Harry Kane và “gene mới” của đội tuyển Anh

Thứ Năm, 05/07/2018, 07:23
Đội tuyển Anh đã vượt qua được vòng knock-out World Cup lần đầu tiên sau 12 năm với một người hùng không thường thấy trong lịch sử bóng đá nước này: Harry Kane.


Thật khó tin khi biết rằng Kane thần tượng… David Beckham, và năm 15 tuổi đã từng cố chưng diện kiểu tóc Mohican của cựu tiền vệ Manchester United. Rất đơn giản: Kane chưa bao giờ, và cũng không có năng khiếu trở thành một mẫu cầu thủ như Beckham.

Becks là một dạng cầu thủ-showbiz không hiếm gặp của bóng đá Anh, vốn rất nổi bật trên các tờ báo, kênh truyền hình, được cung phụng đầy đủ (4 năm trước, tuyển Anh đã mang đến World Cup 72 nhân viên hậu cần!), nhưng thường vỡ vụn trong những khoảnh khắc quyết định trên sân. Giống như định mệnh đã gắn liền với đội tuyển Anh trong nhiều năm qua.

Cú sút quyết đoán vào giữa khung thành mở tỉ số cho tuyển Anh trong trận gặp Colombia là lần thứ ba Kane thành công trên chấm phạt đền ở World Cup lần này (trong tổng số 6 bàn anh ghi được). Một con số có thể làm nhiều người vội phán xét rằng anh đã quá may mắn lận lưng từng ấy bàn chỉ vì là người được ưu tiên đá phạt đền. Nhưng đá penalty dễ ở đâu không biết, trừ với người Anh.

Harry Kane là niềm hi vọng lớn của các cổ động viên Anh.

Trong 8 lần phải đấu súng ở các giải đấu lớn (World Cup và Euro), đây mới là lần thứ hai đội tuyển Anh giành chiến thắng, và là lần đầu tiên ở World Cup. “Gene” của đội tuyển Anh dường như không hợp với chấm phạt đền: Gareth Southgate, HLV tuyển Anh hiện tại, chính là người đá hỏng penalty quyết định khiến Anh bị loại ở bán kết bởi Tây Đức; David Beckham đá bay cơ hội của tuyển Anh lên trời tại tứ kết gặp Bồ Đào Nha ở Euro 2004; và 6 năm trước, đến lượt Ashley Young và Ashley Cole đá hỏng, khiến Anh bị Ý loại ở tứ kết Euro 2012.

Kane thì dường như đã quá thành thục với chấm phạt đền: Tỉ lệ chuyển hóa penalty thành bàn thắng của anh là 85%, và quan trọng hơn, Kane dường như chưa bao giờ biết hồi hộp khi đứng trước một quả penalty. Anh đá như thể chẳng có áp lực gì, chỉ có một niềm tin sắt đá vào chiến thắng. Anh dường như miễn dịch với những ồn ào bủa vây quanh đội tuyển Anh. Anh không trở thành nạn nhân của kỳ vọng. Anh không lên tiếng sau một trận đấu thất vọng, và cũng không phát điên vì một cú hat-trick.

Tờ BBC tiết lộ rằng kể từ khi mới 9-10 tuổi, Kane đã bộc lộ quyết tâm đến lạnh lùng ấy: Cậu bé Kane có thể ghi rất nhiều bàn, nhưng nếu bóng ra ngoài nhiều, thì cũng chẳng sao cả. Kane sẽ làm lại, cho đến khi nào bàn thắng trở lại.

Có lẽ vì Kane lớn lên không phải trong sự o bế và ánh hào quang giả tạo của truyền thông: 8 tuổi, anh bị đội trẻ của Arsenal thải loại; 20 tuổi, anh vẫn còn là một tiền đạo làng nhàng, không bộc lộ tố chất nào đáng kể. 4 năm trước, sau 4 lần bị đem cho mượn trong 3 mùa giải, Kane mới được trở lại Tottenham. Andre Villas-Boas bị sa thải, Tim Sherwood lên thay, và Kane mới có cơ hội vào sân. Anh lập tức đền đáp bằng bàn đầu tiên ở ngoại hạng vào lưới Sunderland, trước khi nổ súng trong 2 trận tiếp theo gặp West Brom và Fulham.

