WHO hối thúc châu Âu duy trì biện pháp mạnh chống COVID-19

Thứ Tư, 29/04/2020, 08:07
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo dịch bệnh COVID-19 vẫn “đặc biệt” nguy hiểm, đồng thời nhấn mạnh châu Âu cần duy trì những biện pháp mạnh. Lời cảnh báo được đưa ra trong bối cảnh nhiều nước ở “Lục địa Già” đang chuẩn bị từng bước nới lỏng các biện pháp hạn chế ứng phó với đại dịch COVID-19.


Trong tuyên bố ngày 27/4, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus hối thúc các nước châu Âu tuân thủ quy trình phát hiện, cách ly, xét nghiệm và điều trị tất cả các bệnh nhân COVID-19 cũng như rà soát những trường hợp có tiếp xúc với người nghi ngờ nhiễm và đã nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh để duy trì số ca nhiễm mới tiếp tục giảm. Người đứng đầu WHO quan ngại đại dịch COVID-19 vẫn đặc biệt nguy hiểm. 

Ông nhấn mạnh những bằng chứng y học từ sớm cho thấy phần lớn người dân trên thế giới dễ bị nhiễm bệnh và điều này có nghĩa là các dịch bệnh có thể dễ dàng tái bùng phát. Tuyên bố của ông Tedros Adhanom Ghebreyesus được đưa ra sau khi các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt mà các nước châu Âu triển khai để ứng phó với dịch COVID-19 đã phát huy hiệu quả, thể hiện qua số người nhiễm mới và tử vong đều giảm. 

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Milan, Italy.

Trước những tín hiệu tích cực nói trên, nhiều nước châu Âu đang chuẩn bị các bước đi tiếp theo để nới lỏng các quy định về hạn chế đi lại và khôi phục các hoạt động kinh tế. Một số nước quyết định dỡ bỏ các biện pháp nghiêm ngặt, trong khi có nhiều nước vẫn thận trọng cân nhắc, đồng thời kêu gọi người dân bình tĩnh.

Tại Tây Ban Nha, sau 10 tuần buộc phải ở trong nhà, trẻ em từ cuối tuần qua đã có thể ra ngoài 1 giờ mỗi ngày, song chỉ cách nhà không quá 1km, không được phép chơi đùa với những trẻ em khác, hay ra ngoài mà không có người  lớn đi kèm. 

Tại Thụy Sĩ, sau 6 tuần đóng cửa, từ ngày 27/4, các cửa hiệu làm đẹp, trung tâm vui chơi giải trí và hệ thống cửa hàng DIY đã mở cửa đón khách. Các cửa hãng mỹ phẩm, tiệm xăm mình hoặc cửa hàng hoa cũng đã khôi phục hoạt động kinh doanh. Tiếp đến, các trường học và cửa hàng không bán đồ ăn sẽ được phép mở cửa từ ngày 11/5, trong khi trường cấp 2 và các trung tâm giải trí sẽ hoạt động trở lại từ ngày 8/6. 

Tại Pháp, từ ngày 11/5, phần lớn hoạt động thương mại có thể được hoạt động trở lại, tuy nhiên, nhà hàng và quán cà phê vẫn chưa được mở và tới nay chưa ấn định thời điểm cụ thể cho hai loại hình kinh doanh này. Chính phủ Pháp sẽ đưa ra quyết định vào cuối tháng Năm. Bộ trưởng Kinh tế và tài chính Pháp Bruno Le Maire cảnh báo mọi sự “hấp tấp” sẽ kéo theo nguy cơ bùng phát làn sóng dịch bệnh thứ hai. 

Đối với Bỉ, chính phủ nước này đã đưa ra kế hoạch rõ ràng về việc dỡ bỏ lệnh phong tỏa trong những ngày tới. Từ ngày 11/5, gần như tất cả các hoạt động thương mại có thể sẽ được hoạt động trở lại. Từ ngày 18/5, các trường học sẽ từng bước được mở cửa trở lại. 

Còn tại Cộng hòa Czech, từ giữa tháng 3, nước này đã đóng cửa đường biên giới, một tháng rưỡi sau, quy định này sẽ được gỡ bỏ một phần. Theo Bộ trưởng Nội vụ Jan Hamacek, kể từ ngày 27/4, công dân châu Âu có thể tới nước này và lưu trú tại đây nhưng không được quá 3 ngày. 

