Vòng chung kết World Cup U.20 thế giới, 15h hôm nay, Việt Nam – Pháp:

Không dễ để Việt Nam... buông xuôi

Thứ Năm, 25/05/2017, 08:54
"Chúng tôi đã phải nghĩ khác về Việt Nam sau khi xem xong trận Việt Nam - New Zealand" - ông Ludovic Batelli, HLV trưởng U.20 Pháp đã nói như thế trong cuộc họp báo trước trận ngày hôm qua.


Vậy rốt cuộc "phải nghĩ khác" là như thế nào? Câu trả lời của Ludovic: "Việt Nam có những cầu thủ kỹ thuật, có khả năng tranh chấp tốt. Do vậy chúng tôi sẽ phải vào sân với đội hình mạnh nhất, thi đấu tập trung nhất. Và tôi nghĩ trận đấu sẽ cực kỳ thú vị". Cái mệnh đề "chúng tôi đã phải nghĩ khác" có thể đúng, nhưng những gì ông Ludovic phát ngôn sau đó rõ ràng mang nặng phép xã giao. 

Bởi ai cũng biết, với các cầu thủ Việt Nam, từ chỗ khiến một ứng cử viên lớn cho chức vô địch như U.20 Pháp "phải nghĩ khác", đến chỗ có thể "tạo ra một trận cầu thú vị" là một khoảng cách xa vời vợi. 

Ở trận ra quân, Pháp vừa đá vừa đi dạo vẫn có thể dễ dàng ghi 3 bàn vào lưới Honduras. Ba bàn còn là một con số khiêm tốn trong một trận đấu mà hệ thống tấn công của Pháp đã bỏ lỡ hàng loạt cơ hội ngon ăn.

Cầu thủ U.20 Việt Nam tập luyện thoải mái trước trận gặp U.20 Pháp.

Về phía mình, HLV Hoàng Anh Tuấn của U.20 Việt Nam bảo: "Việt Nam sẽ không dễ buông xuôi như Honduras". Thì đúng là Honduras đã buông xuôi thật, nhưng đấy là một cái buông xuôi rất dễ xảy ra, khi phải đối diện với một đối phương vượt trội. 

Trong trận giao hữu trước giải với một đối phương vượt trội như U.20 Argentina, dù không đến mức rơi vào cảnh buông xuôi nhưng chính U.20 Việt Nam cũng bất lực y như thế. Vậy khi gặp Pháp, phải làm gì để không buông xuôi, hoặc chí ít không bất lực?

Ông Tuấn giải quyết câu hỏi này bằng hai cách. Một mặt, ông đề nghị không nên nói quá nhiều về điểm mạnh của U.20 Pháp, vì họ mạnh như thế nào thì ai cũng biết cả rồi, càng nói các cầu thủ sẽ càng thêm hoảng. Mặt khác ông nói nhiều đến hai từ "cay cú", rằng "khi đã vào sân thì phải có một chút cay cú ăn thua", và rằng với một chút "cay cú ăn thua" ấy các học trò của ông có thể hạn chế một cách tốt nhất những sự thua thiệt của mình so với đối thủ.

Hôm qua, từ Hàn Quốc có người đặt vấn đề: Hay là cứ tung đội hình dự bị vào sân để giữ "chủ lực binh" cho trận quyết chiến quyết thắng với Honduras? Rồi có người bình luận: "Với tính cách thực dụng của mình, nhiều khả năng ông Hoàng Anh Tuấn sẽ chọn lựa cách này". 

Nhưng chúng tôi không tin như vậy. Bởi nếu cho đội hình dự bị vào sân rồi nhận cả một rổ trứng mang về thì không khác gì tự tay mình hất đi tất cả những ấn tượng tốt đẹp vừa tạo được sau trận ra quân. 

Mà như lãnh đạo ngành thể thao đã ra nhiệm vụ trước giờ xuất trận thì: "Đá ở World Cup, không quá coi trọng thắng - thua, nhưng trong trường hợp nào cũng phải chứng minh, giữ gìn được màu cờ sắc áo Việt Nam". Vì thế, nhiều khả năng đội hình mạnh nhất vẫn sẽ xuất trận, và ngay cả khi thi đấu với đội hình mạnh nhất thì mục tiêu hạn chế bàn thua vẫn là một mục tiêu thiết thực.

Trận ra quân với New Zealand, một vài cầu thủ trong "đội hình mạnh nhất" đã bị căng cứng, khiến ông Tuấn sau đó nổi trận lôi đình. Vấn đề thể lực cũng được đặt ra khi toàn đội đã thể hiện sự xuống sức thấy rõ trong khoảng 20 phút cuối. Hơn một nửa đội hình đồng loạt đổ gục xuống sân khi trọng tài thổi còi mãn cuộc, là một bằng chứng xác đáng nữa cho thực trạng này. 

Nhưng mật độ 3 ngày/trận đã giúp các cầu thủ hồi phục dần. Những người bị chấn thương cũng đang lành. Và, những màn "lên giây cót" của ông Tuấn khả năng cũng có thể giúp các cầu thủ thi đấu khoẻ khoắn hơn. Nếu chơi với đúng 100% sức lực của mình, U.20 Việt Nam có quyền hy vọng không thua đậm.

Chỉ cần không thua đậm là đã thành công rồi!

Đi tìm bàn thắng đầu tiên

Theo trang FIFA.com, sau khi có được 1 điểm đầu tiên, mục tiêu thiết thực nhất với U.20 Việt Nam là có được bàn thắng đầu tiên trong trận đấu với U.20 Pháp. Trang này đánh giá rằng Pháp có sức mạnh toàn diện  và vượt trội hơn hẳn so với Việt Nam, nên chỉ cần đá đúng sức, việc Pháp giành 3 điểm là đương nhiên. 

Vấn đề là các cầu thủ Việt Nam có thể tận dụng, chắt chiu cơ hội để ghi được 1 bàn danh dự, cũng là 1 bàn lịch sử của mình tại World Cup được không? Ở trận ra quân với New Zealand, U.20 Việt Nam đã có khoảng 3 cơ hội ngon ăn trong hiệp 1, và đặc biệt là màn đệm bóng cận thành của Hoàng Đức ở cuối hiệp 2. Nhưng trong tất cả những cơ hội ngon ăn này, cầu thủ tấn công Việt Nam đều bỏ lỡ một cách đáng tiếc. 

Trong những buổi tập trước trận gặp U.20 Pháp, bên cạnh việc đề nghị hàng phòng thủ phải luôn thi đấu tập trung, bọc lót chặt chẽ với nhau, HLV Hoàng Anh Tuấn cũng không quên nhắc hàng công phải biết chắt chiu cơ hội. Sau 1 điểm đầu tiên, nếu lại có được 1 bàn thắng đầu tiên, chắc chắn U.20 Việt Nam sẽ có một kỳ World Cup đầy ấn tượng.

Ngọc Anh

Diệp Xưa
.
.
.