Thị trường chuyển nhượng V.League: Hấp dẫn chẳng kém gì đua trụ hạng

Thứ Năm, 24/10/2019, 08:29
Cuộc đua trụ hạng giữa Thanh Hóa và Sanna Khánh Hòa khốc liệt bao nhiêu thì sức nóng của TTCN V.League chuẩn bị mùa giải mới lên cao bấy nhiêu. Đây là thời điểm đáo hạn hợp đồng của nhiều cầu thủ và ngay lúc này, một cuộc “chạy đua vũ trang” đang diễn ra trên sàn giao dịch.


Cuộc “tháo chạy” ở Nghệ An & Hải Phòng

Lại thêm một mùa chuyển nhượng nữa, Sông Lam Nghệ An (SLNA) đối diện với nạn chảy máu tài năng. Vào cuối tháng này, ngay khi các CLB bước vào giai đoạn nghỉ, sẽ có 14 cầu thủ của đội bóng xứ nghệ đáo hạn hợp đồng. HLV Nguyễn Đức Thắng đã chia sẻ với Báo CAND rằng trong một năm qua, ông đã nhiều lần làm tờ trình đề xuất xin lãnh đạo đầu tư hoặc ít nhất có thêm động thái giữ người nhưng cuối cùng, mọi chuyện vẫn đâu đóng đấy.

Cũng chẳng cần phải đợi tới ngày cuối, nhiều cái tên trong danh sách 14 người kia đã tìm được bến đỗ mới. SHB Đà Nẵng sớm nhanh chân đàm phán và giành chữ ký của cặp đội Trần Đình Hoàng – Võ Ngọc Toàn. Theo nguồn tin riêng, hợp đồng của Hoàng và Toàn ở đội bóng mới có thời hạn 3 năm và mỗi người nhận không ít hơn 1,2 tỷ/năm.

Phạm Đức Huy được nhiều CLB săn đón với mức lót tay và chế độ “khủng”.

Trong khi đó, Hồ Khắc Ngọc và Trần Nguyên Mạnh là hai mắt xích tối quan trọng ở trục dọc SLNA cũng nhấp nhổm ra đi. Dù chưa có xác nhận chính thức song gần như chắc chắn, cặp đôi này sẽ “đoàn tụ” với Quế Ngọc Hải ở Viettel. Nếu Nguyên Mạnh,  nhận lót tay 1,8 tỷ/mùa thì Khắc Ngọc được định giá ở mức 2,5 tỷ/mùa. Trên tất cả, Viettel sẵn sàng trả “một cục” cho Mạnh và Ngọc để họ toàn tâm toàn ý cống hiến. 

Đấy là một đặc ân ở làng bóng Việt Nam mà trong 10 năm qua, chỉ có hãn hữu số trường hợp được “thanh toán một lần” như Lê Công Vinh (ba lần chuyển nhượng) hay Vũ Minh Tuấn (6 tỷ từ Than Quang Ninh sang FLC Thanh Hóa đầu 2018).

Mặt khác, SLNA cũng đã xác định mất Olaha, tiền đạo chủ lực hai mùa qua. Cầu thủ sinh năm 1997 cách đây 4 tháng đã đồng ý chuyển sang Israel thi đấu nhưng có vẻ, tình hình đã thay đổi khi Olaha có ý về “anh hàng xóm” Hồng Lĩnh Hà Tĩnh.

Với tình hình ấy, HLV Nguyễn Đức Thắng cho biết ông sẽ cân nhắc lại tương lai. Sau nhiều năm “chịu ơn” ngân hàng Bắc Á và phụ thuộc vào bầu sữa từ ngân sách tỉnh, SLNA đang đứng trước tương lai bất định hơn bao giờ hết. Họ cần tối thiểu… 20 tỷ để giữ chân thành công già nửa cầu thủ trong diện hết hạn hợp đồng và số tiền ấy bằng đúng ngân sách được rót về UBND tỉnh Nghệ An.

Cách Nghệ An hơn 400km, một đội bóng giàu truyền thống khác là Hải Phòng cũng chứng kiến cuộc binh biến lớn nhất một thập kỷ qua. Ngày hôm kia, bộ ba HLV là Trương Việt Hoàng (HLV trưởng), Nguyễn Đức Cảnh (HLV thủ môn) và Ngô Quang Trường (GĐKT) đồng loạt ký giấy thanh lý hợp đồng.

Cách làm bóng đá “xây nhà từ nóc”, không có tuyến trẻ và không có nguồn kinh phí xã hội hóa (45 tỷ hoạt động cho CLB đều lấy từ ngân sách thành phố) được cho là nguyên nhân khiến những người đứng mũi chịu sào buộc phải rút lui. Dù còn tình cảm nhưng như chính “bố” Cảnh, một người con đất Cảng thừa nhận “Đã đến lúc nghĩ cho tương lai”.

