Nga cảnh báo khi Ukraine đòi vào NATO
- “Nóng” trở lại tình hình miền Đông Ukraine
- Nga cảnh báo Ukraine sẽ bị "hủy hoại" nếu xới lại cuộc chiến miền Đông
- Xe khách lao xuống mương, hàng chục người Ukraine thương vong
Thông tấn Nga TASS cho hay, trong cuộc điện đàm với Tổng Thư ký NATO Jens Stotenberg, Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky ngày 6/4 bất ngờ tuyên bố việc Ukraine trở thành thành viên của khối quân sự này là cách duy nhất để chấm dứt cuộc xung đột ở miền Đông.
Ông Stotenberg và Tổng thống Ukraine Zelensky trong cuộc gặp năm 2019. Ảnh: AlJazeera |
"Gia nhập NATO là cách duy nhất kết thúc cuộc chiến ở Donbass. Một Kế hoạch hành động tư cách thành viên (MAP) của Ukraine sẽ là tín hiệu thật sự gửi tới Nga", ông Zelensky nói, bày tỏ hi vọng được mời tham gia MAP, một chương trình hỗ trợ các nước muốn gia nhập NATO.
Ông Stotenberg chưa hồi đáp đề nghị của Tổng thống Ukraine, song khẳng định sẽ duy trì các cam kết giữa khối và Kiev.
Cùng ngày, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitri Peskov cảnh báo việc gia nhập NATO sẽ chỉ khiến tình hình ở Ukraine thêm phức tạp. "Chúng tôi nghi ngờ việc Ukraine có thể tự giải quyết vấn đề nội bộ bằng cách nào đó. (Việc gia nhập NATO) sẽ chỉ làm trầm trọng thêm tình hình", ông Peskov nói.
Quan chức Nga cũng cho rằng, nếu "hỏi ý kiến của vài triệu người ở các nước cộng hòa tự xưng" ở miền Đông Ukraine, mọi người "sẽ hiểu rằng việc Ukraine trở thành thành viên của NATO là không thể chấp nhận được đối với những người này".
Căng thẳng gần đây có dấu hiệu leo thang ở miền Đông Ukraine, trong bối cảnh quân đội của chính quyền Kiev và phe ly khai miền Đông liên tiếp khai hỏa về phía đối phương, khiến lực lượng của cả hai bên hứng thiệt hại về người và thiết bị. Cả hai sau đó đổ lỗi cho đối phương về xu hướng đối đầu.
Hôm 30/3, trong cuộc gặp trực tuyến với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo tình hình ở miền Đông Ukraine sẽ leo thang hơn nữa nếu Ukraine không kiềm chế.
Ở chiều ngược lại, Ukraine cáo buộc Nga điều động khí tài gần biên giới. Kiev cũng kêu gọi Mỹ và NATO giúp chống lại Nga. Điện Kremlin không bác bỏ thông tin về các hoạt động quân sự ở biên giới với Ukraine, nhưng nhấn mạnh Moscow không đe dọa ai.
Xung đột vũ trang giữa quân đội Chính phủ Ukraine và các lực lượng đòi độc lập ở miền Đông nước này nổ ra từ năm 2014, với Donbass là chiến trường chính, sau cuộc chính biến lật đổ chính quyền Yanukovich ở Kiev và cùng thời điểm Nga sáp nhập bán đảo Crimea sau một cuộc trừng cầu dân ý.
Kiev lâu nay cho rằng Nga hậu thuẫn và cung cấp vũ khí cho dân quân miền Đông, trong khi Moscow bác bỏ. Năm 2015, lãnh đạo các nước Nga, Pháp, Đức, Ukraine lần đầu nhóm họp theo định dạng 4 bên và thông qua thỏa thuận Minsk về yêu cầu các bên đối địch ở Ukraine ngừng bắn.
Đáng chú ý, theo tinh thần thỏa thuận 2015, các nước thống nhất Ukraine cần cấp quy chế đặc biệt cho vùng Donbass và để các cuộc bầu cử địa phương diễn ra. Tuy nhiên, Kiev gần đây cho thấy họ không sẵn sàng cho việc này.