Bóng đá nữ quanh một chữ “tiền”

Chủ Nhật, 03/12/2017, 10:39
20 cổ động viên chứng kiến một trận đấu bóng đá nữ VĐQG. Đó là một thực trạng buồn mà tôi đã chứng kiến khi đến sân Thiên Trường (Nam Định) để theo dõi cuộc đối đầu giữa Than Khoáng sản Việt Nam và TP HCM II. Bao năm rồi vẫn vậy, bóng đá nữ vẫn “đói” khán giả nên “đói” cả tiền.

Giữa hàng ghế VIP trên sân Thiên Trường, ông Phạm Văn Nam (58 tuổi) thoải mái ngồi 1 mình theo dõi trận đấu giữa một khán đài trống trơn. Ông vào sân vì BTC mở cửa tự do, thấy hàng ghế vốn dành cho quan chức không có ai ngồi nên đó là vị trí được ông lựa chọn. Đây là trận đấu đầu tiên ông đi xem vì vô tình đi qua sân vận động, thấy có tổ chức bóng đá. 

Ông Nam là một trong số 20 khán giả hiếm hoi và người viết có thể đếm được khi trận đấu đã diễn ra được 15 phút. Những khán giả ấy họ là ai? Đó là những người cao tuổi đã nghỉ hưu, những người không có việc làm, rảnh rỗi thời gian... Tuyệt nhiên, không có một khán giả nào vì quá đam mê mà bỏ thời gian đến sân xem bóng đá nữ.

Đến đây, tôi chợt nhớ đến lời HLV Lê Thụy Hải từng tổng kết rằng: “Xã hội nào thì bóng đá ấy. Người Việt Nam chưa phải là quá yêu thích bóng đá. Một số cổ động viên nói lớn lao thế thôi nhưng mà có ai đến sân xem không?”. 

Chỉ có lác đác khán giả đến xem các trận đấu ở giải VĐQG nữ 2017.

Và tôi cũng tự hỏi, những người luôn hô hào đầu tư, quan tâm đến bóng đá nữ đầy nhiệt huyết trên mạng xã hội, họ đang ở đâu giữa lúc mà các cô gái cần lắm một cái vỗ tay từ khán đài? Sân bóng vắng vẻ một cách lạnh lẽo đến nỗi đứng ngoài cửa cũng nghe rõ tiếng của các cầu thủ và huấn luyện viên hô với nhau trong từng pha bóng.

Đấy cũng là lý do vì sao mà bóng đá nữ dù có thành tích nhưng vẫn thiếu tiền. Bóng đá thành công hay thất bại, suy cho cùng điều cốt yếu nhất là kéo được bao nhiêu khán giả đến sân. Và đó cũng là yếu tố quyết định để các doanh nghiệp có tham gia tài trợ hay không.

Theo lãnh đạo VFF thì việc đầu tư trong bóng đá nói chung vào bóng đá nữ nói riêng không thể cứ dựa hoàn toàn vào tiền ngân sách mà sống còn là từ kêu gọi tài trợ. 

Thực tế, mỗi năm Tổng cục TDTT hỗ trợ từ ngân sách hơn chục tỷ cho VFF. Năm 2016 con số rơi vào khoảng  15 tỷ đồng và năm 2017  có nhỉnh hơn vì các ĐTQG tham dự nhiều giải quốc tế, trong đó có sự kiện lớn là U20 Việt Nam dự World Cup. Số này không thấm vào đâu so với số mà VFF phải chi cho các ĐTQG. Và nguồn tiền dựa vào việc kêu gọi tài trợ mới là chính. 

Nhưng theo báo cáo tài chính mới nhất, trong năm 2017, VFF dù đã kiếm được khoảng 150 tỷ đồng vẫn không đủ nhu cầu chi cho các hoạt động trong năm.

