Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc họp khẩn

Thứ Sáu, 23/08/2013, 09:34
Cuộc nội chiến kéo dài hơn 2 năm qua ở Syria đang bước sang một giai đoạn mới khi các thông tin trên báo chí phương Tây cho rằng, vũ khí hóa học đã được sử dụng. Cụ thể, 1.300 người được cho là thiệt mạng trong một vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở khu vực Ghouta, ngoại ô thủ đô Damascus. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) đã có phiên họp khẩn cấp trong khi cả Mỹ và Nga đều kêu gọi cần phải thành lập một ủy ban điều tra độc lập về vụ việc nghiêm trọng này.

Ngày 22/8, lực lượng đối lập ở Syria tiếp tục yêu cầu đoàn thanh sát viên vũ khí hóa học của LHQ điều tra về các vụ tấn công lực lượng này của quân đội chính phủ. Lực lượng đối lập Syria cáo buộc chính quân đội chính phủ đã sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc tấn công ở Ghouta làm 1.400 người thiệt mạng.

Tuy nhiên, trên thực tế, chưa rõ là lực lượng nào thực hiện vụ tấn công này ngoại trừ những lời cáo buộc lẫn nhau từ hai phía. Tại thủ đô Paris, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cho rằng, cộng đồng quốc tế cần phải lên án thủ phạm gây ra vụ tấn công bằng vũ khí hóa học. Đồng thời, ông Laurent Fabius cũng kêu gọi Chính phủ Syria cho phép các nhà hoạt động được tiếp cận khu vực Ghouta để tìm hiểu thông tin.

Cùng với Mỹ, Anh và 32 quốc gia khác, Pháp cũng kêu gọi trưởng nhóm thanh sát viên của LHQ Ake Sellstrom mở cuộc điều tra về vụ việc này càng nhanh càng tốt. Trước đó, tại New York (Mỹ), Hội đồng Bảo an LHQ đã triệu tập phiên họp kín theo đề xuất của một số nước thành viên gồm Anh, Pháp, Mỹ, Luxemburg và Hàn Quốc.

Phát biểu trước báo giới sau cuộc họp, Đại sứ Argentina tại LHQ Maria Cristina Perceval khẳng định, Hội đồng Bảo an LHQ cho rằng cần phải làm rõ những gì đã xảy ra trong vụ tấn công nói trên, nhưng không yêu cầu nhóm chuyên gia LHQ đang ở Syria mở cuộc điều tra về nó. Bà Maria Cristina Perceval còn cho biết thêm rằng, các thành viên Hội đồng Bảo an hoan nghênh lời kêu gọi mở cuộc điều tra của Tổng Thư ký Ban Ki-moon và cũng muốn có một cuộc điều tra công bằng, chuyên nghiệp về thông tin này như đại diện của Nga đã đề xuất.

Hình ảnh về các nạn nhân của vụ tấn công bằng vũ khí hóa học do lực lượng đối lập Syria cung cấp cho báo chí nước ngoài. Câu hỏi được đưa ra là liệu đây có phải là sự thật hay chỉ là cách để mở rộng đường cho Mỹ và phương Tây thực hiện chiến dịch quân sự .

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Alexander Lukashevich nói rằng, các cáo buộc dường như là một nỗ lực nhằm tạo cớ bằng mọi cách để đề nghị Hội đồng Bảo an LHQ đứng về phe chống đối chính quyền và điều này làm giảm cơ hội triệu tập Hội nghị Geneva về vấn đề Syria.

Cùng ngày, nhật báo "Stuttgarter Zeitung" của Đức trích lời Thủ tướng Angela Merkel cho biết, nếu những cáo buộc về việc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria là đúng thì đây sẽ là "một tội ác ghê sợ". Tuy nhiên, bà Angela Merkel vẫn loại trừ khả năng cung cấp vũ khí cho phe đối lập Syria.

Trở lại vụ tấn công bằng vũ khí hóa học nói trên, cho đến chiều 22/8, vẫn chỉ có thông tin một chiều từ Liên minh dân tộc Syria, nhóm đối lập chính ở nước này. Điều đáng nói là nhóm này vẫn thường xuyên nhận được sự ủng hộ của Mỹ và các nước phương Tây nên ngay sau khi đưa ra lời cáo buộc, cũng chính Liên minh dân tộc Syria đã cho công bố các đoạn băng video chưa được kiểm chứng cho thấy cảnh các bác sĩ cấp cứu trẻ em bị ngạt thở tại những bệnh viện tràn ngập bệnh nhân.

Một số đoạn video khác quay cảnh hàng chục thi thể nằm trên mặt đất, trong đó có nhiều trẻ em. Nhiều hãng thông tấn nước ngoài đã lấy lại thông tin này, giật tít rằng, Chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học, gây ra phản ứng trái ngược nhau của dư luận quốc tế về vấn đề này.

Về phía Syria, chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad đã bác bỏ những thông tin này và khẳng định đây là “luận điệu giả tạo”, được lực lượng đối lập đưa ra nhằm làm chệch hướng chú ý của các thanh sát viên LHQ. Được biết, nhóm điều tra của LHQ đã tới thủ đô Damascus hôm 18/8 và có thể thực hiện công tác điều tra vũ khí hóa học ở Syria trong 2 tuần.

Nhiệm vụ của nhóm này không chỉ điều tra về những cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học của cả hai phía lực lượng đối lập và quân đội chính phủ, mà còn kiểm chứng lại thông tin mà một nhà khoa học Syria sống lưu vong cung cấp cho Mỹ và các nước phương Tây khiến họ sử dụng thông tin này để chống lại chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.

Hồi tháng 5, Đài truyền hình Al-Jazeera từng đưa tin do nhà khoa học này cung cấp cho biết, kho vũ khí hóa học của Syria bao gồm 700 tấn sarin cùng với một số lượng không xác định khí độc ipêrít, ít nhất 3.000 quả bom có thể chứa đầu đạn hóa học và hơn 100 đầu đạn hóa học có thể đưa lên tên lửa Scud

Phan Hiển
.
.
.