Bắt đầu cuộc chiến pháp lý giữa EU và AstraZeneca

Thứ Tư, 28/04/2021, 09:05
Sau những tranh cãi kéo dài liên quan đến nguồn cung vaccine ngừa COVID-19, hôm 26/4 (giờ địa phương), Liên minh châu Âu (EU) đã khởi động một quy trình pháp lý nhằm khởi kiện AstraZeneca.

Nhà sản xuất vaccine Anh  - Thụy Điển này đã ngay lập tức chỉ trích quyết định của EU, đồng thời tuyên bố sẽ làm hết sức để bảo vệ công ty trước tòa án.

Trong một tuyên bố, Ủy ban châu Âu - cơ quan hành pháp của EU - cho biết, khối này quyết định khởi kiện AstraZeneca vì công ty dược phẩm này không tôn trọng hợp đồng giữa hai bên và không có một kế hoạch "đáng tin cậy" nhằm đảm bảo việc chuyển giao vaccine diễn ra đúng thời hạn.

Theo người phát ngôn Ủy ban châu Âu, quyết định của cơ quan này nhận được sử ủng hộ của 27 quốc gia thành viên trong khối. Quyết định khởi kiện AstraZeneca của EU đánh dấu sự gia tăng căng thẳng sau những tranh cãi kéo dài nhiều ngày qua giữa hai bên liên quan đến nguồn cung vaccine ngừa COVID-19.

Những tranh cãi trong vấn đề chuyển giao vaccine giữa EU và AstraZeneca phát sinh sau khi hãng dược phẩm này tuyên bố cắt giảm 60% số lượng vaccine cung cấp cho Liên minh châu Âu trong quý 1 năm 2021. Lý do được hãng này đưa ra là vì trục trặc trong vấn đề sản xuất. Vụ việc đã khiến chiến dịch tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 tại nhiều nước thành viên EU bị chậm lại.

Một số nước thành viên khối này đã chỉ trích AstraZeneca, cho rằng việc chậm trễ cung cấp vaccine phần nào cho thấy hãng này đang thiên vị đối với Anh. Theo hợp đồng, khoảng 80 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 của AstraZeneca sẽ được chuyển giao cho EU trong quý I năm nay song đến nay, khối này mới nhận được 30 triệu liều. Cuộc chiến pháp lý giữa EU và AstraZeneca bắt đầu trong bối cảnh những bế tắc xã hội tại châu Âu tiếp diễn vì các hoạt động kinh tế bị đình trệ, trong khi số ca bệnh và tử vong tăng nhanh.

Tiêm chủng diện rộng - phương cách duy nhất nhằm nhanh chóng thoát khỏi cuộc khủng hoảng, không đạt mục tiêu như các chính phủ đã từng kỳ vọng. Một câu hỏi được đặt ra là tại sao một năm sau làn sóng dịch COVID-19 đầu tiên, EU lại tạo ấn tượng như đang quay trở lại vạch xuất phát? Điều gì đã khiến Lục địa già rơi vào tình trạng này?

Vaccine AstraZeneca. Ảnh: Thepenisularqatar

Nhà dịch tễ học Antoine Flahault, Giám đốc Viện Y tế toàn cầu thuộc Trường Đại học tổng hợp Geneva (Thụy Sĩ), chỉ ra rằng tình hình hiện nay là một phần rủi ro của chiến lược mà EU đã áp dụng, là cố gắng kiểm soát sự lây lan của COVID-19, thay vì hướng tới mục tiêu diệt trừ virus và các chính phủ châu Âu đã chấp nhận vòng quay "tái phong tỏa - dỡ phong tỏa" lặp đi lặp lại.

Trong khi đó, bác sĩ kiêm nhà nghiên cứu dịch tễ Michael Rochoy cho rằng, một lựa chọn nguy hiểm hơn dẫn đến thất bại, đó là thiếu các mục tiêu định lượng.

Theo ông, ngoài con số 5.000 ca nhiễm mới/ngày được Pháp đặt ra cho lần phong tỏa thứ hai vào mùa thu 2020 nhưng cũng chưa bao giờ đạt được, Pháp và EU chủ yếu "vùng vẫy" mà không có mục tiêu cụ thể, dẫn đến sự mơ hồ về các biện pháp đối phó cũng như thời gian áp dụng.

Ông Michael Rochoy nhận xét: "Các quốc gia đã sống theo biểu đồ lên xuống của dịch bệnh, liên tục thích ứng với chúng thay vì cố gắng vượt lên phía trước".