HLV Việt Hoàng sẽ về dẫn dắt Viettel, Ngô Quang Trường quay lại Nghệ An làm đào tạo trẻ trong khi ông Cảnh được cho là tới Phố Hiến hoặc Hồng Lĩnh Hà Tĩnh.

Tuyển thủ QG – hàng “hot” được săn đón

Với những gương mặt có thâm niên ăn cơm tuyển, đây là thời điểm thích hợp để họ đàm phán những hợp đồng có lợi về mặt kinh tế. Nổi bật trong số đó là Phạm Đức Huy.

“Hoàng tử” Huy vừa hết hợp đồng đào tạo trẻ và đứng trước ngã ba đường. Anh có thể ở lại CLB Hà Nội nhưng lúc này, có ít nhất 3 đơn vị muốn chiêu mộ Đức Huy. Một là Chonburi, CLB của Thái Lan với đãi ngộ tương đương những gì Văn Lâm đang nhận ở Muangthong. Hai là Hồng Lĩnh Hà Tĩnh, tân binh mới của V.League đồng ý trả một cục 5 tỷ cho 3 mùa. Ba là CLB TP.HCM, với mức lót tay 6 tỷ nhưng trả làm 3 đợt, mỗi năm nhận một lần.

Trong khi đó, Nguyễn Tuấn Mạnh dù đang trải qua mùa giải bết bát với Sanna Khánh Hòa nhưng kinh nghiệm trận mạc và tên tuổi đã được khẳng định là thương hiệu giúp Mạnh đi tìm thử thách mới. Nếu Khánh Hòa xuống hạng, thủ môn gốc Thanh Hóa nhiều khả năng sẽ về SHB Đà Nẵng nhưng giả dụ Khánh Hòa trụ hạng, tình thế có thể sẽ rất khác bởi lúc này, gia đình Tuấn Mạnh đã có cơ ngơi ở Nha Trang (vợ Tuấn Mạnh làm việc cho tập đoàn Sanna và sở hữu tiệm spa làm đẹp ở trung tâm thành phố biển).

Ở một diễn biến khác, Bùi Tiến Dũng và Nguyễn Văn Hoàng – hai thủ môn của U23 Việt Nam giành HCB U23 châu Á 2018 dù không được bắt chính nhiều nhưng vẫn được quan tâm sát sao. Bùi Tiến Dũng được gợi ý chuyển về HAGl còn Văn Hoàng những ngày qua được cho là trở về quê nhà Tân Kỳ để đàm phán với SLNA.

Ghế huấn luyện cũng là “địa phận” đang nóng lên từng ngày. Hoàng Văn Phúc sau nửa năm nghỉ ngơi (làm giám đốc trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Hà Nội) được cho là thay thế Nguyễn Thành Công đảm nhiệm ghế thuyền trưởng CLB Sài Gòn.

Ngoài ra, vị trí người đứng đầu cabin CLB Hà Nội cũng được đông đảo NHM quan tâm. HLV Nguyễn Đức Thắng đang được liên hệ thay ông Chu Đình Nghiêm và đổi lại, CLB Hải Phòng nếu vượt qua giai đoạn khó khăn sẵn sàng mời cựu cầu thủ của Công An Thanh Hóa về làm việc. Theo một nguồn tin khác, CLB Viettel thậm chí sẵn sàng đưa ông Nghiêm về làm GĐKT với nhiệm vụ hỗ trợ HLV Việt Hoàng và lên kế hoạch phát triển trung tâm đào tạo trẻ Viettel.

Thông tin cuối cùng về các HLV là việc Than Quang Ninh tiếp tục gia hạn thêm 3 năm hơp đồng với ông Phan Thanh Hùng. Đây là phần thưởng xứng đáng cho tướng Hùng vì những đóng góp bền bỉ thời gian dài.

Đắt giá cầu thủ nhập tịch

Một tin đồn có thể làm nhiều người giật minh là việc Đỗ Merlo, công thần của SHB.Đà Nẵng trong 10 năm qua đang trên đường chuyển tới Hồng Lĩnh Hà Tĩnh. Điều này chứng tỏ tham vọng mạnh mẽ của đội bóng có tuổi đời non trẻ.

Hoàng Vũ Samson thì bày tỏ mong muốn gắn bó lâu dài với Quảng Nam bởi anh không còn nằm trong kế hoạch dài hạn của CLB Hà Nội. Chưa kể, Lê Văn Tân được đồn là trên đường gia nhập Phố Hiến nếu CLB này giành quyền lên hạng sau trận play-off. Nửa đầu mùa này, Lê Văn Tân đá cho Tây Ninh rồi sau đó sang giải hạng nhì Thái Lan thi đấu cho Air Force United.

Hà My
.
.
.