Chờ một Đội tuyển Việt Nam bản lĩnh trên sân Mỹ Đình

Thứ Tư, 07/12/2016, 09:39
Đội tuyển Việt Nam đứng trước nhiệm vụ phải giành chiến thắng, và chắc chắn một ông thầy máu lửa, giàu bản lĩnh như Hữu Thắng sẽ đề nghị các cầu thủ phải gồng lên quyết đấu bằng một tinh thần cao nhất. Nhưng bên cạnh câu chuyện tinh thần - điều mà người ta luôn yên tâm với nhà cầm quân xứ Nghệ, muốn thắng, chúng ta phải thực sự làm mới mình so với trận lượt đi.

Có 2 kịch bản mà người ta hình dung trước về cách tiếp cận trận đấu của Indonesia. Thứ nhất là chủ động phòng ngự, cố gắng bảo vệ lợi thế 2-1 đã có từ lượt đi, và thứ hai là bất ngờ dồn lên công phá để ghi bàn, vì chỉ cần Indonesia ghi được 1 bàn trên sân Mỹ Đình, Việt Nam sẽ phải ghi 3 bàn mới đủ điều kiện vào chung kết.

Nhưng trên thực tế Alfred Riedl là mẫu HLV ưa sự an toàn, chắc chắn, và ông cũng hiểu nếu đặt lên bàn cân so sánh thì từng con người, từng vị trí của Indonesia khó sánh bằng các cầu thủ Việt Nam, thế nên kịch bản thứ nhất nhiều khả năng trở thành sự thực. Có nghĩa, ông Riedl sẽ bố trí một đội hình chắc chắn với những pha tranh chấp quyết liệt ở khu trung tuyến, thậm chí là 1/3 phần sân của mình, rồi đợi thời cơ phản đòn.

Khi trả lời các phóng viên Việt Nam, ông Riedl nói: "Tôi nghĩ, cũng giống như trận lượt đi, thể lực sẽ là yếu tố quyết định trong trận lượt về này". Thể lực quả nhiên là điểm mạnh của Indonesia. Với nền thể lực sung mãn, dẻo dai, họ hoàn toàn có thể tính đến chuyện "ăn" phản công bằng những đường chọc sâu chạy dài, đua tốc độ.

HLV Nguyễn Hữu Thắng thừa hiểu, mỗi khi Indonesia phản công, “sát thủ” Salossa có vai trò quan trọng như thế nào. Trong buổi họp báo trước trận đấu, ông ngả bài: "Cầu thủ này đã trên 30 tuổi, nhưng hình như tuổi tác chẳng tác động gì lên cậu ấy. Cậu ấy chạy khoẻ như một cỗ máy không pin, thực sự là linh hồn của đội Indonesia". Rồi ông nói thêm: "Nhưng chúng tôi đã có phương án đối phó với cậu ấy nói riêng, và toàn đội Indonesia nói chung".

Các cầu thủ Việt Nam vững tin vào việc "giải quyết" Indonesia. Ảnh: H.M.

Những "phương án đối phó" của HLV Hữu Thắng sẽ hiệu quả hơn nhiều so với trận lượt đi nhờ sự trở lại của trung vệ giàu kinh nghiệm Trương Đình Luật. Câu hỏi mà giới chuyên môn thắc mắc là Đình Luật sẽ đá cạnh Tiến Dũng hay Ngọc Hải? Về lý, Ngọc Hải đương nhiên là sự lựa chọn đầu tiên, nhưng trận lượt đi với những sai lầm ngớ ngẩn có thể khiến cầu thủ này bị "tâm lý", và vì thế nếu không có những liệu pháp cần thiết để giải phóng sức ép tâm lý cho Quế Ngọc Hải thì Bùi Tiến Dũng cũng là lựa chọn không tồi. Tuy nhiên, với cá tính và thói quen dụng binh của mình, sẽ không bất ngờ nếu HLV Hữu Thắng vẫn chọn học trò cũ của mình ở Sông Lam. 

Nếu đổ mọi trách nhiệm cản phá đối phương cho cặp trung vệ thì bất ổn, rút kinh nghiệm từ 90 phút lượt đi, Đội tuyển Việt Nam cần phải có một cái máy quét đủ mạnh ở khu vực giữa sân, đóng vai trò phòng ngự từ xa. Ngay cả khi Indonesia nhập cuộc với tư tưởng phòng ngự - phản công thì một cái máy quét với tầm hoạt động rộng kiểu như Hoàng Thịnh vẫn là điều cực kỳ cần thiết. Đáng tiếc, vì chấn thương cơ háng, cơ hội ra sân của Hoàng Thịnh chỉ là 50 - 50.

