Việt Nam đứng trước cơ hội trở thành thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc
- Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc
- Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc chia rẽ về tình hình Iran
- Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc họp khẩn
Với những thành công trong vai trò thành viên không thường trực của HĐBA nhiệm kỳ 2008-2009, cũng như thành tựu nổi bật trong những năm qua, Việt Nam một lần nữa có nhiều lợi thế và cơ hội trở thành thành viên của Hội đồng quyền lực bậc nhất này của LHQ.
Cơ quan quyền lực đảm bảo hòa bình và an ninh toàn cầu
LHQ chính thức ra đời ngày 24-10-1945, tuy vậy, Đại hội đồng LHQ đầu tiên, với sự tham dự của đại diện 51 nước, mãi đến ngày 10-1-1946 mới được tổ chức.
Tới năm 2011, có 193 quốc gia thành viên LHQ, gồm tất cả các quốc gia độc lập được thế giới công nhận. LHQ, với mục đích duy trì hòa bình và an ninh trên thế giới, phát triển các mối quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc và tiến hành hợp tác quốc tế giữa các nước trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc bình đẳng và quyền tự quyết của các dân tộc, được cấu thành bởi sáu cơ quan chính, trong đó HĐBA là cơ quan chịu trách nhiệm chính về duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.
Thông qua các nghị quyết của mình, HĐBA có thẩm quyền thiết lập hoạt động gìn giữ hòa bình, ban hành các biện pháp trừng phạt quốc tế hoặc cho phép hành động quân sự.
Trong khi các cơ quan khác chỉ có thể đưa ra các quyết định mang tính khuyến nghị và tạo dư luận chính trị thì các quyết định của HĐBA có tính cưỡng chế thực hiện dựa trên cơ sở sự đồng ý chấp nhận và thực thi của các nước thành viên.
Vì vậy, HĐBA là cơ quan có thực quyền nhất của LHQ. Hội đồng Bảo an LHQ hiện gồm 15 thành viên, trong đó ngoài 5 ủy viên thường trực là Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc và Mỹ, 10 nước thành viên không thường trực còn lại được phân bổ cho mỗi khu vực với định mức như sau: 2 ghế cho các khu vực châu Phi, châu Á, châu Mỹ và Tây Âu, 01 ghế cho Đông Âu, và 1 ghế còn lại luân phiên giữa châu Phi và châu Á.
Cán bộ, chiến sỹ của Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình chụp ảnh cùng các em nhỏ tại Bentiu, Nam Sudan. |
Nhiệm kỳ của mỗi ủy viên không thường trực là hai năm, với mỗi một năm được thay thế và bầu mới 50% số thành viên. Để trở thành ủy viên không thường trực của HĐBA, mỗi nước phải đạt tối thiểu 2/3 số phiếu bầu của các nước thành viên LHQ có mặt và tham gia bỏ phiếu tại phiên họp Đại hội đồng.
Nước vừa mãn nhiệm sẽ không được bầu lại tại nhiệm kỳ kế tiếp. Việc tham gia HĐBA LHQ là cơ hội để các nước nâng cao vị thế trên trường quốc tế và có khả năng đề xuất, tham gia quyết định các vấn đề quan trọng liên quan đến khu vực và thế giới.
Các ủy viên không thường trực của HĐBA hiện tại gồm Bờ Biển Ngà, Peru, Ba Lan, Guinea Xích Đạo, Kuwait (nhiệm kỳ đến năm 2019), các nước Bolivia, Ethiopia, Kazakhstan, Hà Lan, Thụy Điển (nhiệm kỳ kết thúc vào năm 2018).
Mối quan hệ Việt Nam - LHQ
Quá trình 32 năm Việt Nam tham gia LHQ (từ ngày 20-9-1977), trải qua nhiều giai đoạn, những năm 1977-1986, thời điểm Việt Nam chính thức gia nhập LHQ với muôn vàn khó khăn, vừa phải giải quyết những hậu quả nặng nề của chiến tranh, vừa phải tổ chức lại nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu và từng bước khôi phục sản xuất, đến những năm 1986-1996 với bước chuyển mình lớn của Việt Nam khi thực hiện đường lối Đổi mới...cho đến ngày nay.
