Ông Miura về Việt Nam

Thứ Hai, 20/11/2017, 09:17
Thông tin từ Câu lạc bộ (CLB) Thành Phố Hồ Chí Minh cho hay, cựu HLV trưởng Đội tuyển Việt Nam Toshiya Miura sẽ trở lại Việt Nam dẫn dắt CLB này trong ít nhất 2 mùa giải.

Năm 2014, khi ông Miura bất ngờ ngồi lên ghế thuyền trưởng Đội tuyển việt Nam thì nhiều người đã thầm trách VFF. Vì, ai cũng nghĩ sau khi chốt xong chủ trương "dùng thầy Nhật Bản", VFF sẽ mời một thầy Nhật có tiếng tăm, chứ không phải một người vô danh, và chưa từng có kinh nghiệm cầm quân Đội tuyển Quốc gia như Miura.

Hơn một năm sau đó thì đích thân một thành viên trong thường trực VFF là Phó Chủ tịch Tài chính Đoàn Nguyên Đức công khai phê phán Miura trên mặt báo. Ông Đức "phê" lối chơi lực sĩ, nghiêng hẳn về bóng bổng bóng dài mà Miura áp vào các Đội tuyển Việt Nam, rồi "phê" những nguyên tắc cầm quân bị cho là máy móc thái quá của ông thầy này.

Kết quả là Miura đã kết thúc hợp đồng trước thời hạn với VFF, và ngay từ lúc ấy đã có thông tin ông sẽ về Quảng Ninh làm giám đốc kĩ thuật. Nhưng kỳ thực Miura về Nhật Bản làm bình luận viên bóng đá và chưa trở lại công tác huấn luyện cho đến trước khi nhận được lời mời của CLB TP Hồ Chí Minh.

Thời Miura cầm quân Đội tuyển Việt Nam đá AFF Suzuki Cup 2014, ông đã làm việc với cậu học trò Lê Công Vinh. Hơn ai hết, Công Vinh thấy rõ phong cách làm việc chuyên nghiệp và những giáo án tập luyện chất lượng mà Miura là tác giả.

Trong khi rất nhiều tuyển thủ thời đó lắc đầu lè lưỡi với những bài tập chạy của Miura thì riêng Công Vinh lại khẳng định nó là những bài tập cần thiết. Vì theo Công Vinh, nó sẽ giúp các cầu thủ Việt Nam chữa được cái điểm yếu muôn đời về thể lực.

Ngay cả việc Miura xem nhẹ yếu tố kĩ thuật, đề cao các yếu tố về sức mạnh, khiến ông bầu Đoàn Nguyên Đức "phát điên" (vì như thế cũng có nghĩa, những cầu thủ chuộng kĩ thuật của bầu Đức không "có cửa") thì Công Vinh cũng có rất nhiều chia sẻ.

Riêng về thất bại của Đội tuyển Việt Nam tại bán kết AFF Suzuki Cup 2014 thì hơn ai hết, Công Vinh hiểu lý do thực sự nằm ở chỗ khác, chứ không phải nằm ở trình độ cầm quân của Miura. Thế nên bất chấp việc bầu Đức chỉ trích Miura, cá nhân Công Vinh vẫn có những ấn tượng hết sức tốt đẹp về ông thầy này.

Sau 3 năm, ông Miura tái ngộ bóng đá Việt Nam.

Trước thềm V.League 2017 vừa qua, Công Vinh được mời về làm quyền chủ tịch CLB TP Hồ Chí Minh trong bối cảnh "ván đã đóng thuyền". Cái bối cảnh mà trước đó Liên đoàn bóng đá thành phố đã chốt xong lực lượng và chốt luôn cả phương án dùng thầy Pháp Alain Fiard.

Thế nên gần một mùa giải vừa qua, Công Vinh phải làm việc với một ông thầy không hoàn toàn do mình chọn, và đấy cũng là ông thầy không có quan điểm bóng đá trùng hợp với mình. Đấy là lý do mà V.League chưa kết thúc, Công Vinh đã nói đến chuyện sẽ mời hoặc cựu thầy Calisto, hoặc cựu thầy Miura về thay ông Fiard.

