Xác định chất độc hóa học được sử dụng trong vụ tấn công ở Syria

Thứ Sáu, 21/04/2017, 07:39
Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) của Liên hợp quốc (LHQ) hôm 19-4 (giờ địa phương) cho biết, kết quả phân tích các mẫu y sinh học từ 3 nạn nhân thiệt mạng và 7 người còn sống sót sau vụ tấn công hôm 4-4 ở tỉnh Idlib, phía Tây-Bắc Syria, cho thấy, khí độc sarin hoặc một chất độc tương tự đã được sử dụng. Tuy nhiên, OPCW không đề cập ai đã sử dụng vũ khí hóa học (VKHH) trong vụ tấn công trên.


Trong một tuyên bố, Tổng Giám đốc OPCW, ông Ahmet Uzumcu nêu rõ, kết quả “chỉ ra hiện tượng phơi nhiễm với chất độc thần kinh sarin hoặc chất giống sarin”. Các kết quả phân tích cụ thể sẽ được tiếp tục công bố, song những phân tích thu được ở thời điểm hiện tại là “không thể chối cãi”. Người đứng đầu OPCW cũng khẳng định sẵn sàng cử chuyên gia tới điều tra tại hiện trường nếu điều kiện cho phép. 

Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng tiết lộ rằng, kết quả thu được từ phòng thí nghiệm cũng cho thấy dấu hiệu của khí độc sarin. Các nước phương Tây thì vẫn đang cáo buộc các lực lượng của Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã thực hiện vụ tấn công này. 

Trong một phát biểu trên truyền hình, Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault cho biết, các cơ quan tình báo nước này sẽ cung cấp bằng chứng chứng minh rằng các lực lượng của Tổng thống Assad đã “có chủ đích” sử dụng VKHH trong cuộc tấn công trên. Ngoại trưởng Ayrault khẳng định, Paris có trong tay các chi tiết cho phép nước này chứng minh rằng lực lượng Chính phủ đã “cố ý sử dụng vũ khí hóa học”. 

Tuy nhiên, cho tới nay, chính quyền Tổng thống Syria vẫn kiên quyết phủ nhận việc can dự vào vụ tấn công này, khẳng định các lực lượng vũ trang Syria chưa bao giờ và cũng sẽ không bao giờ sử dụng vũ khí hóa học trong các cuộc tấn công.

Các nạn nhân trong vụ tấn công bằng khí độc ở Syria. Ảnh: Getty Images

Trong khi đó, Nga cho rằng, các quốc gia phương Tây không muốn điều tra thỏa đáng vụ việc được cho là có khả năng sử dụng các VKHH tại tỉnh Idlib của Syria. 

Trong cuộc họp của Hội đồng điều hành OPCW ngày 19-4, đại diện thường trực Nga tại OPCW, ông Alexander Shulgin nhấn mạnh sự liên quan giữa vụ việc ở Idlib và sân bay Shayrat là do chính người Mỹ tạo ra khi họ tuyên bố các máy bay Syria đã xuất phát từ sân bay này, do đó việc xác định xem chất độc thần kinh sarin và các VKHH khác có được lưu trữ lại đó hay không là điều hoàn toàn cần thiết. 

Đại diện thường trực Nga tại OPCW nêu rõ: “Quan điểm của chúng tôi là các nước phương Tây đang hành động cực kỳ mâu thuẫn... Tôi cho rằng, người Mỹ có thể đang che giấu điều gì đó khi họ kiên quyết muốn không đưa sân bay Shayrat vào cuộc điều tra này. Có thể họ biết từ đầu rằng không có vũ khí hóa học nào ở đó, và tất cả điều này là chỉ được sử dụng như một cái cớ”. 

Cũng tại cuộc họp, Nga và Iran đã đưa ra dự thảo đề xuất sửa đổi về việc tiến hành cuộc điều tra vụ việc tại Idlib. Chia sẻ quan điểm của ông Shulgin, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cùng ngày tuyên bố, sự cố với VKHH ở Idlib chính là chiến dịch khiêu khích lớn, được suy tính kỹ và đã lên kế hoạch từ trước, mang lại kết quả cả cho phía Mỹ. Ông nhấn mạnh, tất cả những gì xảy ra thời gian gần đây ở Syria, trong đó có đòn tấn công quân sự của Mỹ, hoàn toàn không có lợi cho việc giải quyết tình hình. 

“Thực chất ở đó là gì, có nhà kho lưu giữ vũ khí hóa học hay chỉ là sự ngụy tạo, tất cả cần phải được một ủy ban có thẩm quyền xác minh. Còn nhiệm vụ của chúng ta là làm tất cả để ủy ban này tiến hành cuộc điều tra công bằng”, Thủ tướng Nga nói. 

Liên quan tới vụ tấn công của Mỹ vào căn không quân ở Syria, Thủ tướng Medvedev cho rằng, đó là hành động vi phạm luật pháp quốc tế, “là hành động gây hấn quân sự”, do không có sự ủy nhiệm trừng phạt của LHQ. Cũng theo Thủ tướng Nga, Washington đang chiến đấu với chính quyền hợp pháp ở Syria, chứ không phải là chống chủ nghĩa khủng bố.

Cũng trong ngày 19-4, trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Pháp, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhấn mạnh, Moscow yêu cầu tiến hành một cuộc điều tra khách quan đối với cuộc tấn công nghi sử dụng VKHH ở Idlib. Ngoại trưởng Lavrov đánh giá vụ việc này là “hành động khiêu khích rõ ràng” nhằm phá hoại lệnh ngừng bắn và tiến trình chính trị ở Syria. 

Yêu cầu này của Nga đã nhận được sự đồng thuận của Campuchia. Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen ngày 20-4 khẳng định: “Campuchia ủng hộ một cuộc điều tra đầy đủ về vụ việc nêu trên trước khi thực hiện bất cứ hành động hay đưa ra bất kỳ quyết định nào”. 

Về phía Mỹ, Washington đã phản đối đưa phái bộ phát hiện VKHH Syria đến sân bay Shayrat với lý do phái bộ này “không có gì để làm trong tình huống này”. Phái đoàn Mỹ đã phản đối cho phép bất cứ chuyên gia nhà nước nào tham gia công việc của phái bộ này và cáo buộc Nga đẩy cuộc điều tra nêu trên vào bế tắc.

Khổng Hà
.
.
.