Câu chuyện về huyền thoại boxing Việt Nam

Thứ Sáu, 20/03/2020, 07:44
Việc Nguyễn Văn Đương chính thức giành tấm vé đến Olympic Tokyo 2020 giúp boxing Việt Nam lần đầu tiên có đại diện tham dự sự kiện thể thao lớn nhất thế giới sau 32 năm. Trước đó, tại Olympic Seoul 1988, hai võ sĩ Đặng Hiếu Hiền và Đỗ Tiến Tuấn đã đi vào lịch sử với tư cách là những tay đấm đầu tiên của Việt Nam xuất hiện ở Thế vận hội.


Tài năng đặc biệt của “đất võ Bình Định”

Võ sĩ Đặng Hiếu Hiền sinh ngày 20/10/1966 tại Bình Định, vùng đất nổi tiếng với tinh thần thượng võ. Thuở nhỏ, vì thấp bé nhẹ cân nên ông được cha cho đi học võ để tự vệ. Hiếu Hiền ban đầu tập võ cổ truyền, sau đó chuyển sang võ tự do. 

Võ sư Kim Dũng là người đã phát hiện ra tố chất của một tay đấm trong người Đặng Hiếu Hiền và khuyên chuyển sang tập boxing. Năm 1984, khi mới 18 tuổi, Đặng Hiếu Hiền có thành tích đầu tiên khi giành HCV giải quyền anh Quy Nhơn (khi đó còn là thị xã). Nhờ chiến công này, ít lâu sau đó ông được triệu tập lên tuyển quốc gia.

Vào những năm thập niên 1980, cả đất nước đang ở trong tình trạng khó khăn và các vận động viên như Đặng Hiếu Hiền cũng không nằm ngoài hoàn cảnh chung đó. Điều kiện tập luyện, ăn uống,... đều rất thiếu thốn, thậm chí kham khổ. Đội boxing nhiều khi không có cả HLV và phải tự tập theo giáo án từ nước ngoài gửi về.

Nhưng những trở ngại đó lại càng hun đúc tinh thần của các tay đấm Việt Nam. Mùa hè năm 1988, Đặng Hiếu Hiền cùng hai người đồng đội là Đỗ Tiến Tuấn và Tạ Quang đăng ký tham dự 2 giải đấu lớn được tổ chức tại Cuba, Giải quyền anh quốc tế Cardin lần thứ XXI và Giải quyền anh quốc tế MOA. Giải Cardil có khoảng 300 VĐV của 28 quốc gia trên thế giới tham dự và giải MOA có 150 VĐV của 14 quốc gia tham dự.

HLV Hiếu Hiền hướng dẫn học trò.

Thi đấu không thành công ở giải Cardil, Hiếu Hiền đã dồn hết quyết tâm vào giải MOA và giành tấm HCĐ chung cuộc, trở thành võ sĩ đầu tiên của Việt Nam có được thành tích trên đấu trường quốc tế. Chính thành tích này đã giúp Hiếu Hiền có được tấm vé đặc cách dự Olympic Seoul 1988 ở hạng cận 48kg sở trường. Cùng với Hiếu Hiền, boxing Việt Nam còn một suất dự Olympic nữa của Đỗ Tiến Tuấn  ở hạng cân 67kg.

Lần đầu tiên dự Olympic cũng để lại trong tâm trí võ sĩ Đặng Hiếu Hiền nhiều kỷ niệm đặc biệt. May mắn cho đoàn thể thao Việt Nam khi một gia đình Việt kiều tại Hàn Quốc đã giúp đỡ hỗ trợ rất nhiều để các VĐV có được điều kiện ăn ở, đi lại và luyện tập tốt nhất. Do không có HLV, đội quyền anh đã phải mời một giảng viên tại Cao đẳng Thể dục thể thao Seoul “dạy thêm” cho 4 buổi trước khi bước vào thi đấu chính thức.

Với hành trang đó, việc võ sĩ Đặng Hiếu Hiền thắng trận ra quân trước tay đấm Caballero của Tây Ban Nha là một kỳ tích. Hiếu Hiền chỉ mất có 1 phút 30 giây để hạ knock-out đối thủ bằng một cú đấm móc hàm đẹp mắt.

Đặng Hiếu Hiền phải dừng chân sau đó trước tay đấm rất mạnh Carbajal người Mỹ, người sau đó đã lọt vào đến trận chung kết và giành tấm HCB Olympic 1988. Mặc dù không thể tiến xa, Hiếu Hiền vẫn làm nên lịch sử với chiến thắng đầu tiên của boxing Việt Nam tại sân chơi Olympic.