Thoạt tiên thì Calisto sáng cửa hơn, không chỉ vì Calisto đã từng vô địch AFF Suzuki Cup 2008 cùng Đội tuyển Việt Nam, mà còn vì giữa Calisto với Công Vinh có những quan hệ rất thân tình. Nhưng vì những bất đồng trong đàm phán vào phút chót mà người được mời lại là ông Miura.

Với ông Miura, có thể hình dung trước là CLB TP Hồ Chí Minh mùa giải tới sẽ chơi thứ bóng đá đơn giản, thực dụng. Và với ông Miura, cũng có thể hình dung trước là mọi vận động của CLB này, từ việc quản lý cầu thủ đến việc xây dựng đấu pháp, vận hành đấu pháp sẽ được đảm bảo tính chuyên nghiệp tối cao. Điều băn khoăn có chăng nằm ở chỗ tính chuyên nghiệp ấy có thể tương thích và phát huy tác dụng với một môi trường V.League rất thiếu chuyên nghiệp hay không? Chắc chắn chỗ này thì một người sành sỏi V.League như Công Vinh đã tính trước và lường trước.

Chỉ mong là từ cấp độ Đội tuyển Quốc gia xuống làm cấp độ V.League, thực sự trải nghiệm với những vấn đề trọng tài, sân bãi, rồi "một ông chủ, nhiều đội bóng"... vốn là "đặc sản" của V.League một người chuyên nghiệp như ông Miura sẽ không chán nản.

Khoảng cách lớn từ Đội tuyển Quốc gia đến các CLB

Trước ông Miura, một cựu thầy khác của Đội tuyển Việt Nam là Alfred Riedl cũng đã trải nghiệm cái cảm giác chuyển xuống cầm quân một CLB chơi V.League. Sau khi bị VFF kết thúc hợp đồng, ông Riedl có lúc đã chấp nhận về Khánh Hoà, lĩnh sứ mệnh giải cứu một con tàu đang dần đắm.

Nhưng thực tế là ở Khánh Hoà, ông Riedl mới "vỡ" ra nhiều vấn đề mà khi còn làm ở đội tuyển ông chưa từng trải qua. Thế nên chỉ một thời gian rất ngắn ông đã chia tay Khánh Hoà. Sau đó vài năm, khi chưa tìm được công việc mới ông Riedl lại nhận lời mời về dẫn dắt bóng đá Hải Phòng.

Hồi ấy ông thậm chí còn kiến nghị ban lãnh đạo Hải Phòng xây dựng một ê kíp trợ lý theo ý mình. Kết quả là cũng chỉ sau vài trận, Riedl lại đã khăn gói ra đi. 

Nếu ông Riedl đi từ Đội tuyển Quốc gia tới CLB thì ngược lại, ông Calisto lại đi từ cấp độ CLB lên Tuyển Quốc gia. Những năm 2000, ông Calisto xuất hiện ở Gạch Đồng Tâm.Long An trong vai trò Giám đốc kĩ thuật, và sau khi tạo dấu ấn rất lớn ở CLB này, ông đã được mời lên cầm quân Đội tuyển trong hai chu kỳ 2002 và 2008.

Ở chu kỳ 2002, ông giúp một Đội tuyển Việt Nam bạc nhược trở thành một đội bóng giàu sức sống và đã đoạt được huy chương đồng Tiger Cup. Còn ở chu kỳ 2008 thì ông cùng các học trò giật cúp vàng khu vực. Một trong những lý do giúp Calisto thành công như vậy là vì ông đã nằm gai nếm mật ở V.League, đã quá hiểu cầu thủ và các vấn đề V.League, và biết phải làm gì để phả một sức sống mới vào những đôi chân được nhấc từ V.League lên Đội tuyển.

Từ mùa giải tới đây, thầy Nhật Toshiya Miura sẽ đi trên cái hành trình mà ngày xưa ông Alfred Riedl đã đi. Mong là ở hành trình ấy ông Miura sẽ có một đoạn kết đẹp hơn và có hậu hơn so với ông Riedl.

Ngọc Anh

Hiếu Hà
.
.
.