Tại Hungary, Thủ tướng Viktor Orban thông báo sẽ công bố các biện pháp để từng bước dỡ bỏ lệnh phong tỏa nhằm sớm phục hồi nền kinh tế vào đầu tuần này. Tuy nhiên, theo ông Orban, người già và người có bệnh lý nền cần phải tiếp tục ở nhà.

Trong khi đó, Italy đang tỏ ra rất thận trong khi đưa ra các quyết định gỡ bỏ dần lệnh phong tỏa. Theo thông báo mới đây của Thủ tướng Giuseppe Conte, việc mở cửa trường học sẽ chỉ bắt đầu vào tháng 9. 

Cũng theo ông, từ ngày 4/5, các công viên sẽ được mở cửa trở lại, người dân cũng sẽ được đi thăm, gặp gỡ người thân, được phép tụ tập nhưng với số lượng hạn chế và phải giữ khoảng cách an toàn. Ngoài ra, các quán bar, nhà hàng sẽ được phép mở lại vào ngày 4/5, tuy nhiên, chỉ được phép bán đồ ăn mang về. Các quán bar, nhà hàng, các hiệu làm tóc, thẩm mỹ viện… sẽ hoàn toàn được hoạt động trở lại vào ngày 1/6, nhưng phải tuân thủ các biện pháp an toàn. Bên cạnh đó, kể từ ngày 18/5, tất cả các hoạt động thương mại bán lẻ cũng như các viện bảo tàng, các địa điểm văn hóa và thư viện sẽ được mở cửa trở lại. 

Tại Đức, giải bóng đá vô địch quốc gia của nước này được dự kiến khởi động lại vào ngày 8/5. Tuy nhiên, chắc chắn các trận bóng sẽ diễn ra mà không có khán giả và có lẽ các cầu thủ sẽ phải trang bị khẩu trang khi thi đấu trên sân cỏ, đây là khuyến nghị của Bộ Lao động Đức. 

Cùng ngày, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã ban bố áp đặt lệnh phong tỏa trong ba ngày tại 31 tỉnh kể từ ngày 1/5 trong nỗ ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Hồi tuần trước, tại phiên họp thượng đỉnh trực tuyến của Liên minh châu Âu (EU) nhằm phối hợp hành động đối phó với đại dịch COVID-19, lãnh đạo các nước thành viên đã thống nhất lộ trình chung của châu Âu nhằm gỡ bỏ các lệnh phong tỏa và hạn chế đi lại trong EU. 

“Lộ trình gỡ lệnh phong tỏa” là một tài liệu của Ủy ban châu Âu phối hợp với Chủ tịch Hội đồng châu Âu soạn thảo gồm 15 trang, và được coi là kế hoạch chung của liên minh trong việc gỡ lệnh phong tỏa. Tài liệu khuyến nghị các nước thành viên các bước cần thực hiện tuần tự trong lộ trình gỡ lệnh phong tỏa, nhằm phối hợp hành động giảm thiểu các hệ quả tiêu cực của quá trình này đối với các thành viên trong liên minh. 

Theo Ủy ban châu Âu, trước khi gỡ bỏ dần các biện pháp phong tỏa, các nước thành viên cần phải thận trọng đánh giá tác động của mỗi biện pháp dỡ bỏ để chuyển qua giai đoạn tiếp theo. Các biện pháp phong tỏa chung thay thế dần các biện pháp phong tỏa có trọng điểm nhằm vào các nhóm cư dân dễ tổn thương nhất. Các hoạt động kinh tế cũng cần được nối lại từ từ. Các nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2 cũng phải được duy trì, thông qua các chương trình thông tin đến người dân, khuyến khích mọi người duy trì các thói quen giữ gìn vệ sinh và đảm bảo giãn cách xã hội. 

Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo đã nhất trí phối hợp chặt chẽ nhằm đảm bảo việc gỡ lệnh phong tỏa một cách tuần tự và hiệu quả, không làm tái bùng phát dịch bệnh tại “Lục địa Già” này.

Khổng hà (tổng hợp)
.
.
.