Khi nhà vô địch phải làm...phụ xe

Thành công của võ sĩ Đặng Hiếu Hiền tưởng chừng mở ra một giai đoạn thành công cho boxing Việt Nam, nhưng một sự cố vào năm 1994 đã khiến sự phát triển của môn thể thao này chững lại một khoảng thời gian đáng kể.

Tại giải VĐQG năm 1994 tổ chức tại Hải Phòng, trong trận đấu giữa Đỗ Tiến Tuấn (người cùng dự Olympic với Hiếu Hiền) và Nguyễn Anh Tuấn, loạn đả đã xảy ra cả trên sàn đấu lẫn dưới khán đài. Các võ sĩ nhảy vào đánh nhau và tấn công cả trọng tài, trong khi đó, ban tổ chức cũng hoàn toàn mất sự kiểm soát trước những khán giả bị kích động mạnh.

Sự cố nghiêm trọng đó dẫn đến hậu quả nặng nề cho boxing: Tất cả các hoạt động của môn thể thao này bị đình chỉ vô thời hạn. Boxing coi như bị xoá sổ tại Việt Nam, các HLV và VĐV bơ vơ khi các địa phương giải tán đội. Họ chỉ có hai lựa chọn: Giải nghệ hoặc chuyển sang luyện tập môn võ khác, ví dụ như Wushu.

Đặng Hiếu Hiền năm đó mới 28 tuổi, mới từ giã sự nghiệp thi đấu ít lâu và đang là HLV tại Sở Thể dục thể thao Bình Định. Ông buộc phải nói lời chia tay boxing khi vẫn còn rất nhiều hoài bão và mong muốn truyền lại những kinh nghiệm quý giá cho các thế hệ học trò.

Võ sĩ Hiếu Hiền trở về làm phụ xe cho hãng xe khách của gia đình.  Ông nhớ lại: “Đó là những ngày tháng rất cơ cực, cơm đường cháo chợ khi đi theo các chuyến xe. Gánh nặng cơm áo gạo tiền cùng với việc môn quyền anh bị cấm thi đấu, tôi nghĩ rằng sẽ chẳng bao giờ có cơ hội quay lại”.

Mãi đến năm 2002, sau 8 năm bị cấm, boxing mới được phép tập luyện và thi đấu trở lại, Đặng Hiếu Hiền lại được mời về làm HLV. Trong số các học trò của võ sĩ Đặng Hiếu Hiền, nổi bật có Trần Phú Cường, người từng giành HCV Cúp các CLB boxing toàn quốc năm 2011 và HCB Giải boxing Đại hội TDTT toàn quốc năm 2010 (đều ở hạng cân 54kg).

Câu chuyện của võ sĩ Đặng Hiếu Hiền đã có một cái kết có hậu khi ông được sống trọn vẹn với đam mê của mình. Trong khi đó, người từng dự Olympic với ông năm 1988 là Đỗ Tiến Tuấn lại có kết cục bi thảm. Năm 2005, cựu võ sĩ người Hải Phòng bị kết án tù chung thân vì tội giết người.

Người của những lần đầu

Võ sĩ Đặng Hiếu Hiền vô địch quốc gia boxing hạng 48 kg ngay lần đầu tiên giải đấu được tổ chức năm 1985 và bảo vệ thành công ngôi vô địch trong 2 năm tiếp theo 1986, 1987.

Năm 1988, ông là VĐV boxing Việt Nam đầu tiên có thành tích ở giải quốc tế với tấm HCĐ ở giải MOCA tổ chức tại Cuba. Sau đó ông cũng là 1 trong 2 tay đấm đầu tiên tham dự Olympic Seoul 1988.

Năm 1989, đội tuyển quyền anh Việt Nam bấy giờ có 4 võ sĩ tham dự SEA Games 15 là Hiếu Hiền, Quốc Tuấn, Quốc Khánh và Tạ Quang. Kết quả, Đội tuyển đã đoạt được 2 HCĐ. Trong đó, 1 HCĐ do Hiếu Hiền giành được ở hạng cân 48kg và 1 HCĐ do Tạ Quang mang về ở hạng cân 54kg.  Đó cũng là  2 huy chương đầu tiên của boxing Việt Nam tại đấu trường khu vực.

Mãi đến 22 năm sau, boxing Việt Nam mới có tấm HCV đầu tiên của Lương Văn Toản ở Sea Games 26 năm 2011.
Đơn Ca
.
.
.