Trung Quốc rút hợp đồng khí đốt 5 tỷ USD kí với Iran vì lệnh trừng phạt của Mỹ

Thứ Hai, 07/10/2019, 09:45
Tập đoàn dầu khí nhà nước Trung Quốc (CNPC) đã rút khỏi thỏa thuận trị giá 5 tỷ USD xây dựng mỏ khai thác khí đốt lớn ngoài khơi Iran, được cho là vì áp lực từ các lệnh trừng phạt chống Iran của Mỹ.

Thông báo trên được Bộ trưởng Dầu khí Iran Bijan Zangeneh chính thức đưa ra ngày 6-10, theo CNBC. "Trung Quốc không còn trong dự án South Pars", ông Bijan Zangeneh nhấn mạnh, nhưng không nói rõ lí do cho việc rút khỏi dự án của phía Bắc Kinh.

Một giàn khoan khai thác dầu của Iran ở South Pars. Ảnh: ITN

Động thái của CNPC diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc chịu nhiều áp lực từ thương chiến với Mỹ và việc Washington đang tăng cường các lệnh trừng phạt chống Iran nhằm thực hiện chiến dịch "gây áp lực tối đa". Trước đó, tập đoàn dầu khí đa quốc gia Total của Pháp cũng rút khỏi thỏa thuận khai thác khí đốt tại South Pars do các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Theo điều khoản hợp tác liên doanh khai thác ở South Pars, tập đoàn Total của Pháp sở hữu 50,1% cổ phần, CNPC nắm giữ 30% và công ty Petropars của Iran giữ 19,9%. Sau khi Total rút lui, CNPC nắm số cổ phần của tập đoàn Pháp. Nhưng hiện tại, chỉ còn Petropars tự phát triển dự án.

Iran là quốc gia sở hữu nguồn khí đốt tự nhiên lớn thứ hai và đứng thứ tư trên thế giới về trữ lượng dầu mỏ. Phần lớn nguồn khí đốt tự nhiên của Iran được khai thác từ South Pars. Việc Pháp và Trung Quốc rút khỏi dự án này sẽ khiến ngành khai thác dầu khí của Iran gặp khó.

Xuất khẩu dầu khí của Iran nay đã giảm hơn 80% so với giai đoạn cuối năm 2017, sau khi Mỹ áp đặt trở lại gói lại lệnh trừng phạt chống Tehran đồng thời với việc Tổng thống Donald Trump tháng 5-2018 rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân mà Iran kí với các cường quốc năm 2015.

Với mục tiêu giảm lượng dầu xuất khẩu của Iran còn 0%, tháng 5-2019, Mỹ chấm dứt việc miễn trừ trừng phạt đối với 8 quốc gia và vùng lãnh thổ nhập khẩu dầu thô từ Tehran. Danh sách này gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ý, Hi Lạp, Đài Loan (Trung Quốc) và Thổ Nhĩ Kỳ.

Sau khi Mỹ rút khỏi thoả thuận hạt nhân và tái áp lệnh trừng phạt, châu Âu hứa giúp Iran chống đỡ lại các lệnh cấm vận khắc nghiệt của Mỹ. Tuy nhiên, các biện pháp của châu Âu chưa mang lại hiệu quả cụ thể, khiến Tehran từ tháng 5 vừa rồi giảm bớt các cam kết với thoả thuận hạt nhân. Hồi tháng 9, các nước châu Âu đồng ý chi 15 tỷ USD để mua hoặc đặt hàng dầu của Iran nhưng vẫn chưa rõ cách thức tiến hành thỏa thuận.

Thiện Nhân
.
.
.