HLV Tim Sherwood vẫn còn rùng mình khi nhớ lại: “Roberto Soldado là lựa chọn đầu tiên (cho vị trí tiền đạo khi ấy), và không ai mong Roberto đá tốt hơn tôi, nhưng cứ từng ngày, trong các buổi tập, Harry lại chơi tốt hơn anh ta một chút. Sau khoảng ba tuần, tôi quyết định sẽ thay đổi và đưa Harry vào đội hình chính. Cậu ấy không làm tôi thất vọng”.

Phần còn lại, như chúng ta thường nói, đã trở thành lịch sử. Kane nắm lấy cơ hội, thăng tiến vùn vụt ở Tottenham, và giờ trở thành đầu tàu của đội tuyển Anh, với “xuất thân” và tính cách hoàn toàn trái ngược với rất nhiều thế hệ cầu thủ Anh trước đây. Kane miễn dịch với những ồn ào, sống một đời sống lặng lẽ ngoài sân cỏ, khiêm nhường khi trở thành người hùng, và không quá dao động khi thất bại.

Và một cách ngẫu nhiên, hình ảnh của Kane đã bao trùm lên đội tuyển Anh trong chặng đường ở World Cup 2018 này. Rất lâu rồi, người Anh mới cảm thấy tự tin, không phải vì những người đến Nga là thế hệ vàng, mà vì họ đang mang theo một tâm thế hoàn toàn khác. Như Kane.

Đá hỏng penalty trước tuyển Anh, cầu thủ Colombia bị đe dọa

2 cầu thủ  không may đá hỏng quả 11 mét ấy là Mateus Uribe và Carlos Bacca, và kéo theo sau đó là một cơn mưa bình luận đe dọa trên Twitter: “Chết đi Carlos Bacca. Thằng khốn kiếp. Không ai muốn mày về đây đâu, thằng khốn” – một tài khoản Twitter có tên David Castaneda viết. “Carlos Bacca, tao cầu cho mày bị trầm cảm rồi tốt nhất là tự sát đi, như thế thì mày sẽ khỏi phải tiếp tục sống một cuộc đời khốn kiếp nữa” – một tài khoản khác có tên HumorFPCosky viết.

Điều khiến những người yêu bóng đá rùng mình là làn sóng đe dọa này đến không lâu sau ngày kỷ niệm 24 năm cái chết của Andres Escobar, người đã bị bắn chết vì đá phản lưới nhà khiến Colombia bị loại khỏi vòng bảng World Cup 1994. Trước khi World Cup diễn ra, anh trai của Escobar đã cầu xin những người hâm mộ bóng đá Colombia bình tĩnh và cư xử đúng mực, nếu đội tuyển thi đấu không đúng với kỳ vọng của họ.

Người hùng Pickford của tuyển Anh: “Tôi lùn, chẳng vấn đề gì”

Jordan Pickford là người đã xuất sắc cản phá cú sút của Carlos Bacca, qua đó giúp đội tuyển Anh lần đầu giành chiến thắng trên chấm phạt đền ở World Cup, và sau chiến tích này, anh đã không quên “đá đểu” lại lời nhận xét của thủ môn tuyển Bỉ Thibaut Courtois: “Tôi chẳng quan tâm đến chuyện mình có cao hay không, mà đơn giản là có phản xạ đúng lúc hay không thôi”. Trước đó, khi Pickford bị Adnan Januzaj của đội Bỉ sút tung lưới trong trận Anh thua 0-1, thủ môn Courtois đã mỉa mai: “Vì lùn hơn tôi 10cm nên anh ta mới để thua quả đó”.

Phá thành công cú sút của Bacca, Pickord đã có 5 lần cản phá phạt đền trong tổng số 30 lần đối mặt với các chân sút trên chấm penalty.

Colombia chơi xấu Harry Kane trên chấm phạt đền

Sau quyết định cho đội tuyển Anh được hưởng phạt đền, trọng tài đã bị các cầu thủ Colombia vây lấy để tạo áp lực. Trong lúc lộn xộn đó, hậu vệ Johan Mojica đã tiến lại chấm phạt đền, lấm lét nhẹ nhàng lấy chân di lên để… xóa điểm đặt bóng.

Nhưng nỗ lực ấy là vô ích. Kane đã thực hiện một cú penalty quyết đoán, ghi bàn thứ 6 của mình ở giải này. Và trong loạt “đấu súng”, Kane tiếp tục thực hiện thành công 1 quả penalty khác, để đưa “Tam sư” tiến vào tứ kết.
Tất Đức
.
.
.