Vì sao EU ngừng mua vaccine COVID-19 của AstraZeneca?
- "Nhà thuốc COVID-19 của thế giới" lên tiếng về bản quyền vaccine
- AstraZeneca trong cơn bão rơi rớt niềm tin
- Bắt đầu cuộc chiến pháp lý giữa EU và AstraZeneca
Thông tin EU ngừng mua vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm Anh - Thuỵ Điển AstraZeneca đã được xác nhận bởi ông Thierry Breton, Uỷ viên phụ trách Công nghiệp và Thị trường nội địa của khối.
Trả lời phỏng vấn trên đài phát thanh Pháp, ông Thierry Breton cho hay, EU dự tính sẽ đẩy mạnh việc đặt mua vaccine sử dụng công nghệ ARN thông tin như của Pfizer/BioNTech hay Moderna, vốn được đánh giá là đạt hiệu quả rõ rệt trong việc chống lại các biến thể virus từ Brazil hay Nam Phi.
EU tuyên bố ngừng gia hạn hợp đồng mua vaccine của AstraZeneca. Ảnh: FT montage/Bloomberg. |
Hôm 9/5, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen thông tin rằng, EU đã chính thức hoàn tất hợp đồng mua 1,8 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech cho 2 năm tới, khẳng định sẽ đạt được mục tiêu tiêm chủng đã đề ra ban đầu.
Giới chuyên gia đánh giá, việc EU ngừng mua vaccine sản xuất bởi AstraZeneca cho thấy mối quan hệ "tụt dốc không phanh" giữa hai bên, kể từ khi hãng dược phẩm này không thể giao đủ đơn hàng cho khối như cam kết trong hai hợp đồng đặt hàng hồi tháng 11/2020 và hồi tháng 1 vừa qua.
Ngoài việc không giao hàng đúng lộ trình, nhiều nước cũng bày tỏ lo ngại về các phản ứng phụ mà người dân gặp phải sau khi tiêm vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm này. Một số nước như Đan Mạch, Na Uy đã ngừng sử dụng vaccine AstraZeneca và đa số các nước khác trong khối chỉ tiêm vaccine này cho người trên 55 tuổi.
Được biết, EU hôm 26/4 đã khởi động một quy trình pháp lý nhằm khởi kiện AstraZeneca với cáo buộc không tôn trọng hợp đồng giữa hai bên và không có một kế hoạch “đáng tin cậy” nhằm đảm bảo việc chuyển giao vaccine diễn ra đúng thời hạn. Quyết định này nhận được sự ủng hộ của 27 quốc gia thành viên trong khối.