Kế hoạch mua chung bản quyền bóng đá Ngoại hạng Anh chính thức đỗ vỡ

Thứ Hai, 25/04/2016, 14:01
Truyền hình số vệ tinh K+ sở hữu bản quyền phát sóng toàn bộ giải NHA gồm tất cả 380 trận đấu/mùa trong ba mùa bóng từ 2016-2017, 2017-2018 và 2018-2019 bao gồm quyền độc quyền phát sóng một số trận đấu cuối tuần...

Ngày 25-4, Công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh Việt Nam (K+) thông báo đã đạt được thỏa thuận với MP&Silva về việc mua bản quyền phát sóng Giải Ngoại hạng Anh (NHA) trong ba mùa giải 2016 -2019.

Theo đó, Truyền hình số vệ tinh K+ sở hữu bản quyền phát sóng toàn bộ giải NHA gồm tất cả 380 trận đấu/mùa trong ba mùa bóng từ  2016-2017, 2017-2018 và 2018-2019 bao gồm quyền độc quyền phát sóng một số trận đấu cuối tuần và quyền ưu tiên lựa chọn phát sóng một trận đấu của các vòng diễn ra giữa tuần.

Toàn bộ quyền phát sóng nêu trên được áp dụng trên cả hai chuẩn phát sóng SD và HD.

Việc K+ đàm phán thành công và đã chính thức sở hữu bản quyền giải NHA mùa giải 2016-2019 cũng đồng nghĩa với kế hoạch đàm phán mua chung bản quyền NHA do Hiệp hội truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPayTV) đã chính thức đổ bể sau nhiều cố gắng và nỗ lực.

Với chủ trương không mua bản quyền bằng mọi giá, VNPayTV đã nhóm họp với 10 đơn vị truyền hình trong cả nước, thành lập ban đàm phán. Trong số 10 thành viên này có cả công ty VSTV/K+ - đơn vị liên doanh giữa Đài truyền hình Việt Nam và Canal (Pháp) thống nhất quan điểm không mua với giá cao hơn 20% so với mức giá của các mùa giải 2013-2016.

Tuy nhiên MP&Silva - đại lý trung gian đã không đồng ý với phương thức mua chung vì đối tác này khẳng định hình thức mua chung là vi phạm quy định mà ban tổ chức giải Ngoại hạng Anh đưa ra. Do đó, ban đàm phán đã không thể tiến hành bất kỳ cuộc gặp gỡ, trao đổi nào với đối tác nước ngoài này.

Nhận thấy việc mua chung bản quyền khó mang lại kết quả, ngày 21-4, K+ cho biết, sẽ tách ra khỏi Ban đàm phán để tự đi mua bản quyền Ngoại hạng Anh với cam kết đảm bảo tuân thủ theo định hướng của Chính phủ, Bộ TT&TT và đảm bảo quyền lợi của khán giả truyền hình.

Kết quả này một lần nữa cho thấy, tiến trình mua bán bản quyền giải NHA tại Việt Nam luôn diễn ra phức tạp, căng thẳng và đơn vị sở hữu bản quyền luôn là người dẫn dắt và áp đảo trong các cuộc thương lượng, mua bán. Việc “tiết kiệm, không mua bản quyền bằng mọi giá” vẫn là chủ trương và chưa thể biến thành hiện thực.

H.Thanh
.
.
.