Tiếng nói nữ quyền trong thế giới nam cầu thủ

Thứ Tư, 08/03/2017, 10:04
Ngày 22-2 vừa qua, sân cỏ châu Á chứng kiến một cuộc đối đầu vô tiền khoáng hậu giữa một nữ HLV - bà Chan Yuen Ting của đội vô địch giải Ngoại hạng Hồng Kông với HLV danh tiếng Felipe Scolari - người đang dẫn dắt một đội bóng nhà nghề Trung Quốc.


Cuộc đối đầu giữa một nữ tướng với một nam tướng này diễn ra ở lượt trận khai mạc vòng bảng AFC Champions League, và có thể coi đó là một cột mốc lớn cho thấy giá trị của phái yếu trong một cuộc chơi vẫn được ví von là "môn thể thao vua", môn thể thao dành riêng cho phái mạnh.

Cần biết, bà Chan mới 28 tuổi, xuất thân là một sinh viên địa chất của Đại học Hồng Kông, nhưng vì tình yêu bóng đá, bà đã nhận lời dẫn dắt các đội bóng của trường đại học, sau đó là các đội bóng nữ và năm vừa rồi, đã lần đầu tiên đưa CLB Eastern SC vô địch giải đấu cao nhất, cấp CLB, giành cho các nam cầu thủ Hồng Kông.

Nữ tướng này từng được AFC bầu chọn là HLV nữ xuất sắc nhất trong năm, và BBC chọn là một trong 100 phụ nữ có ảnh hưởng nhất thế giới. 

Nữ cầu thủ người Mỹ, Mia Hamm thời còn tung hoành sân cỏ...

Lịch sử bóng đá thế giới ghi nhận bà Caroline Morace là nữ HLV đầu tiên dẫn dắt một đội bóng nam, đó là CLB Viterbese tại giải hạng 3 Italia, vào năm 1999. Tuy nhiên nữ HLV này chỉ tạm thời cầm quân 2 trận trước khi tất yếu nhường lại vị trí của mình cho người khác.

Mãi đến năm 2014, một nữ HLV khác là bà Helena Costa mới lại cầm đội Clermont Foot, chơi ở giải hạng 2 giành cho các nam cầu thủ tại nước Pháp. Mặc dù việc bà Helena Costa làm chủ phòng thay đồ của các nam cầu thủ đã tạo một nguồn cảm hứng lớn lao cho phong trào đấu tranh, đòi nữ quyền tại Pháp nhưng thực tế thành tích chuyên môn mà bà Helena Costa đạt được là không đáng kể.

Chính vì vậy, nhìn cả sân cỏ châu Âu lẫn châu Á có thể nói, việc giúp một đội bóng nam vô địch tại một giải đấu giành cho nam là một thành tích không dễ gì lặp lại của bà Chan Yuen Ting. Rất có thể sau bà Chan, bóng đá Hồng Kông nói riêng và bóng đá châu Á nói chung sẽ có thêm nhiều nữ HLV dám dấn thân và đặt tham vọng lớn vào cuộc chơi của các nam cầu thủ.

Tuy nhiên, nói đến giá trị của nữ giới trong cuộc chơi của các nam cầu thủ thì không chỉ có các HLV, thực tế, phụ nữ đã được trao những trọng trách khá đặc biệt ở các CLB, thậm chí các tổ chức Liên đoàn bóng đá Quốc gia, hay FIFA.

Không ai không biết, Phó Chủ tịch CLB West Ham- một CLB đang thi đấu tại giải Ngoại hạng Anh lúc này là nữ giới - bà Karren Brady. Người phụ nữ quyền lực này rất hay đăng đàn, thể hiện quan điểm riêng của mình về các vấn đề bóng đá, và nhận được sự ủng hộ đặc biệt từ giới mộ điệu.

Tại nước Mỹ, sau khi chia tay sự nghiệp vận động viên, nữ cầu thủ huyền thoại Mia Hamm đã cùng chồng và các nhà đầu tư thành lập hẳn một CLB bóng đá nam, mang tên Los Angeles FC. Không những vậy, vào tháng 10 năm 2014, bà Mia Hamm còn được ông chủ người Mỹ của CLB AS Roma tín nhiệm mời vào ban lãnh đạo CLB này. Có nghĩa, cùng lúc bà Mia Hamm có tiếng nói quan trọng ở hai CLB lớn tại Mỹ và Italia.