Làn sóng đầu tiên của một loại virus chưa hề được biết đến ập tới bất ngờ với cường độ mạnh tại châu Âu mùa xuân 2020 khiến các chính phủ lúng túng là điều có thể hiểu được. Tuy nhiên, một năm sau đó, các chuyên gia dịch tễ đã thực sự hối tiếc vì các chính phủ đã không hành động triệt để vào mùa hè 2020, sau làn sóng dịch đầu tiên.

Ông Michael Rochoy nhận định sai lầm cơ bản mà châu Âu mắc phải bắt nguồn từ tháng 6-2020, khi các quốc gia không lựa chọn chiến lược "sống không có virus SARS-CoV-2", như Trung Quốc, Hàn Quốc hay Nhật Bản đã làm sau khi thoát khỏi làn sóng dịch bệnh đầu tiên. Bên cạnh đó, các chính phủ đã không áp dụng bất kỳ biện pháp mới nào trong giai đoạn từ tháng 7/9/2020, khi số ca nhiễm mới vẫn tăng tuy ở tốc độ chậm.

Nhưng những bài học trên chưa đủ để châu Âu thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng. Làn sóng dịch thứ ba tràn đến vào mùa xuân 2021, lục địa già dường như đang phải trả giá cho sự chậm chạp của chiến dịch tiêm chủng.

Nhà dịch tễ học Antoine Flahault lấy làm tiếc khi EU đã không dám chấp nhận "những rủi ro tài chính và công nghiệp" vào mùa xuân năm ngoái như Mỹ, Nga và Trung Quốc đã làm trong cuộc đua bào chế vaccine ngừa COVID-19, cũng như đã không quyết tâm "thể hiện tham vọng" trong cuộc chiến chống lại đại dịch một cách phù hợp với trình độ phát triển của mình.

Sự chậm trễ của EU trước hết liên quan đến một thất bại chính sách, như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã phân tích trong cuộc phỏng vấn được kênh truyền hình Hy Lạp ERT phát sóng cuối tháng 3 khi ông thừa nhận: "Chúng ta đã không đi đủ nhanh, đủ mạnh. Không nghi ngờ gì nữa, chúng ta ít mơ về những vì sao hơn một số người khác. Chúng ta đã sai khi thiếu tham vọng. EU đã nhầm tưởng rằng việc phát triển một loại vaccine sẽ mất nhiều thời gian hơn".

Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cũng lưu ý rằng EU đã "đánh giá thấp những khó khăn liên quan đến sản xuất hàng loạt và quá tự tin về việc cung cấp kịp thời các liều vaccine đã đặt hàng".

Lý do thứ hai liên quan tới tiến trình tham vấn kéo dài hàng tuần trước khi Ủy ban châu Âu quyết định ký kết các hợp đồng vaccine. Mục tiêu là tránh cạnh tranh giữa các quốc gia thành viên và hỗ trợ các quốc gia nghèo hơn.

Để làm được như vậy, EU phải có được sự nhất trí của tất cả các thành viên trong việc lựa chọn vaccine, điều làm mất nhiều thời gian và không phải luôn được các bên đàm phán khác chia sẻ.

Trong khi Mỹ ngay từ mùa hè 2020 đã gấp rút đảm bảo tiêu thụ hàng triệu liều cho một số nhà sản xuất vaccine tiềm năng, thì EU lại trì hoãn ký kết các hợp đồng đến cuối năm. Vào giữa tháng 11, công ty công nghệ sinh học Mỹ Moderna đã cảnh báo người châu Âu không được chậm trễ, vì các quốc gia khác đã ký kết sớm sẽ được ưu tiên giao hàng.

EU muốn chắc chắn về nhiều mặt, như sự đảm bảo pháp lý bổ sung từ các hãng dược phẩm, bên mong muốn chia sẻ rủi ro tài chính trong trường hợp người tiêm vaccine khiếu nại về tác dụng phụ. Các cuộc đàm phán phức tạp khiến việc giao hàng tiếp tục bị trì hoãn. Nguyên nhân cuối cùng khiến EU bị thua trong cuộc chiến vaccine ngừa COVID-19 nằm ở việc thiếu đầu tư vào nghiên cứu khoa học.

Theo Công ty Airfinity chuyên về phân tích phát triển khoa học, Anh và Mỹ đã chi nhiều hơn khoảng 7 lần, tính trên quy mô dân số, so với EU để phát triển, mua và sản xuất các loại vaccine này.

Khổng Hà
.
.
.