Trong những năm gần đây, Việt Nam tham gia ngày càng đầy đủ và thực chất hơn vào các cơ chế hoạch định chính sách của LHQ. Việt Nam đã không chỉ thực hiện tốt nhiệm vụ thu hút viện trợ của các tổ chức phát triển LHQ mà còn chủ động xây dựng các hình thức hợp tác và tham gia vào các tổ chức này.
Mô hình hợp tác 3 bên (ban đầu giữa Việt Nam, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO) và Senegal về trồng lúa) đã được mở rộng và áp dụng rộng rãi, được coi là hình mẫu cho hợp tác Nam - Nam.
Tháng 6-2014, Việt Nam lần đầu tiên cử lực lượng tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ tại Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi, với những kết quả được cộng đồng quốc tế đánh giá hết sức tích cực.
Sự hợp tác giữa Việt Nam và LHQ là một ví dụ điển hình về hợp tác phát triển giữa các nước thành viên LHQ cũng như về vai trò của LHQ trong việc thúc đẩy hợp tác quốc tế nhằm giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội, văn hóa và nhân đạo.
Tuy tổng số tiền viện trợ của LHQ dành cho Việt Nam trong hơn 30 năm qua chỉ hơn 2 tỉ USD nhưng đã có ý nghĩa hết sức to lớn vì LHQ tập trung hỗ trợ nhiều lĩnh vực thiết yếu về phát triển kinh tế, xây dựng thể chế, pháp luật, giải quyết nhiều vấn đề xã hội cấp bách, đặc biệt là trong những giai đoạn khó khăn nhất sau chiến tranh trong điều kiện bị bao vây, cấm vận.
Sự hợp tác này đã đạt được những kết quả tốt và có tác dụng tích cực, đáp ứng được yêu cầu của Việt Nam về phát triển kinh tế-xã hội trong từng giai đoạn.
Những kết quả này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho những nỗ lực chung của Việt Nam và LHQ trong việc khắc phục những mặt còn tồn tại, mở rộng và nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác hai bên, hỗ trợ tích cực cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa Việt Nam và góp phần nâng cao vai trò của LHQ trong thời kỳ mới.
Việt Nam đứng trước cơ hội sau 10 năm
Từng trải qua những năm tháng chiến tranh ác liệt, trỗi dậy để giành lấy độc lập, tự do, Việt Nam hiểu rõ được mặt trái của chiến tranh và sự cần thiết phải duy trì hòa bình, an ninh.
Trong bối cảnh thế giới hiện nay với nhiều điểm nóng phức tạp, HĐBA cũng như các nước thành viên đang bị đè nặng trên vai gánh vác những nhiệm vụ nặng nề.
Việt Nam, với tư duy mới về đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, chuyển mạnh từ “tham gia tích cực” sang “chủ động và tích cực đóng góp, xây dựng, định hình các thể chế đa phương”, đã nỗ lực cùng các quốc gia trong khu vực và quốc tế xây dựng và thực hiện các cơ chế hợp tác, tham gia các diễn đàn đa phương; có tiếng nói ngày một lớn trong khu vực và trường quốc tế, tổ chức thành công Hội nghị APEC, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ Triều Tiên lần thứ hai...
Việt Nam cũng từng là ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2008-2009. Dù là lần đầu tiên tham gia vào cơ quan quan trọng nhất của LHQ về hoà bình, an ninh quốc tế trong bối cảnh HĐBA phải xử lý khối lượng công việc đồ sộ do xuất hiện nhiều vấn đề an ninh phức tạp, thêm vào đó là những thách thức an ninh toàn cầu mới và tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu trầm trọng nhất lịch sử thế giới hiện đại, nhưng Việt Nam đã có những đóng góp tích cực vào nỗ lực chung xử lý xung đột ở một số khu vực, tăng cường hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ, có sáng kiến cụ thể về tăng cường vai trò của phụ nữ trong lĩnh vực hòa bình và an ninh.
Tháng 5-2018, nhóm các nước châu Á - Thái Bình Dương đã nhất trí đề cử Việt Nam vào vị trí ủy viên không thường trực và Việt Nam sẽ tham gia cuộc bỏ phiếu vào ngày 7-6-2019.
Với kinh nghiệm trong quá khứ và những thành công gần đây, Việt Nam đang đứng trước cơ hội trúng cử thành viên không thường trực HĐBA, nhất là khi Việt Nam là ứng cử viên duy nhất của khu vực châu Á - Thái Bình Dương mà không có đối thủ.