Sau Toyota, ai sẽ tài trợ cho V.League

Thứ Bảy, 30/12/2017, 10:33
Sau khi tân Chủ tịch Công ty cổ phần Phát triển bóng đá Việt Nam (VPF) Trần Anh Tú chính thức xác nhận nhà tài trợ Toyota đã chia tay V.League thì ai cũng hiểu việc tìm tiền cho V.League là công việc rất đau đầu.


Thực ra khi ghế Chủ tịch VPF chuyển giao từ ông Võ Quốc Thắng sang ông Trần Anh Tú, và khi manh nha xuất hiện thông tin Toyota sẽ chia tay V.League thì ông Thắng đã đăng đàn bảo: "Đấy là thông tin không chính xác".

Theo ông Thắng, đấy là thời điểm mà dàn lãnh đạo VPF thời ông vẫn đang cố đàm phán một bản hợp đồng mới, rồi chuyển giao lại cho dàn lãnh đạo kế nhiệm, nhưng đến lúc này thì mọi thứ đã chắc chắn rồi, Toyota đã rút lui và VPF bắt buộc phải tìm cho ra một nhà tài trợ mới.

Mất Toyota, V.League sẽ mất 40 tỷ đồng/ mùa - con số mà nếu bảo to thì cũng khá to, nhưng nếu bảo bé thì đúng là rất bé. To ở chỗ, nếu so với con số 30 tỷ đồng/mùa mà Eximbank trước đó rót vào V.League, và nếu đặt số tiền tài trợ đó trong bối cảnh V.League diễn ra hết sự cố này tới sự cố kia thì rõ ràng nó là một con số đáng kể.

Nếu hình ảnh V.League không được cải thiện thì việc kiếm nhà tài trợ sẽ ngày một khó khăn.

Khi V.League diễn ra những dấu hiệu bất thường, từng có thông tin rằng Toyota đã rất băn khoăn, và đã để ngỏ khả năng không tài trợ, nhưng thời điểm đó Chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng phủ nhận tất cả. Dẫu sao thì mức 40 tỷ đồng/năm, kéo dài 3 năm cũng là một mức tài trợ đáng ghi nhận trong bối cảnh cả VPF lẫn VFF đều không lấy gì làm dư dả.

Tuy nhiên nếu so với mức 113 tỷ đồng/năm mà Toyota đã và sẽ tiếp tục rót vào giải vô địch quốc gia Thái Lan (Thai - League) thì số tiền chúng ta nhận được rõ ràng lại rất khiêm tốn. Mùa giải vừa qua bản thân Thai - League cũng từng diễn ra nhiều dấu hiệu khuất tất, khiến Liên đoàn bóng đá Thái Lan phải mở một cuộc điều tra trên qui mô lớn. Nhưng ngay cả khi diễn ra những vấn đề như vậy thì giá trị thương mại của Thai - League vẫn được đánh giá cao hơn hẳn giá trị thương mại của V.League. Tại sao?

Tại vì Toyota và một số nhà tài trợ khác có lẽ cũng "ngửi" được những vấn đề tồn đọng lâu dài của một V.League với hiện tượng "một ông chủ nhiều đội bóng", rồi hiện tượng nhà vô địch V.League Quảng Nam thậm chí không đủ điều kiện đá AFC Cup hay còn vì những lý do A, B, C nào đó?

Chắc chắn chỉ có những nhà tài trợ mới có câu trả lời chính xác, nhưng trong những hội thảo bóng đá gần đây, khi Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phải công khai đặt cho V.League câu hỏi: "Có còn tình trạng nhường điểm, cho điểm, các đội "vỗ vai" nhau không?" thì ai cũng hiểu dù chưa có những cuộc tổng điều tra như Thai - League nhưng V.League luôn tiềm ẩn trong nó rất nhiều vấn đề nan giải.

Đã có thời V.League được một số tờ báo Đông Nam Á tô hồng là giải vô địch quốc gia có sức hút số 1 Đông Nam Á, nhưng qua việc Toyota rút khỏi V.League mà vẫn tiếp tục tài trợ cho Thai - League (thậm chí tài trợ với một mức gần gấp 3 V.League trước đây) thì sự thực rõ ràng không phải thế. Nhưng điều đáng bàn bây giờ không chỉ là chuyện V.League "đi trước về sau" Thai - League nữa, mà là dàn tân lãnh đạo VPF sẽ phải làm gì để tìm được những nhà tài trợ nặng đô cho giải đấu của mình?

Tân Chủ tịch VPF Trần Anh Tú có công ty Thái Sơn Nam, và thực tế là những năm vừa qua, Thái Sơn Nam đã gồng lên tài trợ hết giải bóng đá futsal, bóng đá U.17 đến bóng đá nữ, chẳng nhẽ lại để Thái Sơn Nam tiếp tục phải gồng lên để "ôm" thêm V.League?

Chưa bao giờ việc kiếm tiền, kiếm nhà tài trợ cho V.League lại rơi vào cảnh khó khăn nan giải như lúc này. Chỉ còn biết hy vọng là "trong cái khó, ló cái khôn", và VPF vẫn có thể giải quyết thành công bài toán khó trước khi mùa giải 2018 chính thức khai màn.                   

Gánh nặng lớn của tân Chủ tịch VPF

Sau khi đắc cử ghế Chủ tịch VPF, ông Trần Anh Tú đã kiêm nhiệm luôn vị trí Tổng giám đốc VPF, như thế có nghĩa ông sẽ vừa lãnh đạo vừa trực tiếp điều hành một công ty có trách nhiệm tổ chức các giải đấu bóng đá cấp CLB tại Việt Nam.

Nhưng chưa hết, ông Trần Anh Tú cũng đang được nhìn nhận là một ứng cử viên sáng giá cho ghế Phó Chủ tịch tài chính VFF khoá VIII sẽ được tổ chức vào đầu năm 2018. Nếu đắc cử vị trí Phó Chủ tịch tài chính VFF, ông Tú sẽ không chỉ phải kiếm tiền cho VPF, mà còn phải lo kiếm tiền cho cả VFF nữa, và đó rõ ràng không phải những công việc nhẹ nhàng.

Khoá VFF, khi ông bầu Đoàn Nguyên Đức được bầu vào ghế Phó Chủ tịch tài chính VFF, đã có rất nhiều kỳ vọng về việc kiếm tiền được đặt lên vai bầu Đức, nhưng thực tế trong suốt nhiệm kỳ VII, vai trò của bầu Đức không thật rõ nét.

Theo những thông tin hậu trường thì ở thời điểm hiện tại, các ứng cử viên cho các vị trí chủ tịch, phó chủ tịch chuyên môn, phó chủ tịch truyền thông và đối ngoại VFF là không ít, nhưng riêng ghế phó chủ tịch tài chính - cái ghế gắn liền với chuyện cơm áo gạo tiền thì không có nhiều ứng cử viên sáng giá.

Ngọc Anh

Hiếu Hà
.
.
.