Thầy Park - "bác sĩ" tận tâm của đội tuyển Việt Nam

Thứ Ba, 27/08/2019, 22:32
ĐT Việt Nam hội quân chuẩn bị cho cuộc đối đầu với Thái Lan ở Vòng loại World Cup 2022. Điểm đáng chú ý là trong buổi tập đầu tiên đã xuất hiện cả nhóm cầu thủ bị chấn thương.

Nhóm “thương binh” xuất hiện ở ĐT Việt Nam gồm: Phan Văn Đức, Đình Trọng, Văn Hậu, Trọng Hoàng, Hà Minh Tuấn. Đây đều là những cầu thủ gặp chấn thương ở V.League và phải nghỉ dài hạn. Trong số này, Văn Đức và Đình Trọng là 2 cầu thủ không có tên trong danh sách tập trung từ đầu. Còn Văn Hậu, Trọng Hoàng và Hà Minh Tuấn đều dính chấn thương sát ngày công bố danh sách tập trung đội tuyển.

Vấn đề nằm ở chỗ, nhóm cầu thủ này vẫn được ông Park gọi lên tuyển tập trung bất luận cơ hội ra sân gần như là không có. Như Đình Trọng và Văn Đức vẫn được bố trí riêng một phòng khách sạn để ăn ở, tập luyện cùng đội. Đây là điều chưa từng có trong tiền lệ khi những cầu thủ gặp chấn thương được ông Park chăm sóc kỹ lưỡng đến như vậy.

Nhìn vào bản danh sách của ĐT Việt Nam lần này, vẫn chủ yếu gồm những nhân vật thân quen với ông Park trong gần 2 năm qua. Những gương mặt mới chỉ được đan xen với số lượng không đáng kể ở mỗi giải đấu lớn. Điều này cho thấy ông Park luôn đề cao tính ổn định của đội bóng từ công tác nhân sự.

Những cầu thủ mà ông Park lựa chọn đều được tuyển qua quá trình sàng lọc, theo dõi và thử nghiệm. Trong sơ đồ chiến thuật 3-4-3 mà ông xây dựng cho các ĐTQG và U23 đều phải dựa trên những con người phù hợp bên cạnh vấn đề phong độ tốt. Cũng chính vì thế mà Văn Quyết dù đang có phong độ cao nhưng vẫn nằm ngoài danh sách. Ông Park có bản danh sách sơ bộ lên đến cả 100 cầu thủ, thế nhưng các quân bài chủ chốt sẽ ra trận ở những giải đấu lớn.

Cũng bởi thế mà những cầu thủ ở từng vị trí gần như đã được “chọn mặt gửi vàng”, những phương án thay thế chỉ là bất đắc dĩ. Vì vậy mà mỗi khi cầu thủ chủ chốt gặp chấn thương, ông Park không chỉ hỏi thăm mà theo dõi rất kỹ. Sau khi hay tin Văn Hậu gặp chấn thương và  điều trị ở Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ PVF, ông Park đã lập tức xuống hỏi thăm tình hình và trao đổi với bác sĩ Choi Ju-young.

Ông Park sẽ phải xử lý với những ca chấn thương của ĐT Việt Nam. Ảnh: M.H.

Có một điều mà tất cả đều nhìn ra là kể từ khi HLV Park Hang-seo đưa bác sĩ Choi Ju-young sang Việt Nam làm việc, gần như mọi ca chấn thương nặng của các cầu thủ đều qua tay ông. Cũng chính điều này giúp cho HLV Park Hang-seo nắm rõ thông tin của từng cầu thủ, chính vì vậy mà ông có được những quyết định về mặt nhân sự một cách xác đáng.

Như trường hợp của Đình Trọng tại Vòng loại U23 châu Á 2020 hồi tháng 3. Anh lên tập trung với U23 Việt Nam trong tình trạng đang phục hồi chấn thương. Nhiều người đã tỏ ra hoài nghi, giới truyền thông đặt câu hỏi với HLV Park Hang-seo về việc sử dụng Đình Trọng có quá mạo hiểm?

