Các nước kêu gọi Trung Quốc chấm dứt hành động khiêu khích ở Biển Đông

Thứ Ba, 15/03/2016, 08:05
Trước những diễn biến ngày càng phức tạp ở Biển Đông, nhất là những động thái gây hấn và hành động đơn phương trái với luật pháp quốc tế của Trung Quốc, ngày càng có thêm nhiều tiếng nói phản đối từ các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Ngày 14-3, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Datuk Seri Hishammuddin Hussein tuyên bố rằng, Malaysia đang tìm cách hợp tác với các quốc gia trong khu vực để giải quyết những tranh chấp ở Biển Đông. Ông Datuk Seri Hishammuddin Hussein nhấn mạnh, trong cuộc gặp với người đồng cấp Australia vào cuối tuần này, hai bên cũng sẽ thảo luận về cách thức đối phó với những hoạt động quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông. 

Sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia dự định sẽ chia sẻ thông tin và làm việc với các quốc gia thành viên ASEAN về việc Trung Quốc tăng cường lực lượng quân sự trên các khu vực chiếm đóng trái phép tại quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia sẽ gặp gỡ, bàn thảo với người đồng cấp Australia về những vấn đề ở Biển Đông vào cuối tuần này. Ảnh: Themalaymailonline.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Philippines tiếp tục kêu gọi Trung Quốc kiềm chế các hoạt động ở Biển Đông, đồng thời cho rằng, kế hoạch đáp máy bay dân sự tới quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trong vòng một năm tới là “hành động khiêu khích”. 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines khẳng định, các hoạt động xây dựng đảo nhân tạo, đưa các loại vũ khí và những hoạt động khác của Trung Quốc  đã vi phạm Tuyên bố ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC). Do đó, chính quyền Manila yêu cầu Trung Quốc phải chấm dứt ngay các hoạt động kiểu như vậy và tránh làm phức tạp thêm tình hình.

Bày tỏ quan điểm trong vấn đề này, Liên minh châu Âu (EU) cam kết duy trì trật tự pháp lý đối với các vùng biển và đại dương dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế như được ghi nhận đặc biệt là trong Công ước quốc tế của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Việc này bao gồm cả duy trì an toàn hàng hải, an ninh, và hợp tác, tự do hàng hải và hàng không. 

Tuyên bố của EU đưa ra ngày 14-3 có đoạn viết: “Trong khi không đứng về bên nào đối với các tuyên bố chủ quyền đối với các vùng đất và vùng biển tại Biển Đông, EU kêu gọi các bên liên quan giải quyết các tranh chấp thông qua các phương thức ôn hoà, làm rõ cơ sở các tuyên bố của mình và theo đuổi các tuyên bố đó phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS và các thủ tục phân xử của nó. EU quan ngại về việc triển khai tên lửa tại các hòn đảo trên Biển Đông. Việc triển khai tạm thời hoặc vĩnh viễn các lực lượng hoặc thiết bị quân sự trên các cấu trúc đảo đang có tranh chấp ảnh hưởng tới an ninh khu vực và có thể đe dọa tự do hàng hải và hàng không là một quan ngại lớn. Do vậy EU kêu gọi tất cả các bên kiềm chế việc quân sự hoá trong khu vực, dùng hoặc đe doạ dùng vũ lực và thực hiện các hành động đơn phương”. 

Đồng thời, EU cũng khuyến khích những động thái liên qua tới các biện pháp xây dựng lòng tin nhằm tăng cường sự tin cậy và an ninh trong khu vực; ủng hộ các tiến trình khu vực do ASEAN dẫn dắt và kỳ vọng vào việc đạt được kết quả nhanh chóng trong các cuộc đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).

Bên cạnh đó, theo nguồn tin từ Phái đoàn Việt Nam tại ASEAN, Ủy ban Hợp tác chung ASEAN-Hàn Quốc (AKJCC) đã tiến hành phiên họp định kỳ lần thứ ba tại trụ sở Ban Thư ký ASEAN ở Jakarta, Indonesia và bàn thảo về vấn đề Biển Đông.

Phát biểu tại cuộc họp, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại ASEAN - Đại sứ Nguyễn Hoành Năm khẳng định, ASEAN đánh giá cao Hàn Quốc đã có nhiều hỗ trợ quan trọng và có giá trị cho ASEAN; đề nghị hai bên trên cơ sở quan hệ đối tác chiến lược đã thiết lập, tăng cường hơn nữa hợp tác trong những vấn đề, nội dung có tính chiến lược, trong đó có bảo đảm hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực; đề nghị Hàn Quốc tiếp tục có những hỗ trợ cụ thể cho ASEAN trong xây dựng cộng đồng, phát triển tiểu vùng và thu hẹp khoảng cách phát triển, tập trung vào những lĩnh vực nước này có thế mạnh như công nghệ thông tin, giáo dục, dạy nghề và kết nối thông qua các khuôn khổ hợp tác chung, trong đó có Mekong-Hàn Quốc.

Đại sứ Nguyễn Hoành Năm cũng đề nghị Hàn Quốc tiếp tục ủng hộ những nỗ lực của ASEAN trong bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông; thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC và sớm đạt được COC.

Huyền Chi
.
.
.