Viện sĩ Nga tuyên bố SARS-CoV-2 sẽ tồn tại mãi mãi cùng con người

Thứ Hai, 06/04/2020, 08:36
Một viện sĩ hàn lâm, cũng là chuyên gia hàng đầu của Nga về virus học, khẳng định SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 sẽ cùng tồn tại với con người rất lâu nữa và có thể lây nhiễm cho 70% dân số thế giới.

"Chúng ta cần hiểu rằng chủng virus này không chỉ đến với chúng ta mỗi ngày hôm nay, đến mùa hè hoặc mùa thu tới. Nó đã đến và sẽ ở lại rất, rất nhiều năm, thậm chí vĩnh viễn", Sputnik ngày 5/4 dẫn lời viện sĩ Nga Vitaliy Zverev cho biết.

Hình thù của virus SARS-CoV-2. Ảnh: ITN

Theo chuyên gia hàng đầu về virus học  Nga, có đến 70% người dân toàn cầu có nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2. Vì vậy, nhân loại cần học cách sống chung với virus như đã sống chung với virus cúm mùa bởi đó là biện pháp duy nhất giảm thiểu thiệt hại của dịch bệnh.

Từ khi khởi phát ở Vũ Hán, Trung Quốc tháng 12 năm ngoái, SARS-CoV-2 nay xuất hiện ở 208 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu, với số ca nhiễm vượt 1.270.000 và gần 69.000 người tử vong.

Ban đầu, một  số nhà khoa học nhận định dịch COVID-19 sẽ kết thúc vào mùa hè khi bán cầu Bắc nóng lên do tin rằng virus SARS-CoV-2 không sinh sống được trong điều kiện thời tiết ấm nóng, song các chuyên gia Anh cho rằng tuyên bố trên chưa hẳn đã đúng.

"Chúng tôi hoàn toàn không biết điều đó. Khi bạn nghe mọi người nói rằng thời tiết ấm lên và dịch COVID-19 sẽ biến mất  thì đó là một sự kết luận rất vô nghĩa", tạp chí New Scientist dẫn lời chuyên gia Trudie Lang tại Đại học Oxford (Anh).

Chuyên gia Michael Ryan, giám đốc điều hành Chương trình y tế khẩn cấp của WHO cách đây vài tuần cũng khẳng định không có bằng chứng cho thấy dịch COVID-19 sẽ suy yếu vào mùa hè như bệnh cúm. "Chúng tôi có hy vọng nó sẽ như thế (virus suy yếu vào mùa hè). Đó sẽ là ơn trời. Nhưng chúng tôi không thể nói thế. Và không có bằng chứng hiện tại cho thấy việc đó sẽ xảy ra", ông Ryan nói.

Trong khi đó, một kết quả cuộc thử nghiệm của các nhà khoa học thuộc chính phủ Mỹ cho thấy SARS-CoV-2 có thể tồn tại trong không khí tối đa ba giờ và tối đa ba ngày trên một số bề mặt, chứng minh khả năng sống sót rất tốt của virus này.

Những tuần qua, các nước trên thế giới đều đang nỗ lực phát triển vaccine và thuốc điều trị chống COVID-19, dù quá trình này sẽ tốn thêm nhiều tháng nữa. Các nhà khoa học nói rằng nhân loại cần nỗ lực giảm tốc độ lây nhiễm để có thời gian cho vaccine, bởi đây là phương pháp tối ưu nhất chống lại dịch bệnh.

Theo Health24, có tín hiệu tốt cho công cuộc phát triển vaccine chống SARS-CoV-2 là loại virus này biến đổi rất chậm, ít biến chủng, nên các nhà khoa học có thể phát triển vaccine tiêm một lần thay vì vaccine cập nhật thường xuyên như trường hợp của cúm mùa.

Thiện Nhân
.
.
.