Các nước tiếp tục bày tỏ quan ngại xung quanh vấn đề Biển Đông

Thứ Bảy, 12/03/2016, 08:10
Trong sách trắng về viện trợ nước ngoài mới được công bố ngày 11-3, Nhật Bản một lần nữa nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc đảm bảo an toàn, an ninh trên tuyến đường biển qua Biển Đông – nơi mà Trung Quốc đang có những hành động đơn phương vi phạm pháp luật.

Còn New Zealand thì bày tỏ lo ngại về những hoạt động quân sự của Bắc Kinh ở vùng biển này. Nhiều quốc gia khác cũng hối thúc ASEAN phải làm rõ hơn khái niệm quân sự hóa ở Biển Đông.

Theo tin từ tờ The Japan Times, Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã khẳng định rằng, các quốc gia ASEAN có vai trò quan trọng cả về chính trị cũng như tác động đến sự thịnh vượng kinh tế. Các công ty của Nhật Bản làm ăn ở các quốc gia thành viên ASEAN rất nhiều nên cần sự ổn định và chìa khóa của việc này chính là sự an toàn, an ninh hàng hải.

Hình ảnh chụp qua vệ tinh cho thấy Trung Quốc xây đường bằng ở đảo nhân tạo. Ảnh: Kyodo

Đây cũng sẽ là những mục tiêu mà chính phủ Tokyo theo đuổi để mở rộng quan hệ hợp tác, đối tác với các nước trong khu vực ASEAN. Cụ thể hơn, như trong Sách trắng về viện trợ nước ngoài, Nhật Bản khẳng định là có ý định giúp các nước ASEAN bảo vệ những tuyến đường biển trọng yếu trong khu vực, gồm những tuyến đường xung quanh các quốc gia thành viên. 

Sách trắng còn chỉ rõ, với mục đích phát triển "các giá trị toàn cầu dựa trên trật tự" tại Đông Á, gồm có khu vực Đông Nam Á, Nhật Bản sẽ ủng hộ nỗ lực của các nước khu vực nhằm cải thiện an ninh trên biển, cũng như xây dựng cơ sở hạ tầng. Chuyên gia an ninh Tetsuo Kotani thuộc Viện các vấn đề quốc tế tại Nhật Bản bình luận, thời gian tới, nhiều khả năng, Tokyo sẽ giúp các nước trong khu vực tăng cường quân đội. 

Ví dụ, Nhật Bản sẽ chuyển 10 tàu cho Philippines cũng như cho nước này thuê 5 máy bay để giúp tuần tra Biển Đông. Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng có thể sát cánh cùng hải quân Mỹ, hải quân Australia để tuần tra trên Biển Đông, nhất là khu vực vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp trái phép. Nỗ lực tuần tra này, như nhận định của ông Tetsuo Kotani, là cách để gia tăng áp lực lên Trung Quốc, buộc nước này tôn trọng và tuân thủ Công ước quốc tế của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).

Trong khi đó, Viện Nghiên cứu quốc phòng thuộc Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã đưa ra một báo cáo thường niên cảnh báo rằng việc Trung Quốc tăng cường hoạt động và năng lực trên biển cũng như trên không nhằm khẳng định các tuyên bố chủ quyền và lợi ích biển của Bắc Kinh, có thể "làm đảo lộn" an ninh ở khu vực Đông Á. Báo cáo có đoạn viết: "Nếu Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) tiếp tục thách thức sự hiện diện của Mỹ ở Đông Á và nếu những thách thức này được chứng minh có hiệu quả, trật tự an ninh hiện nay ở Đông Á có thể thay đổi đáng kể”.

Là quốc gia nằm trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương và chịu ảnh hưởng nhiều từ những tác động ở khu vực này, New Zealand cũng đã bắt đầu có những động thái quan ngại xung quanh vấn đề Biển Đông. Ngoại trưởng nước này, ông Murray McCully trong bài phát biểu tại Đại học Chính sách công ở Singapore hôm 10-3 cho biết, ông hy vọng Trung Quốc sẽ không để tình hình ở Biển Đông leo thang căng thẳng hoặc đẩy lùi những nỗ lực ngoại giao thời gian qua nhằm xoa dịu tình hình vì tình hình ổn định trong khu vực có vai trò quan trọng với tốc độ phát triển kinh tế của cường quốc này. 

Ngoại trưởng Murray McCully nhấn mạnh, dù New Zealand không ủng hộ bất cứ bên nào trong vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông nhưng việc giải quyết tranh chấp ra sao có ảnh hưởng tới Wellington. Ông cũng cho rằng vấn đề Biển Đông hiện nay là một thách thức ngoại giao lớn với các nước trong khu vực. 

Về các hoạt động cải tạo đảo và quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông thời gian qua, Ngoại trưởng New Zealand cho rằng những động thái này chỉ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Ông nhấn mạnh: "Chúng tôi coi những hành động kiểu đó là những hành động không giúp đỡ của bên thiếu trách nhiệm. Lịch sử đã cho thấy bất cứ vụ va chạm nào ở Biển Đông cũng có thể làm leo thang căng thẳng, kể cả đó không phải là mong muốn của các quốc gia liên quan".

Riêng Mỹ vẫn cảnh báo Trung Quốc rằng nước này sẽ phải gánh chịu hậu quả từ những hành động "gây hấn" ở khu vực Biển Đông, trong đó bao gồm việc triển khai tên lửa đất đối không trái phép tới vùng biển này. 

Tư lệnh lực lượng Không quân Mỹ ở Thái Bình Dương đóng trụ sở tại Hawaii, Tướng Lori Robinson còn tuyên bố lực lượng không quân nước này sẽ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ bay thường nhật trên bầu trời Biển Đông, bất chấp việc Trung Quốc bố trí hệ thống tên lửa đất đối không và các máy bay tiêm kích. Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ James Clapper thì lo ngại rằng Trung Quốc có khả năng phát động "sức mạnh tấn công quân sự đáng kể" từ các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng trái phép tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông trong vài tháng tới. 

Vì vậy, trong một bức thư gửi Chủ tịch Ủy ban Quân lực của Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sĩ John McCain, ông James Clapper nói rằng, việc Trung Quốc tiến hành bồi đắp và xây dựng ở Trường Sa đã hình thành cơ sở hạ tầng cần thiết "để phát động khả năng quân sự tại Biển Đông vượt quá mức cần thiết của việc bảo vệ các tiền đồn của nước này”.

Huyền Chi
.
.
.