Câu chuyển bóng đá:

Cái "que trái" tuổi 19

Thứ Tư, 11/01/2017, 14:22
Nếu phải chọn một cầu thủ ấn tượng nhất trong ngày khai mạc V.League thì đấy chắc chắn phải là Quang Hải (CLB Hà Nội). Đã đành hai bàn thắng Hải ghi vào lưới Quảng Ninh quá đẹp, nhưng điều đáng nói hơn còn là cái cách Hải thi đấu, và cả cái cách trả lời phỏng vấn sau trận đấu nữa. Tất cả cho người ta cảm giác cầu thủ này có thể sẽ tiến xa, và trên hành trình tiến xa ấy, cậu không dễ trở thành một giá trị khệnh khạng như một vài tài năng trẻ trước đây.


Thật bụng, tôi ấn tượng với cậu bé này từ mùa giải năm ngoái, khi cậu vung chân ghi bàn vào lưới Bình Dương trên sân khách và QNK. Quảng Nam trên sân nhà. Cả hai lần vung chân đều có chung một kịch bản: Nhận được bóng trong vòng 16m50, sát thủ Hoàng Vũ Samson chuyền ngược trở lại, và Quang Hải băng lên, vung chân một chạm rất nhanh. Đấy là chân trái, một cái chân trái khiến tôi lờ mờ nhớ tới Thạch Bảo Khanh ngày nào. 

Cũng ở tuổi 19 thì phải, Thạch Bảo Khanh ra mắt Thể Công, khiến làng bóng xôn xao bởi cái chân trái rất "ngọt", và ngay từ lúc đó người ta đã dự đoán về một bộ song kiếm giữa hai thế hệ trong màu áo Đội tuyển Việt Nam: Thạch Bảo Khanh - Lê Huỳnh Đức. Tiếc là cái chân trái ấy sau này đen quá, và chấn thương nhiều quá nên nó thường "lỡ" những dịp quan trọng nhất của Đội tuyển Việt Nam tại sân chơi khu vực. 

AFF Suzuki Cup 2008 - lần hiếm hoi cái chân ấy không "lỡ" thì Thạch Bảo Khanh lại đã ở bên kia sườn dốc của cuộc đời cầu thủ. Cho nên năm ấy Khanh đón cái hạnh phúc vô địch Đông Nam Á không phải trong tư cách của một kép chính, dù xét về mặt tình cảm anh là một trò cưng của thầy "Tô".

Quang Hải ghi dấu ấn trong ngày ra mắt V.League 2017. Ảnh: H.M.

So với Thạch Bảo Khanh, cái que trái của Quang Hải cũng như cách di chuyển, cầm bóng của Hải có thể không mềm mại bằng. Nhưng trái lại, Hải dầy cơm hơn, hiện đại hơn, và cảm giác ban đầu của tôi cho thấy: tư duy chiến thuật cũng có vẻ tốt hơn. Còn nếu nói đến chuyện may rủi hay định mệnh thì có vẻ Quang Hải cũng "sáng" hơn người đàn anh của mình. 

Bằng chứng là năm vừa rồi, cùng đội U.19 Việt Nam, Hải đã giành vé tham dự VCK World Cup bóng đá trẻ vào tháng 6 tới. Trong màu áo U.19, Hải cũng là một quân bài đột biến của HLV Hoàng Anh Tuấn, và tất cả đều thấy khi nào nhà cầm quân này tung Hải vào sân là hệ thống tấn công của Đội tuyển lại hứa hẹn nhiều đột biến. 

Ngay từ lúc đó, tôi đã định viết vài dòng về Hải, nhưng nghĩ đi nghĩ lại, quyết định không viết nữa. Vì Hải vẫn còn trẻ lắm. Cái chiến công giành vé đi World Cup cùng những bài báo bay bổng có khi lại "giết chết hại" cũng chưa biết chừng.

Tuần rồi, gặp lại Hải ở vòng 1 V.League. Vẫn là cái que trái ấy và lối chơi giàu đột biến ấy. Nhưng kịch bản ghi bàn thì khác. Hải không ghi bàn từ những pha khống chế, rồi chuyền ngược về tuyến hai của đàn anh Samson như năm ngoái nữa, mà tự mình tạo cơ hội cho mình. 

Bàn thắng đầu tiên là một cú sút xa tuyệt đẹp từ giữa sân, bàn thắng thứ hai là một pha sút phạt trực tiếp từ góc hẹp, và nếu may mắn hơn, Hải còn có một bàn thứ ba nữa, cũng từ một cú sút phạt tương tự. Khoái! Người xem bóng đá nào cũng khoái khi chứng kiến những bàn thắng mang hình hài của những "tuyệt phẩm" này.  

Nhưng đẹp hơn cả là cái cách Hải ngượng nghịu trước ống kính truyền hình sau trận đấu. Lúc đó, Hải nói nhát gừng, cứ như thể chỉ đợi cuộc phỏng vấn trôi đi thật nhanh để mình đỡ "hoảng" - một chi tiết cho thấy cậu bé này vẫn còn rất... mộc. Và trong tập hợp những sự nhát gừng ấy, tôi thấy Hải nói nhiều đến hai chữ "các anh...". Hỏi một thành viên của CLB Hà Nội thì hiểu ra: "Nó được các anh lớn kèm cặp, rèn giũa suốt". À, ra thế!

Có một chi tiết cần nhớ: vòng 1 V.League, CLB Hà Nội mất cả Thành Lương lẫn Văn Quyết, nên Hải được ra sân đá chính. Những vòng tới, khi Lương, Quyết trở lại, khả năng cậu bé sẽ lại quay về ghế dự bị. Cá nhân tôi nghĩ, như thế là rất đúng.

Hãy cứ để Quang Hải ngồi ngoài, rồi từ từ đi lên cùng sự kìm cặp của "các anh", thay vì để cậu bé 19 tuổi này là nhân vật chính, bất chấp việc cậu vừa có một buổi chiều toả sáng với cái "que trái" làm nhiều người...khoái!/

Không đặt áp lực lên cầu thủ trẻ

Có một điều rất dễ nhận ra trong khoảng 2 năm trở lại đây ở CLB Hà Nội (trước mang tên HN.T&T), đó là các cầu thủ được đôn lên đội 1 khá nhiều. Tuy nhiên họ luôn được thi đấu, kèm cặp bên cạnh những cầu thủ đàn anh dày dạn kinh nghiệm. 

Nó khác và khác hoàn toàn so với việc cách đây 2 mùa giải Hoàng Anh Gia Lai đã thanh lý đội hình với các cựu binh để đưa cả một lứa trẻ lên đội 1, gồng gánh nhiệm vụ chinh chiến V.League. 

Đến lúc này, rất nhiều tài năng trẻ của Hoàng Anh có vẻ đang cho thấy tác dụng ngược sau khi bị "chín ép". Rất nhiều chuyên gia bóng đá cho rằng việc "ép" các cầu thủ trẻ vào vai chính, phải chịu trách nhiệm về sinh mạng của đội bóng có thể sẽ tạo ra những hậu quả khôn lường.

Ngọc Anh   

Phan Đăng
.
.
.