Bài toán 2 trong 1 của thể thao Việt Nam

Thứ Ba, 15/01/2019, 07:40
Tại Hội nghị triển khai công tác ngành Thể thao năm 2019, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đặt ra hàng loạt nhiệm vụ cho ngành trong đó có việc giữ vững vị trí trong nhóm 3 đoàn dẫn đầu ở SEA Games 30 – 2019 và giành càng nhiều suất tham dự Olympic 2020 càng tốt. Những đầu việc này thực sự nặng nề do đều tác động mạnh đến hình ảnh của ngành.


SEA Games 30 – tưởng nhiều mà ít

Theo thông báo gần nhất của Philippines – nước chủ nhà SEA Games 30, tại Đại hội Thể thao lớn nhất khu vực Đông Nam Á trong năm nay có tới 56 môn thi đấu. Kể cả khi nước chủ nhà có thể cắt một số môn vào phút chót thì đây vẫn được dự báo là kỳ Đại hội có nhiều môn thi đấu nhất trong lịch sử SEA Games. 

SEA Games 26 năm 2011 tại Indonesia từng có tới 44 môn thi đấu, là kỳ SEA Games nhiều môn thi đấu nhất cho tới lúc này. Trong khi đó, ở kỳ SEA Games gần đây nhất vào năm 2017 tại Malaysia, chỉ có 38 môn thi đấu.

Lẽ thường, nhiều môn thi đấu sẽ tăng cơ hội cho các đoàn nhất là khi có nhiều môn không phải là thế mạnh của nước chủ nhà Philippines. Nhưng như nhận định của Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng, thể thao Việt Nam sẽ chịu sức ép đang kể trong quá trình thực hiện mục tiêu vào nhóm 3 đoàn dẫn đầu ở SEA Games 30. 

Hiện tại, thể thao Việt Nam chỉ có thể tham dự từ 28 đến 32 môn thi đấu tại Đại hội. Trong khi đó, nhiều môn khác tại kỳ SEA Games tới hoàn toàn xa lạ hoặc phát triển rất hạn chế tại Việt Nam, khó tranh chấp huy chương như khúc côn cầu trong nhà, khúc côn cầu trên băng, bóng mềm, bóng sàn, bóng lưới, trượt nước… 

Vì thế, thể thao Việt Nam buộc phải giành thành tích tối đa ở những môn tham dự nhằm bù đắp cho việc không thể dự tranh những môn lạ kia.

Nhà vô địch ASIAD - 2018 Bùi Thị Thu Thảo đứng trước khả năng không được tham dự SEA Games 30. Ảnh: Quý Lượng

Nhưng mọi sự không hẳn dễ dàng khi một số môn và nội dung thế mạnh khác của Việt Nam không có trong danh sách sơ bộ các môn thi đấu của SEA Games 30. Trong số này có bắn súng, một số nội dung khác của môn điền kinh như nhảy xa nữ, nhảy cao nữ, đi bộ 20km nam - nữ, 10.000m nữ, marathon nữ, 7 môn phối hợp nữ… 

Riêng nhảy xa nữ đang là niềm tự hào của thể thao Việt Nam khi sở hữu nhà vô địch Olympic năm 2018 Bùi Thị Thu Thảo. Nội dung nhảy cao nữ và đi bộ 20km nữ cũng là thế mạnh của điền kinh Việt Nam ở đấu trường SEA Games khi đang có những nhà vô địch SEA Games như Dương Thị Việt Anh (nhảy cao nữ), Nguyễn Thị Thanh Phúc (đi bộ 20km nữ).

Từ năm 2003 đến nay, dù trong bất cứ điều kiện ngoại cảnh nào, nhất là do sự thiếu ổn định của chương trình thi đấu SEA Games, thể thao Việt Nam vẫn luôn đặt mục tiêu vào nhóm 3 đoàn dẫn đầu. 

Thực tế, quá trình thực hiện mục tiêu đó gặp không ít khó khăn như việc đoàn Việt Nam chỉ có thể xếp thứ ba tại SEA Games 29 năm 2017 vào đúng ngày thi đấu cuối. Những năm gần đây, mục tiêu của thể thao Việt Nam tại sân chơi này có điều chỉnh nhỏ khi chú trọng đến thành tích ở những môn thể thao Olympic hay ASIAD. 

