Nếu VPF bị “VFF hoá”...

Thứ Sáu, 01/12/2017, 08:09
Thì đấy là điều không bất ngờ với những người đã theo dõi sự ra đời và cách vận hành của tổ chức này trong suốt 6 năm qua. Đặc biệt là khi những nhân sự cốt cán của VPF nhiệm kỳ 2017-2020 được dự đoán sẽ được thay thế bởi người thuộc VFF.

Nhìn vào thành phần nhân sự chủ chốt hiện tại của HĐQT Công ty VPF so với nhiệm kỳ đầu tiên, chỉ còn duy nhất Chủ tịch Võ Quốc Thắng tại vị. Hai Phó Chủ tịch Phạm Ngọc Viễn (trước đây là Tổng giám đốc) và Nguyễn Công Khế (trước đây là thành viên) đều là những người được bầu bổ sung sau này.

Thế nhưng, theo những thông tin từ hậu trường, tại cuộc họp HĐQT VPF đầu tháng 11 vừa qua, Chủ tịch Võ Quốc Thắng đã bày tỏ quan điểm xin rút khỏi vị trí Chủ tịch HĐQT VPF nhiệm kỳ 2017-2020. Và thậm chí cả ông Phạm Ngọc Viễn và Nguyễn Công Khế cũng có ý xin rút. 

Nếu điều này xảy ra thì HĐQT của Công ty VPF nhiệm kỳ tới sẽ được “thay máu toàn bộ”. Đó sẽ là một cuộc thay đổi mang tính bước ngoặt của tổ chức này kể từ khi ra đời.

HĐQT VPF sẽ được "thay máu" ở nhiệm kỳ mới.

VPF từng là tổ chức được đặt kỳ vọng sẽ là cuộc cải cách cho bóng đá Việt Nam dưới sự điều hành của các ông bầu. Đặc biệt, với sự cầm chịch của bầu Kiên, những vấn đề nổi cộm của bóng đá Việt Nam đã phần nào được đưa ra đấu tranh một cách thẳng thắn. 

Cái tôn chỉ mục đích hoạt động ban đầu của VPF chính là điều hành, tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam và được hoạt động độc lập với VFF. Cái đích lớn hơn chính là kiếm được tiền từ bóng đá để nuôi bóng đá cũng như phục vụ công tác đào tạo trẻ. 

VFF đóng vai trò là cổ đông sáng lập với trên 35% cổ phần. Còn VPF giống như một Công ty, chịu sự quản lý Nhà nước của Bộ VH,TT&DL, quản lý về chuyên môn của VFF. 

Bên cạnh đó, với tầm ảnh hưởng của bầu Kiên, VPF ra đời khiến khán giả từng nghĩ đến một giải đấu V.League chất lượng hơn, trong sạch hơn. Chính ông bầu này đã cương quyết với vấn nạn tiêu cực của trọng tài cũng như sáng lập ra ban Tư vấn đạo đức và từng có ý tưởng kéo Ban kỷ luật từ VFF về VPF.

Thế nhưng, khi bầu Kiên rơi vào vòng lao lý, VPF đã dần tắt hẳn cái khí thế ban đầu và hoạt động cũng không còn đúng như tôn chỉ, mục đích đã vạch ra. Bầu Đức chuyển sang VFF trong vai trò Phó Chủ tịch phụ trách tài chính khiến Chủ tịch Võ Quốc Thắng trở nên đơn độc. 

Ai cũng biết rằng, khi bầu Thắng ngồi vào chiếc ghế Chủ tịch HĐQT VPF chỉ là “trên danh nghĩa” cho người “cầm cờ”. Thế nhưng, việc bầu Kiên bất ngờ gặp biến đã khiến ông Thắng phải điều hành mọi sự đúng với vai trò chức danh của mình. 

