một đêm Giáng sinh của Thế chiến thứ nhất (25/12/1914), binh sĩ Anh và Đức ở hai bên chiến tuyến vẫy tay ra hiệu cho nhau hạ vũ khí, dù không hề có thỏa hiệp ngừng bắn nào khi đó. 

Họ rời khỏi chiến hào lên mặt đất cùng hát những bài hát mừng Giáng sinh, trao đổi quà và những điếu thuốc. Một trận bóng đá giao hữu cũng được tổ chức, nơi những người lính mới hôm qua còn chĩa súng vào nhau, bắt tay nhau trước khi bước vào một trận đấu đầy say mê và không oán hận.

Cái bắt tay hữu nghị trước trận đấu đó, sau này được FIFA chọn làm một biểu tượng của tinh thần Fair-play trong bóng đá. Nó thể hiện ý nghĩa tất cả những người chơi môn thể thao này đều bình đẳng, đem tất cả các quốc gia và dân tộc xích lại gần với nhau. Cái bắt tay cũng thể hiện sự tôn trọng dành cho đối thủ, bất kể trận đấu có tính chất căng thẳng và quyết liệt như thế nào.

Trên thực tế, nghi thức bắt tay giữa tất cả các cầu thủ cũng mới chỉ được áp dụng khoảng hơn 2 thập kỷ gần đây. Trước đó, chỉ có các đội trưởng bắt tay nhau khi họ làm thủ tục trước trận với trọng tài. Việc xếp hàng, đi qua đối thủ để bắt tay từng người thường chỉ diễn ra ở những trận cầu quan trọng.

COVID-19 và những hệ lụy

Do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, bắt đầu từ cuối tuần vừa rồi, các cầu thủ sẽ không còn phải bắt tay nhau trước trận. "Vì lý do y tế, thủ tục bắt tay trước trận được dừng lại", trang chủ Ngoại hạng Anh thông báo hôm 6/3. 

"Virus Corona lây lan qua các dịch từ mũi và miệng người bệnh. Các giọt dịch chứa virus Corona có thể văng ra tay người bệnh và lây sang người khác thông qua hành động bắt tay. Các thủ tục khác diễn ra như bình thường. Trọng tài dẫn hai đội ra sân, xếp thành một hàng ngang. Sau đó, đội chủ nhà đi qua đội khách mà không bắt tay nhau".

Và từ vòng đấu vừa rồi, các khán giả của Premier League có thể thấy một hình ảnh… kỳ cục khi các cầu thủ bước qua nhau một cách lạnh lùng, như hai hàng người song song ngược chiều chẳng liên quan gì đến nhau. Một vài cầu thủ, như Wijnaldum của Liverpool, bật cười vì nghi thức mới lạ lùng này. Cả đội Arsenal cũng vậy.

Vài người nghĩ ra cách khác để giao tiếp với đối thủ. Granit Xhaka của Arsenal vỗ vào vai các cầu thủ West Ham trước trận đấu tại Emirates, các cầu thủ Sheffield Utd và Norwich thì tặng nhau những cú đấm nhẹ. Vài người tuân thủ tuyệt đối, chỉ gật đầu và mỉm cười. Họ đều có vẻ gượng gạo khi phải thay đổi thói quen đã ăn sâu vào ý thức.

Nhưng với nhiều người, việc cấm bắt tay trước trận hoàn toàn vô nghĩa. Bóng đá là một môn thể thao đối kháng nơi những cầu thủ luôn có va chạm và tiếp xúc trên sân cỏ. 

Không ai dám chắc rằng một cầu thủ nhiễm COVID-19 không lây cho các đồng đội hay đối thủ ngay cả khi anh ta không bắt tay ai, hay thậm chí còn đeo găng tay. Nên nhớ rằng COVID-19 lây chủ yếu qua đường hô hấp, và thật khó để đảm bảo an toàn tuyệt đối khi các trận đấu vẫn diễn ra.

Và nếu chúng ta để ý, các cầu thủ vẫn bắt tay nhau sau trận. Đó là lúc chẳng ai kiểm soát được hành động của họ. Kết thúc một trận đấu, họ dành cho nhau sự tôn trọng hay một lời an ủi sau 90 phút căng thẳng. Không có ông trọng tài nào đủ khả năng chú ý đến tất cả những cầu thủ trên sân vào thời điểm ấy.

Vì thế, cách tốt nhất có lẽ là tạm ngừng những trận đấu như Serie A đã làm. Trước trận Juventus gặp Inter trên sân không khán giả, Ronaldo đã đập tay cùng… không khí. Siêu sao người Bồ có lẽ cũng chẳng thích thú gì khi phải dự những trận đấu mà biện pháp an toàn làm mất đi những cảm xúc cần phải có trong bóng đá.

Premier League thêm ý tưởng chống COVID-19

Ngày 9/3, các lãnh đạo của 20 CLB đang tham dự Premier League và đại diện của các kênh truyền hình đã tham dự cuộc họp khẩn ở London do Bộ Văn hóa, Truyền thông và Thể thao Anh tổ chức.

Đại diện của Bộ Văn hóa, Truyền thông và Thể thao cho biết hiện tại chưa cần thiết phải hủy bỏ các sự kiện thể thao nhưng cần có các kế hoạch dự phòng. Một trong số những giải pháp là giới hạn các cổ động viên từ 70 tuổi trở lên, những người có nguy cơ tử vong cao nếu nhiễm COVID-19, đến sân.

Nếu diễn biến dịch COVID-19 trở nên phức tạp hơn, phương án tổ chức trận đấu không có khán giả cũng được bàn đến, cùng với đề xuất phát trực tuyến các trận đấu miễn phí. Sky Sports và BT Sport là những đơn vị đang nắm bản quyền phát sóng Premier League, và họ có thể cung cấp sóng cho những người đã đăng ký dịch vụ.

Tính đến 12h ngày 10/3, nước Anh có 321 ca nhiễm COVID-19 và 5 người đã tử vong.

Đơn Ca
.
.
.