Ông nói rằng, các thông số về chấn thương của Đình Trọng đều đã được báo cáo kỹ, bên cạnh đó để sử dụng Đình Trọng ông cũng có cả đội ngũ bác sĩ cố vấn, có cả ý kiến của chính cầu thủ này. Và ông Park đã đưa Đình Trọng vào sân từ ghế dự bị ở trận gặp U23 Brunei , U23 Indonesia với số phút tăng dần. Chỉ đến trận quyết định gặp Thái Lan ông mới sử dụng Đình Trọng một cách trọn vẹn. Đó cũng là trận đấu mà Trọng “ỉn” đã chơi ấn tượng và giúp U23 Việt Nam có chiến thắng ấn tượng 4-0.

Thực tế, câu chuyện về các cầu thủ chấn thương của Việt Nam từng là vấn đề nhức nhối dưới thời HLV Miura và Hữu Thắng. Những người tiền nhiệm của ông Park đều phàn nàn về công tác y tế tại Việt Nam. Vấn đề nằm ở chỗ chuyên gia thể lực, đội ngũ y tế cũng không có những thông số cụ thể về từng cầu thủ để có thể đưa ra những  kết luận chính xác. Còn các HLV trong trạng thái tin tưởng tuyệt đối hoặc giao phó hoàn toàn cho bác sĩ mà không có sự chủ động của mình trong kế hoạch theo dõi cầu thủ chấn thương.

Ông Park từng nói rằng: “Để đánh giá tình hình các cầu thủ, chúng ta phải có số liệu, nhưng hiện nay chúng ta đang thiếu điều này. Cụ thể về tình hình thể lực từng cầu thủ, tình hình chấn thương và lịch sử chấn thương của cầu thủ đó. Nếu không ghi chép lại, thì những HLV làm việc sau đó thì họ phải làm lại từ đầu. Họ không biết được lịch sử các thông số về cầu thủ đó như thế nào. Từ dữ liệu đó sẽ có phương án riêng cho từng cầu thủ cũng như kế hoạch tập luyện. Đấy cũng là căn cứ để chúng ta lựa chọn cầu thủ”.

Thế nên, việc những “thương binh” xuất hiện ở ĐT Việt Nam đều không có gì là ngẫu nhiên. Nó cũng cho thấy ông Park không chỉ có sở trường là bác sĩ tâm lý trong từng trận đấu, ông còn là bác sĩ tận tâm đối với chấn thương của các cầu thủ.

Các tuyển thủ nói gì ngày lên tuyển?

Trong đợt tập trung lần này, tiền đạo Hà Minh Tuấn là tân binh dưới thời HLV Park Hang-seo, tuy nhiên anh đã không may dính chấn thương trước đó.

Minh Tuấn cho biết: “Trước hết tôi phải cố gắng chữa trị tốt chấn thương để theo đội tập luyện. 1 tuần vừa qua tôi có tập hồi phục với bác sỹ Choi ở PVF. Tôi bị cơ đùi sau. Bây giờ mới là quá trình tập nhẹ thôi, tôi cũng không biết mình có kịp bình phục không nữa. Tôi cần phải chờ vào kết quả của bác sỹ Choi”.

Còn về cơ hội khoác áo ĐT Việt Nam, anh chia sẻ: “Ai cũng vậy thôi, được tập trung đội tuyển là khát khao của một cầu thủ. Tôi cũng chưa biết mình liệu có được trao cơ hội thi đấu không. Điều này còn phụ thuộc vào sự nhìn nhận của các HLV. Trước hết, tôi cần phải chữa trị chấn thương và nỗ lực tập luyện”.

Còn tiền đạo Tiến Linh đã có nhận xét về đối thủ Thái Lan là: “Chúng ta đã biết Thái Lan là đội bóng mạnh trong khu vực. Tôi thấy đội bạn đang có phong độ không tốt. Đó là cơ hội cho đội tuyển Việt Nam”.

Tiến Linh cũng nói về mục tiêu cá nhân là: “Tôi đặt mục tiêu được điền tên sang Thái Lan lần này. Ở một số vòng đấu gần đây, tôi đã tìm lại phong độ, hy vọng nó sẽ giúp ích tôi tự tin hơn. Tôi đang có khoảng 90% phong độ, 10% còn lại là do may mắn”.

Hưng Hà
.
.
.