Dư luận quốc tế tiếp tục lên án hành động của Trung Quốc ở Biển Đông

Thứ Bảy, 19/03/2016, 08:21
Trong tuyên bố ngày 17-3 tại Hội nghị về an ninh hàng hải ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tổ chức tại Australia, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương thuộc Hải quân Mỹ, Đô đốc Scott Swift cho rằng, các hành động xây dựng, cải tạo đảo đá và diễn giải lại luật pháp quốc tế để bào chữa cho các hành động trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông đang làm xói mòn các nguyên tắc ứng xử toàn cầu.

Đô đốc Swift nhấn mạnh, hậu quả của những hành động này đã vượt ra khỏi khuôn khổ quân sự và làm ảnh hưởng đến kinh tế khu vực.

Có cùng quan điểm, chuyên gia Kishore Mahbubani - Hiệu trưởng trường Chính sách Công mang tên Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore – chỉ ra rằng, Bắc Kinh đã triển khai kế hoạch cải tạo và mở rộng đảo nhân tạo ở quy mô rất lớn tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Điều đáng nói là kế hoạch này được thực hiện sau khi Trung Quốc và ASEAN ký Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) năm 2002. Hàng loạt động thái của Trung Quốc như xây dựng đường băng cho máy bay chiến đấu, triển khai tên lửa đối không... đã khiến căng thẳng leo thang ở Đông Nam Á, buộc các nước phải tìm cách đối phó. 

Tiêu biểu là việc ASEAN phải công khai bộc lộ mâu thuẫn, bất đồng tại hội nghị ngoại trưởng tháng 7-2012, rồi việc Ấn Độ ngày 24-11-2012 đã cho áp dụng thị thực có in hình bản đồ của mình lên hộ chiếu của khách nhập cảnh từ Trung Quốc, sau khi phát hiện Bắc Kinh in hình hai khu vực Arunachal Pradesh và Aksai Chin (mà Ấn Độ tuyên bố chủ quyền) lên hộ chiếu mới như là một phần lãnh thổ hiển nhiên của Trung Quốc. Philippines cũng đã nộp đơn kiện Trung Quốc áp dụng và giải thích sai Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS) ở Biển Đông bất chấp việc Bắc Kinh tìm mọi cách vận động, cô lập Manila và ngăn chặn vụ kiện… 

Hoạt động cải tạo trái phép ở Biển Đông của Trung Quốc khiến dư luận lo ngại. Ảnh: CSIS.

Chuyên gia Mahbubani nhận định, Trung Quốc đang mắc phải sai lầm nghiêm trọng trong khi theo đuổi chính sách ngày càng quyết liệt đối với Biển Đông. Tuy nhiên, chưa có vẻ là Trung Quốc muốn dừng lại. 

Tư lệnh Hải quân Mỹ, Đô đốc John Richardson cho hay quân đội nước này đã phát hiện hoạt động của Trung Quốc quanh bãi cạn Scarborough (đảo Hoàng Nham), nằm ở phần phía Bắc của quần đảo Trường Sa của Việt Nam, mà Bắc Kinh giành quyền kiểm soát từ Philippines gần 4 năm trước và đây có thể là một bước đi nhằm tiếp tục cải tạo đất trái phép trên Biển Đông.

Đô đốc John Richardson cho rằng “hoạt động của một số tàu nổi, hoạt động dạng khảo sát đang diễn ra. Đó là một khu vực quan tâm... và một khu vực cải tạo tiềm tàng tiếp theo”.

Trong khi đó, liên quan tới việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, trong loạt bài về vấn đề chủ quyền quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa dưới góc độ luật pháp quốc tế, tờ The Korea Times viện dẫn các quy định của luật pháp quốc tế để khẳng định yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông thông qua cái gọi là “đường lưỡi bò” là hoàn toàn tùy tiện và không có căn cứ pháp lý. 

Trung Quốc chưa bao giờ đưa ra lý giải nào về tính hợp pháp của “đường chữ U” theo UNCLOS mà nước này cũng đã phê chuẩn. Dưới góc độ luật quốc tế hiện đại, cái gọi là “đường lưỡi bò” của Trung Quốc không có tính ổn định và xác định. Theo các án lệ quốc tế, đặc tính quan trọng nhất của một đường biên giới quốc tế là “tính ổn định và dứt khoát”, vì vậy cái gọi là “đường lưỡi bò” không thể được coi là “biên giới quốc gia”. 

The Korea Times dẫn chứng rằng, cách xác định đường chữ U của Trung Quốc không nằm trong 3 phương pháp vạch đường cơ sở trong UNCLOS, bao gồm Đường cơ sở thông thường được quy định tại Điều 5, Đường cơ sở thẳng tại Điều 7 và Đường cơ sở quần đảo tại Điều 47. Do đó, quy định đường cơ sở của Trung Quốc đã vi phạm hai nguyên tắc cơ bản đó là vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam và vi phạm các quy định của UNCLOS về vạch đường cơ sở. 

Mặt khác, cho dù Bắc Kinh có tự cho rằng, tất cả các thực thể trong cái gọi là “đường lưỡi bò” là thuộc về nước này thì những đảo hay thực thể nằm trong phạm vi 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia ven biển đều không thuộc về Trung Quốc, kể cả trong trường hợp các thực thể trong quần đảo tranh chấp là đảo và được hưởng các vùng biển như quốc gia đất liền.

Trong loạt bài viết, The Korea Times cũng đưa ra các tư liệu lịch sử cho thấy quá trình Trung Quốc sử dụng vũ lực cưỡng chiếm toàn bộ Hoàng Sa và một số đảo ở Trường Sa của Việt Nam, đồng thời cũng đưa ra những căn cứ lịch sử khẳng định Việt Nam có đầy đủ chủ quyền về mặt lịch sử đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và trong suốt hơn ba thế kỷ qua, Việt Nam đã liên tục bảo vệ và thực thi chủ quyền của mình trên hai quần đảo này phù hợp với luật pháp quốc tế.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.