Cách tính đường dài như vậy cũng nhằm không ảnh hưởng đến quá trình đầu tư cho vận động viên những môn trên. Điều ấy cũng đồng nghĩa với việc giảm áp lực cho Đoàn Thể thao Việt Nam khi tham dự SEA Games. Lý thuyết là vậy nhưng nếu không giành ít nhất vị trí thứ ba tại SEA Games, không ít áp lực sẽ dồn lên lãnh đạo ngành Thể thao. 

Thế nên, hành trình ở SEA Games của thể thao Việt Nam sẽ trọn vẹn nếu vừa giành ít nhất vị trí thứ ba vừa đạt thành tích tốt nhất trong khả năng của vận đông viên ở nhóm môn Olympic, ASIAD.

Vào đoạn nước rút hành trình giành vé dự Olympic

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng, năm 2019 đánh dấu giai đoạn nước rút của thể thao Việt Nam trong hành trình giành vé tham dự Olympic 2020 ở Nhật Bản. Trong năm, diễn ra nhiều giải đấu tuyển chọn cũng như các giải đấu tích điểm để xét tham dự Olympic 2020. 

Năm 2016, thể thao Việt Nam đã ghi dấu ấn mạnh mẽ tại đấu trường này khi có tới 23 vận động viên tham dự Olympic 2016 tại Brazil. Đây cũng là kỳ Olympic có nhiều vận động viên Việt Nam tham dự nhất thông qua tuyển chọn. Điểm nhấn lớn nhất chính là việc xạ thủ Hoàng Xuân Vinh giành 1 HCV, 1 HCB – thành tích tốt nhất của thể thao Việt Nam trong lịch sử tham dự Olympic.

Sau một kỳ Olympic thành công như vậy nên không khó hiểu khi có những áp lực nhất định với thể thao Việt Nam. Chưa kể tới việc phải giành huy chương, chỉ cần thể thao Việt Nam tham dự Olympic có nhiều vận động viên hơn so với kỳ Olympic trước cũng là mục tiêu khó. 

Nhưng đấy là mục tiêu phù hợp với thể thao Việt Nam. Đến lúc này, đó là thước đo về sự phát triển các môn thể thao trong hệ thống thi đấu Olympic của một nền thể thao. Nếu không thành công ở mục tiêu này cũng có thể xem như bước lùi, chựng lại của thể thao Việt Nam.

Trong nhiều năm qua, Tổng cục TDTT và các Liên đoàn, Hiệp hội Thể thao quốc gia cũng đều chú trọng vào thực hiện mục tiêu có nhiều vận động viên dự Olympic. 

Vì thế, có thể tin vào khả năng hoàn thành mục tiêu trên. Tất nhiên, ở đây câu chuyện còn liên quan đến việc đầu tư để vận động viên có điều kiện tốt nhất hoàn thành mục tiêu giành vé dự Olympic 2020. 

Nếu kinh phí phục vụ tập huấn, thi đấu quốc tế của ngành thể thao cũng như khâu kiếm tiền của các Liên đoàn, Hiệp hội Thể thao quốc gia chưa bứt phá mạnh mẽ thì sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới vận động viên.

Còn việc giành huy chương tại Olympic 2020 sẽ còn là câu chuyện dài dù nhà vô địch Olympic 2016 Hoàng Xuân Vinh vẫn đang quyết tâm giành suất tham dự.

Chú trọng xây dựng lực lượng vận động viên chuẩn bị cho SEA Games 31

Ngoài tập trung nhân lực, vật lực cho  hai mục tiêu chính trong năm 2019 là vòng loại Olympic 2020 và SEA Games 30 năm 2019, ngành Thể thao còn phải tập trung đầu tư cho lực lượng vận động viên sẽ tham dự SEA Games 31 năm 2021, nơi Việt Nam làm chủ nhà. Rất có thể, nhiều vận động viên trẻ sẽ được tung vào đấu trường SEA Games 30 và vòng loại Olympic 2020 để “chín” kịp vào SEA Games 31. (Minh Hà)
Minh Khuê
.
.
.