WTO đẩy mạnh xử lý tình trạng bảo hộ thương mại

Thứ Tư, 13/12/2017, 09:44
Bước sang ngày làm việc thứ 3 (12-12), Hội nghị Bộ trưởng Tổ chức thương mại thế giới (WTO) lần thứ 11 tại thủ đô Buenos Aires của Argentina vẫn “nóng” bởi những tranh cãi xung quanh các vấn đề hoạt động thương mại công bằng và tình trạng bảo hộ thương mại.

Phát biểu tại phiên họp toàn thể, Tổng Giám đốc WTO Roberto Azevedo đã cảnh báo “mối đe dọa của chủ nghĩa bảo hộ thương mại vẫn đang hiện hữu” và nhấn mạnh rằng "thương mại và công nghệ là những giải pháp" đối với sự phát triển của thế giới. 

Ông Roberto Azevedo lý giải, thương mại được coi là một yếu tố làm đảo lộn thị trường lao động và công nghệ là nguyên nhân chính gây ra sự xáo trộn này. 

Trong bối cảnh nhiều quốc gia thành viên WTO đang đối mặt với nguy cơ phải rời bỏ Thỏa thuận thương mại đa phương đầu tiên với tên gọi Hiệp định tạo thuận lợi cho thương mại (TFA), Tổng Giám đốc WTO cho rằng, các quốc gia thành viên phải tự điều hòa trong từng hoàn cảnh vì lợi ích chung. 

Bởi lẽ, kể từ khi được thông qua hồi cuối tháng 2, đến nay, 112/164 thành viên WTO đã bỏ phiếu thông qua TFA, trong đó nhất trí đơn giản hóa và tiêu chuẩn hóa các thủ tục hải quan để tạo thuận lợi cho dòng chảy hàng hóa lưu thông trên toàn cầu. 

Nếu con đường từ phê chuẩn đến thực hiện bị vướng mắc, doanh nghiệp trên thế giới, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Đó là chưa kể đến những tác động khác bởi lẽ, TFA dự kiến sẽ giúp chi phí thương mại toàn cầu giảm hơn 14% và thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu thêm 0,5 điểm phần trăm/năm.

Báo cáo nghiên cứu của Công ty Luật Gowling WLG của Anh công bố hồi giữa tháng 11 cho thấy, thách thức lớn nhất của thương mại thế giới trong năm 2017 là làn sóng bảo hộ thương mại, trong đó thể hiện rõ ở việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu; Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương và thực hiện chính sách “Nước Mỹ trên hết”. 

Đại biểu các nước tại Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 11 ở Argentina. 

Báo cáo cũng khẳng định, kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vào năm 2008, 60 nền kinh tế lớn nhất thế giới đã áp đặt thêm hơn 7.000 biện pháp bảo hộ thương mại, trong đó Mỹ và EU đưa ra nhiều biện pháp nhất (với hơn 1.000 biện pháp cho mỗi nền kinh tế). Tiếp đó là Ấn Độ, Argentina, Nga và Nhật Bản. 

Dẫn chứng các số liệu từ Ngân hàng Thế giới (WB), Chỉ số tự do kinh tế của Quỹ Heritage và Tổ chức giám sát các chính sách thương mại toàn cầu Global Trade Alert báo cáo cảnh báo, vì gia tăng bảo hộ thương mại nên Mỹ cũng chịu tổn thương không nhỏ. 

Theo kịch bản xấu nhất, kinh tế Mỹ sẽ giảm 2,3% (tương đương 415 tỷ USD) Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hằng năm trong dài hạn.

Chưa hết, xu hướng gia tăng bảo hộ thương mại có thể làm dấy lên một cuộc chiến tranh thương mại mới, tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Bằng chứng mới nhất của nguy cơ này là việc Nhật Bản, Mỹ và EU đang cùng nhau gây sức ép với Trung Quốc về chính sách thương mại. 

Trưa 12-12, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Hiroshige Seko, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Ủy viên Thương mại EU Cecilia Malmstrom đã có các cuộc thảo luận cụ thể xung quanh vấn đề này, trong đó nhấn mạnh đến việc 3 nền kinh tế đưa ra chính sách chung, đề ra các quy tắc mới giúp duy trì chính sách công nghiệp và các hoạt động thương mại công bằng, nỗ lực gây áp lực gián tiếp lên nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. 

Mục tiêu của Mỹ, Nhật Bản và EU là chống lại các chính sách của một số nước có thể làm suy yếu thương mại công bằng và minh bạch. Trước đó, Mỹ đã lần đầu tiên trong vòng 25 năm trở lại đây khởi xướng một cuộc điều tra chống bán phá giá nhôm và thép nhằm vào Trung Quốc. 

Thời gian tới, Mỹ, Nhật Bản và EU còn định mở một cuộc điều tra riêng biệt về vấn đề đánh cắp tài sản trí tuệ và đưa ra các quy định buộc nhà đầu tư nước ngoài phải chuyển giao công nghệ then chốt. 

Trả lời báo giới hôm 11-12, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer chỉ trích việc có quá nhiều thành viên WTO tin rằng có thể nhượng bộ thông qua khiếu kiện mà thiếu tập trung vào đàm phán thương mại. 

Đồng thời, ông Robert Lighthizer cho rằng, không thể duy trì tình trạng các quy định mới chỉ áp dụng với một số nước, còn một số nước khác thì không do tình trạng đang phát triển mà họ tự tuyên bố và rằng không thể thương lượng về các quy định mới của WTO khi mà nhiều quy định hiện nay không được tuân thủ.

Trước những lo ngại như vậy, Malaysia đã gia nhập nhóm 37 nước thành viên WTO kêu gọi một cuộc thảo luận có tổ chức trong WTO về việc tạo thuận lợi cho đầu tư phát triển. Mục tiêu của khuôn khổ này là tăng cường tạo thuận lợi cho đầu tư, tương tự như TFA. Đại diện các nước đang hy vọng, khuôn khổ mới này sẽ chứa một “thực đơn” tốt nhất để tạo điều kiện cho đầu tư xuyên biên giới. 

Trong vai trò chủ nhà, Argentina cũng đã đưa ra một số đề xuất cho hội nghị lần này, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy hệ thống thương mại đa phương cũng như các mục tiêu hướng tới phát triển bền vững. 

Tổng thống Argentina Mauricio Macri còn tiết lộ, trong khuôn khổ hội nghị lần này, Argentina đã nỗ lực mở rộng kết nối thương mại giữa các nước Mỹ Latinh với các đối tác châu Âu, qua đó cho phép tiến tới một thỏa thuận thương mại giữa thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur, gồm Argentina, Brazil, Paraguay, Uruguay và Venezuela) với EU.

Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị lần này do Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Trần Quốc Khánh dẫn đầu. Trong bài phát biểu hôm 11-12, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khẳng định cam kết của Việt Nam đối với hệ thống thương mại đa biên, đồng thời đánh giá cao vai trò của WTO. Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng bày tỏ Việt Nam sẵn sàng nỗ lực cùng với các thành viên khác xử lý các vấn đề của WTO.

Phan Hiển
.
.
.