Trong trường hợp Hoàng Thịnh không thể ra sân thì kéo Trọng Hoàng từ biên vào vị trí này cũng là một ý tưởng mà HLV Nguyễn Hữu Thắng từng thử nghiệm, nhưng lúc ấy Trọng Hoàng phải tuyệt đối tránh những pha bỏ bóng, đạp thẳng chân đối thủ như ở lượt đi, nếu không chúng ta sẽ phải luôn chơi bóng trong nỗi lo... mất người.

Hẳn nhiên, một khi buộc phải thắng thì ở mặt trận tấn công, những cầu thủ kĩ thuật, có tính đột biến cao như Công Phượng, Văn Toàn là những cái tên cần lưu ý. Trận lượt đi, hai cầu thủ này đều vào sân từ ghế dự bị, nhưng trận lượt về có thể sẽ khác. Liệu HLV Hữu Thắng có dám để cả hai đá chính, kết hợp với Xuân Trường ở tuyến giữa để tạo nên một thứ bóng đá đập - nhả nhịp nhàng theo đúng chất Hoàng Anh Gia Lai JMG?

Một cái tên đáng lưu ý nữa là Vũ Minh Tuấn, người có kĩ thuật và sự táo bạo, người vừa trở lại Đội tuyển sau khi về quê chịu tang cha, và rất muốn làm được một điều gì đó lúc này. Trong buổi họp báo trước trận đấu, ông Thắng từ chối mọi câu hỏi cụ thể về đội hình và cách đá, nhưng cũng he hé: "Chúng tôi sẽ có rất nhiều thay đổi".

Đúng là cần thay đổi, cần thực sự làm mới mình để hy vọng giành chiến thắng trước một đối thủ và một ông thầy đã hiểu mình đến từng chân tơ kẽ tóc. Bản lĩnh và sự được - mất của một ông thầy, một sự nghiệp huấn luyện nằm cả ở chỗ này!

Ông Riedl đẩy sức ép về phía Việt Nam

Nếu như trước trận lượt đi, ông Riedl dùng thủ pháp tâm lý "đưa Việt Nam lên mây" qua câu nói: "Đây là đội bóng không có điểm yếu" thì trước trận lượt về, ông lại xoay qua việc đẩy hết sức ép về phía Việt Nam. Ông nói nguyên văn: "Việt Nam sẽ là đội chịu nhiều sức ép hơn hẳn chúng tôi. Đấy là sức ép từ truyền thông, dư luận, và khán giả nhà".

Qua phát biểu này, có thể thấy ông Riedl muốn và rất muốn các cầu thủ Việt Nam vào trận với đôi chân và cái đầu trĩu nặng. Nhưng nhìn lại các tuyển thủ Việt Nam ở giải đấu năm nay, có thể thấy bên cạnh những cầu thủ giàu kinh nghiệm như Công Vinh,  Văn Quyết, Thành Lương, ngay cả những cầu thủ trẻ, lần đầu khoác áo Tuyển đá giải khu vực như Xuân Trường, Văn Thanh... cũng đã có những trải nghiệm bổ ích trong màu áo CLB của mình. Do vậy, họ sẽ phải tự tìm cách hoá giải sức ép khi phải đá trận lượt về trong tâm lý "không thắng là... rời cuộc chơi".

Nói về chuyện sức ép, HLV Hữu Thắng tỏ ra rất bản lĩnh khi phát biểu: "Chẳng phải đến bây giờ, khi còn là cầu thủ tôi cũng đã trải qua nhiều sức ép. Nhưng tôi hiểu nếu sống chết với nghề, yêu thương, đam mê và trân trọng nó thì sức ép nào cũng có thể vượt qua".

Mong là một người giàu trải nghiệm như HLV Hữu Thắng sẽ luôn biết cách "gỡ rối" tâm lý cho các học trò.

Ngọc Anh


Cho một lần sau cuối

Nếu Indonesia thua và rời cuộc chơi thì đây nhiều khả năng sẽ là trận đấu cuối cùng trong cuộc đời huấn luyện của HLV Alfred Reidl. Bởi trước đó, ông đã hơn một lần tuyên bố về việc sẽ chia tay Indonesia sau AFF Suzuki Cup 2016.

Ngược lại, nếu Đội tuyển Việt Nam thắng, hoặc thắng nhưng vẫn không đủ điều kiện vào chung kết (trong trường hợp thắng cách biệt 1 bàn, và Indonesia ghi được ít nhất 2 bàn), thì đây sẽ lại là trận đấu cuối cùng trong màu áo Đội tuyển của đội trưởng Lê Công Vinh. Trận đấu vì thế, có ý nghĩa cực kỳ đặc biệt với Riedl và Công Vinh, những người đã từng là thầy - trò của nhau, và đến tận lúc này vẫn luôn dành rất nhiều mến cảm cho nhau.

Chờ xem, sau 90 phút của một trận cầu định mệnh, giữa thầy Riedl với trò Công Vinh, ai sẽ là người nói lời tạm biệt!

Tuấn Thành

Diệp Xưa
.
.
.