Dormio: Thiết bị giao tiếp với giấc mơ

Chủ Nhật, 01/07/2018, 21:03
Để đi từ trạng thái tỉnh táo vào giấc ngủ, chúng ta phải vượt qua một vùng biên hoang dã của trạng thái nửa tỉnh nửa mê, được gọi là Hypnagogia, một trong những giai đoạn trải nghiệm thần kinh hấp dẫn nhất.


Nó được miêu tả là suối nguồn của sáng tạo, chứa đầy những ảo giác tuyệt vời và cũng đáng sợ (gọi là giấc mơ), những ý tưởng không bao giờ xuất hiện trong thực tại sẽ có ở Hypnagogia.

Tuy nhiên, nội dung của những giấc mơ này thường ngẫu nhiên và đa phần chúng ta sẽ không còn bất kỳ ký ức nào về chúng khi tỉnh dậy, bởi trạng thái Hypnagogia chỉ kéo dài vài phút và chúng ta không thể nhận ra được nó.

Làm sao để có thể thay đổi điều này? Đó là lý do mà các nhà nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm truyền thông MIT, dẫn đầu là ông Adam Horowitz, đã phát triển một thiết bị tương đối đơn giản gọi là Dormio. Thiết bị này cho phép người sử dụng giao tiếp với giai đoạn Hypnagogia của giấc ngủ.

Ông Horowitz cho biết, Dormio đã trải qua hai phiên bản phát triển, và hiện tại nhóm nghiên cứu của ông đang làm việc với phiên bản thứ ba. Phiên bản đầu tiên của Dormio gồm một vi điều khiển Arduino được gắn vào một chiếc găng tay với bộ cảm biến áp suất nhỏ trong lòng bàn tay.

Chiếc găng tay này sẽ được đeo vào tay người muốn giao tiếp với giấc ngủ của họ trước khi đi ngủ và họ buộc phải siết chặt bàn tay của mình lại thành nắm đấm. Động tác này sẽ gây áp lực lên cảm biến. Cùng lúc đó, các cảm biến điện não đồ (EEG) cũng sẽ theo dõi hoạt động của não bộ. Khi cảm biến ở tay và đầu phát hiện rằng cơ của người đó đang thư giãn và sóng não đang thay đổi khi họ ngủ, nó kích hoạt một robot Jibo gần đó phát ra các cụm từ được lập trình sẵn. Cụm từ này có chức năng mồi cho bộ não của người ngủ thay đổi nội dung của giấc mơ dựa trên những gì mà con robot Jibo đã nói.

Tuy nhiên, phiên bản này gặp một số vấn đề như các thiết bị EEG khá đắt tiền để người dùng phổ thông có thể sử dụng, và việc phân tích và hiểu các tín hiệu điện não đồ ấy cũng khá phức tạp. Ngoài ra, các cảm biến trong lòng bàn tay chỉ có hai trạng thái bật hoặc tắt trong khi sự khởi nguồn của giấc ngủ xảy ra dần dần. Phiên bản thứ nhất này được Horowitz thiết kế cùng các đồng nghiệp Ishaan Grover, Sophia Yang và Pedro Reynolds Cuéllar.

Để khắc phục những vấn đề vừa nêu ở phiên bản thứ nhất, Horowitz cùng các cộng sự đã thiết kế một phiên bản Dormio mới: thay các cảm biến bật tắt trong lòng bàn tay thành cảm biến uốn, giúp đo được dải độ căng cơ ở mức độ chi tiết hơn nhiều.

Điều này có nghĩa là các nhà nghiên cứu có thể theo dõi một người từ từ rơi vào giấc ngủ bằng sự thả lỏng dần của cơ bắp. Họ cũng sử dụng các phương pháp theo dõi tín hiệu sinh học đơn giản hơn, ví dụ như nhịp tim, để thay thế cho điện não đồ EEG. Nhiệm vụ của robot Jibo bây giờ được chuyển cho một ứng dụng trên smartphone.

Horowitz cho biết Dormio thế hệ thứ ba sẽ hoạt động chỉ bằng cách theo dõi chuyển động mí mắt. Càng phát triển, Dormio sẽ càng trở nên rẻ, dễ sử dụng và thoải mái hơn đối với người dùng. Nó cũng không xâm lấn để giúp người dùng dễ ngủ hơn khi sử dụng.

Horowitz đã thử nghiệm phiên bản đầu tiên của Dormio trên 6 tình nguyện viên đến từ MIT. Những người tham gia sẽ đến phòng thí nghiệm vào đầu buổi tối và nằm trên một chiếc ghế dài để đi ngủ. Khi họ đang ngủ, robot Jibo sẽ nhắc họ bằng một trong hai cụm từ: “Hãy nhớ nghĩ về một con thỏ” hoặc “Hãy nhớ nghĩ về một cái nĩa”...

Khi hệ thống Dormio phát hiện những người tham gia đã ngủ, robot sẽ gọi tên của họ để ngăn chặn người dùng rơi vào giấc ngủ sâu hơn, nhưng cũng tránh làm họ tỉnh giấc. Điều này sẽ khiến họ nán lại được trong trạng thái Hypnagogia. Một khi các tình nguyện viên làm được điều đó, robot Jibo sẽ hỏi họ đang nghĩ gì và ghi lại câu trả lời ấy.

Kết quả là “tất cả họ đều nhớ và báo cáo rằng mình nhìn thấy từ được nhắc trong giấc mơ, điều này cho thấy thành công của việc gieo ý niệm và gợi nhớ lại các kích thích trong trạng thái mơ màng như đã nói, nghĩa là chúng tôi có một hệ thống khả thi để kiểm soát giấc mơ", Horowitz khẳng định.

Theo Horowitz, Dormio không chỉ để thao túng giấc mơ, ông còn muốn xem nó có khả năng tăng cường sự sáng tạo hay không. Do đó các tình nguyện viên còn được Horowitz yêu cầu làm một bài thử nghiệm sự sáng tạo kinh điển có tên là "Alternative Uses Task".

Như tên gọi của nó, bài kiểm tra này yêu cầu những người tham gia phải tưởng tượng ra nhiều nhất có thể những cách sử dụng cho một đồ vật. Các tình nguyện viên cũng được yêu cầu viết một câu chuyện sáng tạo dựa trên những từ cho trước. Kết quả cho thấy sử dụng Dormio tăng cường được khả năng sáng tạo hơn so với những người không sử dụng. Các tình nguyện viên chỉ mất trung bình 158 giây để sáng tác ra câu chuyện sáng tạo của mình sau khi trải qua trạng thái Hypnagogia.

Hiện tại, Horowitz đang thử nghiệm phiên bản Dormio thế hệ thứ hai trên một nhóm người lớn hơn để tìm hiểu cách thức mà thiết bị này ảnh hưởng đến giai đoạn Hypnagogia. Ngoài việc thu thập thêm dữ liệu từ tình nguyện viên, ông và các cộng sự cũng đang nghiên cứu phát triển một phiên bản Dormio mới, có khả năng phát hiện sự khởi phát của Hypnagogia chỉ bằng theo dõi chuyển động của mí mắt.

Quả thật, ý tưởng giao tiếp với giấc mơ để thúc đẩy óc sáng tạo của con người một cách tự nhiên rất hấp dẫn, nhưng đó vẫn là một lĩnh vực nghiên cứu mới nổi, đòi hỏi các nhà nghiên cứu cần có nhiều thử nghiệm hơn nữa để có thể biến Dormio thành thiết bị cho phép chúng ta điều khiển giấc mơ của mình.

Văn Ưng
.
.
.