Tiếp xúc với một số doanh nghiệp từng tài trợ cho bóng đá, tôi được biết rằng chính họ ngại làm bóng đá nữ. Bởi lẽ, với lượng cổ động viên ít như vậy, hỗ trợ thì được chứ nếu tài trợ một cách chính thống thì không. Những doanh nghiệp khi quyết định gắn tên với một giải đấu, họ luôn phải tính toán đến lợi ích về mặt hình ảnh để quảng bá cho thương hiệu mình. 

Và rõ ràng, với lượng khán giả chỉ tính bằng vài chục người trong một trận đấu bóng đá nữ rất khó thuyết phục các doanh nghiệp. Thế nên, việc tổ chức giải nữ trong  những mùa giải gần đây chỉ có duy nhất doanh nghiệp Thái Sơn Bắc của ông bầu Trần Anh Tú cũng là Uỷ viên Thường trực VFF đứng ra.

Bóng đá ở cấp đội CLB đã vậy, ở ĐTQG cũng chẳng khá hơn. Một câu chuyện gần nhất có thể thấy là trong trận đấu với ĐT nữ Philippines ở SEA Games 29, thầy trò HLV Mai Đức Chung chỉ có 4-5 khán giả đến cổ vũ, vì lượng cổ động viên đã bị hút hết sang trận đấu của ĐT U22 Việt Nam. 

Khi tuyển nữ vô địch, với tổng số tiền thưởng lên đến hơn 4 tỷ đã được ông Chung và các cầu thủ nữ ví như một giấc mơ. Thậm chí ông còn nói rằng nhiều cầu thủ nữ đã hô lên sung sướng giống như được nhận tấm HCV thứ 2.

Câu chuyện của bóng đá nữ suy cho cùng thì vẫn là việc vắng khán giả dẫn đến chuyện “đói” nguồn tiền tài trợ. Thế nên, trước khi hô hào đầu tư, chú trọng phát triển bóng đá nữ, chúng ta hãy tự hỏi rằng mình có thực sự quan tâm đến họ hay không?

Phong Phú. Hà Nam trước cơ hội lần đầu vô địch

Chiều 3-12, giải bóng đá nữ VĐQG sẽ khép lại bằng trận chung kết, tranh chức vô địch giữa TP Hồ Chí Minh I và Phong Phú. Hà Nam.

Trong cuộc đối đầu này, TP Hồ Chí Minh I được đánh giá cao hơn. Không chỉ sở hữu hàng thủ thép, khả năng săn bàn của các học trò HLV Đoàn Kim Chi cũng rất đa dạng. Ngoài ghi bàn, cặp tiền đạo Hoài Lương – Huỳnh Như còn được coi là “chim mồi” khi di chuyển rộng, tạo điều kiện cho các tiền vệ băng lên săn bàn. Con số 39 bàn thắng sau 15  trận cho thấy sức mạnh đáng gờm trên hàng công của TPHồ Chí Minh I và là thông điệp mạnh mẽ gửi đến Phong Phú. Hà Nam.

Trên cơ nhưng không có nghĩa, chủ nhà sẽ chấp nhận về nhì. Bài học của Than khoáng sản Việt Nam là cơ sở để HLV Nguyễn Thế Cường nghiên cứu và có đấu pháp hợp lý trước TP Hồ Chí Minh. 

So với Phong Phú. Hà Nam, Than Khoáng sản Việt Nam còn bị đánh giá yếu hơn rất nhiều nhưng bằng lối chơi áp sát, không ngại va chạm và tập trung, các học trò của ông Đoàn Minh Hải đã vô hiệu hóa rất tốt lối đá của TP Hồ Chí Minh I và chịu thúc thủ trước đối thủ sau loạt luân lưu may rủi sau khi hòa 0-0 trong 2 hiệp chính của trận bán kết vừa qua. Nếu đánh bại Phong Phú. Hà Nam, TP Hồ Chí Minh I sẽ có cú hat-trick vô địch. Còn nếu thắng nhà đương kim vô địch, Phong Phú. Hà Nam sẽ lần đầu tiên lên ngôi.

H.Đ.

Hưng Hà
.
.
.