Vì sao Pháp không dùng chiến thuật "quả bom nước" chữa cháy Nhà thờ Đức Bà Paris?

Thứ Ba, 16/04/2019, 10:32
Mặc dù Chính phủ Pháp xác nhận cấu trúc của Nhà thờ Đức Bà Paris đã được bảo vệ nguyên vẹn sau vụ cháy xảy ra vào tối 15-4, thế nhưng những thiệt hại mà vụ cháy gây ra vẫn khiến người dân Pháp và thế giới sững sờ. 


Nhà thờ Đức Bà Paris, biểu tượng và niềm tự hào của nước Pháp, bỗng chốc bị chìm trong biển lửa khi một vụ cháy bất ngờ bùng phát tại đây vào khoảng 18h50 phút ngày 15-4 giờ địa phương (tức 23h50 phút cùng ngày giờ Hà Nội).

Hơn 400 lính cứu hỏa đã được điều động và ngay lập tức triển khai mọi phương án để khống chế ngọn lửa, cứu lấy công trình lịch sử nổi tiếng này. Lực lượng cứu hộ đã phải chạy đua với thần lửa và thời gian. Thế nhưng một tiếng sau, ngọn tháp của nhà thờ vẫn bị sụp đổ.

Đỉnh ngọn tháp nhà thờ cháy rụi, sụp đổ trong đám cháy. Ảnh: Getty

Mặc dù sau đó ngọn lửa đã được kiểm soát, song vụ cháy đã khiến 2/3 đỉnh mái của nhà thờ bị phá hủy hoàn toàn. Phần đỉnh ngọn tháp nhà thờ đã bị ngọn lửa nuốt trọn và sụp đổ trong màn đêm trước sự chứng kiến đầy đau đớn của người dân Paris.

Lực lượng cứu hỏa cho rằng chính công tác sửa chữa đang tiến hành bên trong khu vực này có thể đã "vô tình" gây ra vụ cháy tại Nhà thờ Đức Bà Paris, mang lại những tổn thất lớn cả về vật chất lẫn tinh thần. 

Bên cạnh đó, hệ thống kèo đỡ phần mái nặng tới 200 tấn của Nhà thờ Đức Bà rất phức tạp và được tạo bởi nhiều loại gỗ khác nhau, nhưng chủ yếu là gỗ sồi - loại vật liệu dễ bắt lửa, cũng dễ là nguyên nhân khiến đám cháy lan nhanh.

Lý giải việc lực lượng cứu hỏa mất nhiều giờ để dập tắt đám cháy gây ra tổn thất nặng nề, Daily Mail cho biết, bên cạnh cấu trúc phức tạp của tòa nhà, lực lượng cứu hỏa Paris cũng đã không thể sử dụng chiến thuật dập cháy đặc biệt do lo ngại làm hư hỏng thêm tòa nhà.

 Hình ảnh mô phỏng chiến thuật có tên Canadair. Ảnh: The Local

Cụ thể, chiến thuật có tên Canadair mô tả việc sử dụng "quả bom nước" để dập tắt đám cháy từ trên cao. Tuy nhiên, việc này có thể khiến những phần còn lại của công trình bị hư hại và khiến nhiều người bị thương.

"Một chiếc máy bay Canadair sẽ thả 6 tấn nước với tốc độ cao xuống mặt đất. Việc này có thể làm bị thương một hoặc nhiều người có mặt quanh công trình và đây là lý do vì sao biện pháp can thiệp này ít được dùng trong các vùng đô thị", trang Le Monde giải thích.

Trước đó, trong một bài đăng trên Twitter, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra gợi ý "dùng máy bay chở nước tốc độ cao" để dập tắt đám cháy tại Nhà thờ.

Phó Thị trường Paris Emmanuel Gregoire mô tả vụ cháy đã gây ra "thiệt hại to lớn". Tổng thống Pháp Macron cũng đã hủy buổi trao đổi về chính sách trên truyền hình để đến hiện trường, đồng thời kêu gọi người dân chung tay xây dựng lại di sản này.

Sau khi ngọn lửa được kiểm soát, ông André Finot, người phát ngôn của Nhà thờ Đức Bà Paris, cho biết các di vật tôn giáo linh thiêng được bảo quản an toàn trong nhà thờ và không có nguy cơ bị cháy. Theo Quốc vụ khanh Bộ Nội vụ Laurent Nunez, cấu trúc của Nhà thờ có niên đại 850 năm đã được bảo vệ nguyên vẹn, bao gồm cả tòa tháp chuông phía bắc.

Nhà thờ Đức Bà Paris được bắt đầu xây dựng vào năm 1163 dưới thời vua Louis VII tại đảo Ile de la Cite trên sông Seine và được hoàn thiện sau đó gần 200 năm.

A.Nhien
.
.
.