Câu chuyện V.League: Ông bầu dọa bỏ cuộc chơi

Thứ Bảy, 21/01/2017, 06:03
Sau án phạt 30 triệu đồng, treo giò 8 trận dành cho đội trưởng Omar (FLC Thanh Hoá), Chủ tịch tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết đã phản ứng gay gắt. Ông cho rằng án phạt này không khác gì "triệt" cửa vô địch của Thanh Hoá, và nếu VFF không giảm án thì đội bóng này sẽ bỏ cuộc giữa chừng.


Cần nhắc lại, khi Omar phạm lỗi thô bạo với cầu thủ Khánh Hoà ở vòng 3 V.League vừa rồi và phải rời sân thì trên đường rời sân còn quay lên khán đài, thực hiện những hành vi thiếu văn hoá với đông đảo khán giả.

Chính HLV trưởng FLC Thanh Hoá - HLV Petrovic cũng bực bội với hành vi thiếu văn hoá của học trò mình. Ông đã chạy theo Omar, đề nghị cầu thủ này phải xin lỗi khán giả tức thời. Có lẽ ông Trịnh Văn Quyết cũng không phủ nhận những cái lỗi liên tiếp của Omar, nhưng theo ông, với những cái lỗi ấy Omar không đáng bị "treo" tới 8 trận khiến cho tham vọng vô địch V.League của Thanh Hoá bị ảnh hưởng nặng nề.

Theo những thông tin chúng tôi có được, ông Quyết đã có những trao đổi cá nhân với các lãnh đạo VFF và VPF về điều này. Nhưng cái tuyên bố "bỏ giải, nếu không giảm án..." của ông mới chỉ xuất hiện trên một số phương tiện truyền thông, chứ chưa được thể hiện bằng một công văn cụ thể, gửi tới hai tổ chức nói trên. Thành thử, đây là một phát ngôn mang tính nhất thời, khoảnh khắc hay là một sản phẩm suy nghĩ chín chắn và cặn kẽ vẫn cần phải đợi thời gian kiểm chứng.

Các cầu thủ Thanh Hoá vẫn sẽ ở lại và đi tới cùng V.League 2017? Ảnh: H.M

Thực tế trong quá khứ, có cả một phong trào "dọa bỏ giải" giống như những gì ông Quyết thực hiện bây giờ. Người mở đầu cho phong trào này, không ai khác chính là ông bầu Đoàn Nguyên Đức. Thời mới làm bóng đá, sau khi không thể chuyển nhượng cầu thủ Quang Trãi của Đồng Tháp về đội bóng của mình vì vướng luật thì chính bầu Đức cũng bảo: nếu việc không thành, tôi sẽ bỏ giải.

Sau đó, những ông bầu gốc Ninh Bình như bầu Trường của Vinakansai Ninh Bình hay bầu Thuỵ của Xi Măng Xuân Thành Sài Gòn cùng thường xuyên doạ bỏ giải khi không đồng tình với một quyết định nào đó của VFF. Về sau, đúng là cả bầu Trường lẫn bầu Thụy đều bỏ giải thật, nhưng ai cũng hiểu họ bỏ giải, bỏ luôn bóng đá vì thấy không thể "tận dụng" bóng đá để phục vụ các dự án kinh doanh của mình thêm nữa.

Trở lại với những phát biểu mạnh mẽ của ông Trịnh Văn Quyết, thực tế không riêng gì ông, một số chuyên gia bóng đá cũng cho rằng "treo" Omar của Thanh Hoá tới 8 trận là quá nặng. Nhưng những chuyên gia này cũng thể hiện quan điểm rõ ràng: nếu vì "quá nặng" mà dọa bỏ giải, rồi có thể là bỏ giải thật thì không chuyên nghiệp, vì như thế là có lỗi với các cổ động viên, với cầu thủ và HLV đội mình.

Còn nếu dọa bỏ giải chỉ để gây sức ép lên Ban Kỷ luật và Ban Giải quyết khiếu nại VFF để từ đó Omar có thể được giảm án thì đấy lại là một cách làm phản tác dụng, vì nó khiến cho hình ảnh của đội mình bị ảnh hưởng trước tiên.

Trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo VPF cho biết đến thời điểm này họ không tin chuyện "FLC Thanh Hoá bỏ giải" sẽ xảy ra, nhưng vẫn phải lường trước tất cả các kịch bản khác nhau. Trong trường hợp đội bóng này bỏ giải thật thì VPF cũng tuyệt đối không bị động với các kế hoạch sắp xếp lịch đấu của mình. Nói như ông Tổng giám đốc Cao Văn Chóng thì: "Nếu FLC Thanh Hoá bỏ giải, chúng tôi chỉ cần 15 phút để sắp xếp lại giải đấu, không có khó khăn gì".

Chờ xem, rốt cuộc Ban Giải quyết khiếu nại VFF có vì sức ép của ông Quyết mà phải giảm án cho Omar hay không? Và chờ xem, nếu câu trả lời là "không" thì VPF có phải mất... 15 phút để sắp xếp lại một giải đấu không còn đội bóng này như những gì họ đang lường trước?                         

Tại sao án nặng?

Sau thất bại của Đội tuyển Việt Nam tại bán kết AFF Suzuki Cup năm nay, bộ phận chuyên môn VFF đã rút ra một kết luận quan trọng: nhiều tuyển thủ do quá quen đá láo, đá ẩu - thứ bóng đá được dung dưỡng, chiều chuộng ở V.League, nên khi khoác áo Đội tuyển, tham dự các giải đấu quốc tế, dưới sự điều khiển của các trọng tài quốc tế, đã bị "ăn" thẻ một cách đáng tiếc.

Do vậy để làm sạch Đội tuyển, VFF kiên quyết xử lý mạnh tay những hành vi bạo lực, thiếu văn hoá tại V.League. Điều này đã được thống nhất mạnh mẽ, đã được phổ biến tới báo giới, các CLB từ trước khi mùa giải diễn ra. Chính vì thế không riêng gì vụ việc của Omar, từ giờ đến cuối mùa giải, có thể sẽ còn nhiều vụ việc khác Ban Kỷ luật kiên quyết ra án nặng.

Ngọc Anh 


Không thể bỏ qua lỗi của Hoàng Vũ Samson

Cũng ở vòng 3 V.League, trong trận đấu giữa CLB Hà Nội và Hoàng Anh Gia Lai trên sân Hàng Đẫy, nhiều khán giả đã có chung cảm giác rùng mình ghê rợn khi chứng kiến pha vào bóng bằng gầm giày hết sức nguy hiểm của Hoàng Vũ Samson và Trần Văn Kiên với cầu thủ trẻ Châu Ngọc Quang.

Đây là một pha bóng Samson cố tình triệt hạ một cầu thủ trẻ, lần đầu tiên ra sân thi đấu V.League như Ngọc Quang. Có thể do diễn biến tình huống quá nhanh, các trọng tài không phát hiện thấy pha phạm lỗi khiến người xem phải rợn người này, nhưng sau đó Ban Kỷ luật VFF nhất thiết phải mổ băng, và có hình thức phạt nguội thích đáng với cầu thủ Hà Nội.

Trong bối cảnh VFF và VPF đang nêu cao tinh thần đấu tranh triệt để với các hành vi bạo lực, phi văn hoá mà pha phạm lỗi của Samson, vì một lý do nào đó có thể "lọt lưới trời" thì chắc chắn V.League sẽ không còn để lại một chút niềm tin nào nữa.                

Tuấn Thành  

Hiếu Hà
.
.
.