Đặc biệt trong suốt 6 năm qua, Ban Tổng giám đốc VPF cũng là nơi có nhiều biến động. Sau khi ông Phạm Ngọc Viễn rút lui về HĐQT, người thay thế là ông Cao Văn Chóng – Tổng giám đốc của CLB Becamex Bình Dương được VPF mời làm việc theo dạng biệt phái trong 2 năm. 

Sự thay đổi đã khiến những thông tin bên lề cho hay ông Chóng chỉ “giữ ghế tạm thời” trước khi chuyển giao cho một nhân vật khác của VFF trong kế hoạch “VFF hoá” VPF. 

Dù ông Chóng đã phủ nhận điều này trước báo chí nhưng có thể thấy những điều mà người trong cuộc đặt dấu hỏi về sự can thiệp sâu rộng của VFF đến VPF bắt đầu từ khâu nhân sự là có. Đặc biệt là khi ông Nguyễn Minh Ngọc (từng là người của VFF) được bổ nhiệm vào vị trí Phó Tổng giám đốc VPF, đồng thời là Trưởng BTC giải BĐCN Việt Nam các năm 2015, 2016 và 2017.

Mặc dù ông Ngọc từng đệ đơn từ chức sau khi sự cố CLB Long An “làm trò hề” trước TP.HCM ở đầu mùa giải 2017, thế nhưng HĐQT VPF đã từ chối. Theo giới quan sát thì đó chỉ là “chiêu” làm dịu đi bức xúc từ dư luận của VPF, còn thực tế thì cái ghế của ông Ngọc lại được “bảo kê” vững chắc.

Vào ngày 3-12 tới, Đại hội cổ đông VPF khóa III nhiệm kỳ 2017-2020 sẽ diễn ra tại Hà Nội. Đấy là sự kiện sẽ quyết định đến nhiều vị trí mới trong bộ máy lãnh đạo VPF. VFF là cổ đông lớn nhất, có quyền giới thiệu 3 thành viên đại diện tham gia HĐQT. 

Được biết, Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn và ông Phạm Ngọc Viễn xin rút, VFF sẽ giới thiệu Tổng thư ký Lê Hoài Anh, Ủy viên thường trực Trần Anh Tú, và bà Thu Trang – Kế toán trưởng là đại diện phần vốn của VFF tham gia HĐQT VPF giai đoạn 2017-2020. Và ông Trần Anh Tú chính là một trong ứng viên sáng giá cho vị trí Chủ tịch HĐQT nếu ông Thắng rút lui.

Hãy cùng chờ xem, VPF sẽ thay đổi như thế nào.

Dấu ấn của bầu Thắng

Ông Võ Quốc Thắng được bầu làm Chủ tịch HĐQT VPF từ năm 2011 đến nay. Trong suốt 6 năm làm việc  tại VPF, ông Võ Quốc Thắng được biết đến là người có tâm với bóng đá và cũng khẳng định được vị thế của mình trong làng bóng Việt Nam.

Dấu ấn mà ông Thắng để lại là việc phối hợp giữa VPF với VFF, các CLB và địa phương trong việc định hướng phát triển cho bóng đá. Chính bầu Thắng là người đã có tiếng nói giúp CLB Đồng Tháp được doanh nghiệp “cứu” trở lại V.League 2014 khi đội bóng này lâm vào cuộc khủng hoảng tài chính. 

Chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng đã có cuộc gặp với Hội doanh nghiệp trẻ Đồng Tháp và một số “mạnh thường quân” khác để giải cứu đội bóng. Và cũng chính cách làm này mà ông Thắng đã cùng VPF gỡ khó về định hướng  tài chính để hai CLB Đồng Nai và Cà Mau được dự Giải hạng Nhất 2016.

Mặc dù có thông tin cho rằng, ông Thắng đã rục rịch tìm người thay thế vị trí Chủ tịch HĐQT của mình, thế nhưng mọi thứ chỉ có thể quyết định chính thức tại đại hội cổ đông VPF khóa III nhiệm kỳ 2017-2020.

H.Đ.

Hưng Hà
.
.
.