Nhắc đến những người phụ nữ quyền lực trong thế giới bóng đá hiện nay, hẳn nhiên không thể không nhắc đến Tổng Thư ký FIFA - bà Fatma Samoura. Tháng 5 năm 2016, sau khi cựu Tổng Thư ký Valcke bị sa thải, mà Fatma đã được mời tiếp quản chiếc ghế quan trọng này. Không chỉ là người phụ nữ đầu tiên làm Tổng Thư ký FIFA, bà Fatma thậm chí còn là người có quốc tịch châu Phi đầu tiên ngồi vào vị trí này.

Bà Fatma có thể nói thành thạo 4 thứ tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Italia, từng có tới 10 năm làm việc tại Liên hiệp quốc. Có nghĩa, nếu nói về kinh nghiệm và năng lực quản lý toàn cầu, bà Fatma đang sở hữu một "chiến tích" mà ngay cả Chủ tịch FIFA Infatino cùng những người tiền nhiệm của ông cũng khó sánh bằng.        

Có một thuở ban đầu “vật vã”

Có những thông tin cho rằng bóng đá nữ xuất hiện từ những năm 40 ở thế kỷ 19 tại Anh, Scotland. Tuy nhiên, một đội bóng nữ chính thức được ghi nhận là CLB Bristish Ladies' Foot ball Clup tại Anh năm 1894. Tuy nhiên, đến năm 1921 thì bóng đá nữ đã chính thức bị cấm tại Anh, và phải 50 năm sau, lệnh cấm này mới được bỏ. Tại Đức, từ năm 1955 đến 1970, bóng đá nữ cũng bị cấm với lý do: "Nó làm ảnh hưởng đến cơ thể và tâm hồn phụ nữ".

Tại Việt Nam, nhiều người cho rằng đội bóng đá nữ đầu tiên được thành hình vào khoảng năm 1930 tại Vĩnh Long, sau đó đến năm 1974, lại xuất hiện một đội bóng nữ khác của võ sư Lý Huỳnh tại Sài Gòn. Nhưng phải đến những năm cuối 80 đầu 90 thì những đội bóng nữ thực sự mới dần dần được hình thành tại quận 5 và quận 1 - TP.HCM... Bây giờ thì ai cũng biết, Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam đã là một thế lực tại Đông Nam Á với nhiều lần vô địch SEA Games.

Ngọc Anh


Mệt mỏi số phận các nữ trọng tài

Bóng đá Anh là đi tiên phong trong việc đưa các nữ trọng tài tham gia các trận đấu của nam cầu thủ, tuy nhiên mọi việc không phải lúc nào cũng diễn ra suôn sẻ. 

Mùa giải năm 1999, sau trận đấu Coventry thua Leeds United, vì cho rằng một bàn thắng của Leeds được ghi ở thế việt vị, HLV trưởng Coventry đã dồn mọi bức xúc lên nữ giám biên hôm đó. 

Đến năm 2011, vì cho rằng nữ trọng tài Sian Massey công nhận một bàn thắng được ghi trong thế việt vị của CLB Liverpool, bộ đôi dẫn chương trình của Sky Sports đã bình luận mỉa mai: "Có lẽ phải nhờ ai đó xuống sân, giải thích cho nữ trọng tài này thế nào là việt vị". Vấn đề là sau đó, FA mổ băng và kết luận nữ trọng tài đã bắt chính xác, thế là cả một làn sóng phản đối Sky Sports đã diễn ra, khiến đài này phải sa thải hai người dẫn chương trình nói trên.

Tại Việt Nam, trong một trận đấu giành cho các nam cầu thủ tại TP Hồ Chí Minh vào năm 2011, nữ trọng tài Mai Hoàng Trang thậm chí còn bị xúc phạm, và "ăn" nguyên một cú đấm vào mặt. Sau vụ này, Liên đoàn bóng đá TP.HCM nói riêng và Liên đoàn bóng đá Việt Nam nói chung đã siết lại các vấn đề liên quan đến kỷ cương sân bóng, và từ đó đến nay, những tai nạn như vậy đã không lặp lại!

Tuấn Thành

Hiếu Hà
.
.
.