Diễn đàn kinh tế Bác Ngao 2018:

Xây dựng lòng tin ở châu Á

Thứ Tư, 11/04/2018, 08:32
Hơn 2.000 đại biểu gồm các chính trị gia, nhà lãnh đạo thế giới, nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo doanh nghiệp... đã tham dự Hội nghị thường niên Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2018. Với chủ đề "Một châu Á cởi mở và đổi mới vì thế giới thịnh vượng hơn", diễn đàn năm nay tập trung thảo luận vấn đề thúc đẩy tăng trưởng thông qua sáng tạo và đổi mới, cải cách quản lý trên thế giới.


Tân Hoa Xã đưa tin, Diễn đàn châu Á Bác Ngao năm nay tổ chức tại thành phố duyên hải Bác Ngao trên đảo Hải Nam. Đây là diễn đàn đối thoại quan trọng, quy tụ các nhà lãnh đạo, doanh nghiệp, chuyên gia và học giả cùng nhau thảo luận về những vấn đề kinh tế - xã hội có ý nghĩa then chốt đối với tương lai của châu Á.

Trước khi phiên họp toàn thể của Hội nghị thường niên được tiến hành vào ngày 10-4 với sự tham dự của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Antonio Guterres và Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde..., một số hội nghị nhỏ trong khuôn khổ diễn đàn cũng đã được tổ chức.

Đặc biệt, trong ngày 9-4, các chuyên gia, học giả, các nhà quản lý kinh tế của khu vực châu Á cùng nhau thảo luận nhằm tìm ra những biện pháp vượt qua thách thức mà khu vực đang đối mặt trong đó có cuộc chiến tương mại Trung Quốc - Mỹ.

Theo báo cáo mang tựa đề "Báo cáo hằng năm về sức cạnh tranh của châu Á năm 2018", đà chuyển động bên trong và sự hợp tác sâu rộng giữa các thị trường gắn kết về kinh tế chính là xung lực thúc đẩy sự phát triển trong tương lai của châu Á. Với môi trường an ninh tốt, châu Á đang có nhiều cơ hội để chuyển đổi mô hình kinh tế và phát triển hơn nữa khoa học công nghệ. Các chuyên gia đánh giá rằng, nhu cầu đầu tư của châu Á sẽ vượt 8.000 tỷ USD vào năm 2020 và đây chính là động lực để các nền kinh tế trong khu vực hợp tác, gắn kết với nhau.

Được thành lập từ năm 2001, Diễn đàn Bác Ngao chủ trương thúc đẩy hợp tác kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhằm hỗ trợ sự phát triển bền vững của những nền kinh tế khu vực cũng như thế giới.

Riêng với vấn đề thương mại Trung Quốc - Mỹ, các đại biểu đã bàn thảo nhiều về "cuộc chiến" mà hai bên đang thúc đẩy cũng như ảnh hưởng của nó tới nền kinh tế châu Á. Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Đới Tương Long nhận định, Trung Quốc - Mỹ là hai nền kinh tế có mức độ liên quan tương đối lớn, chỉ có con đường đàm phán mới giải quyết được các cọ xát thương mại giữa hai nước.

Hãng CNBC thì dẫn lời của ông Myron Brilliant thuộc Phòng Thương mại Mỹ cho hay, bài phát biểu về cải cách thị trường của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào sáng 10-4 được cho là giúp hàn gắn mối quan hệ thương mại hai nước bởi ông đã công bố những cải cách quan trọng của chính quyền Bắc Kinh.

Đồng quan điểm này, chiến lược gia Vishnu Varathan thuộc Ngân hàng Mizuho ở Singapore nói: "Bài phát biểu cho thấy sự mềm mỏng hơn của Trung Quốc với Mỹ. Cuối cùng, mọi người cảm thấy là hai bên đều có sự khuyến khích chính trị để ngồi vào bàn đàm phán"...

Hãng AP thì đưa tin, ngay sau bài phát biểu của ông Tập Cận Bình, chỉ số S&P 500 tương lai của chứng khoán Mỹ đã tăng 1,5% sau bài phát biểu trên; chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản tăng 0,7%, đảo ngược sự giảm điểm trước đó. Chỉ số Nikkei 225 của chứng khoán Nhật cũng tăng 1,1%, dẫn đầu là cổ phiếu của các hãng xe như Toyota tăng 1,9%, Honda tăng 2,1%...

Vậy Chủ tịch Trung Quốc đã tiết lộ những gì về kế hoạch mở rộng hơn nữa cánh cửa nền kinh tế Trung Quốc? Tờ Financial Times đưa tin, chính quyền Bắc Kinh đang xem xét hạ thuế nhập khẩu đối với ôtô cùng các mặt hàng khác, thực thi quyền sở hữu trí tuệ hợp pháp đối với các công ty nước ngoài và cải thiện môi trường đầu tư cho các công ty nước ngoài.

Trong bài phát biểu của mình, ông Tập Cận Bình cũng nhấn mạnh việc Trung Quốc đưa ra sáng kiến để tăng nhập khẩu, cố gắng nhập khẩu những mặt hàng theo nhu cầu của người dân, không tìm kiếm thặng dư thương mại và đạt tới sự cân bằng cao hơn trong cán cân thanh toán quốc tế. Chiến lược gia Yoshinori Shigemi thuộc JPMorgan Asset Management ở Tokyo (Nhật Bản) cho rằng, bài phát biểu của ông Tập Cận Bình đã đưa ra tầm nhìn về một Trung Quốc với lãnh đạo quốc gia ôn hòa, nhấn mạnh rằng những hệ thống mở là hướng hành động tốt nhất cho thế giới.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Trung Quốc cũng rất khôn khéo khi đề cao "các đề xuất Bác Ngao" có giá trị, tập trung vào triển vọng phát triển của châu Á cũng như toàn cầu. Ông Tập Cận Bình khẳng định: "Các đề xuất Bác Ngao đã giúp xây dựng lòng tin tại châu Á, khuyến khích hợp tác, thúc đẩy toàn cầu hóa kinh tế và tăng cường xây dựng một cộng đồng chung vận mệnh.

Điều quan trọng nhất là, đối với mọi quốc gia, để trẻ hóa cần đi theo logic của lịch sử và xu hướng của thời đại trong khi theo đuổi sự phát triển và tiến bộ. Chúng ta nên giữ vững sự cởi mở, kết nối và đôi bên cùng có lợi, xây dựng một nền kinh tế mở toàn cầu, và tăng cường hợp tác trong G20, APEC và các khuôn khổ đa phương khác.

Chúng ta nên thúc đẩy tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại và đầu tư, ủng hộ hệ thống thương mại đa phương. Bằng cách này, chúng ta sẽ đưa toàn cầu hóa kinh tế trở nên rộng mở, bao trùm, cân bằng và mang lại lợi ích cho tất cả".

Phan Hiển
.
.
.