Trung-Ấn sắp rút quân khỏi khu vực biên giới

Thứ Năm, 12/11/2020, 17:48
Trung Quốc và Ấn Độ cơ bản nhất trí về một quá trình rút quân và phương tiện khí tài theo ba giai đoạn tại các “điểm nóng” tranh cãi ở khu vực Đông Ladakh trên dãy Himalaya.

Lính Ấn Độ canh gác tại một điểm đồn trú trên dãy Himalaya. Ảnh: ITN

Hãng tin Times of India của Ấn Độ ngày 12/11 đưa tin, Ấn Độ và Trung Quốc đã đồng ý về mặt nguyên tắc với một quá trình rút binh sĩ và các khí tài cơ giới khỏi các khu vực đối đầu trên bờ Bắc và Nam của hồ Pangong Tso nằm ở Đông Ladakh, đồng thời tiến hành các bước đi chung nhằm xác minh quá trình rút quân của cả hai phía. 

Đây là nội dung được đại diện hai bên thống nhất trong cuộc đàm phán cấp tư lệnh quân đoàn lần thứ 8 diễn ra hôm 6/11. “Phương thức chính xác và trình tự các bước” cũng như quy trình xác minh việc rút quân đang được quân đội hai bên thảo luận và hoàn thiện. 

Nguồn tin tiết lộ, New Delhi và Bắc Kinh sẽ tổ chức vòng đàm phán thứ 9 trong vài ngày tới, thời điểm hai bên có thể đang cân nhắc ký một thỏa thuận chính thức.

Theo nội dung thỏa thuận đang đàm phán, trong giai đoạn đầu tiên kéo dài ba ngày, hai bên cam kết sẽ rút xe tăng, pháo, xe bọc thép khỏi các điểm đối đầu dọc theo Đường kiểm soát thực tế (LAC) giữa hai nước về các căn cứ nằm sâu phía sau. 

Tiếp theo, binh lính Trung Quốc sẽ rời vị trí “Ngón tay số 4” tại bờ Bắc hồ Pangong Tso, gần nơi xảy ra vụ đụng độ hồi tháng 6, để trở lại vị trí “Ngón tay số 8” (các “ngón tay” là tên gọi của những đỉnh núi dọc theo hồ Pangong Tso); còn quân đội Ấn Độ sẽ rút về đồn Dhan Singh Thapa ở khu vực “Ngón tay số 3” theo hướng Tây. Ấn Độ và Trung Quốc cùng nhất trí khẩn trương rút khoảng 30% binh lính mỗi ngày trong vòng ba ngày. 

Giai đoạn cuối, hai bên rút quân dọc theo bờ Nam hồ Pangong Tso, rồi tổ chức việc xác minh chi tiết kết quả rút quân, làm cơ sở để khôi phục hoạt động tuần tra tại biên giới.

Tờ Economic Times cho biết, Ấn Độ đã triển khai gần 50.000 binh sĩ và nhiều khí tài cơ giới tới Đông Ladakh trên dãy Himalaya trong vài tháng qua. Trung Quốc cũng đã triển khai một lượng binh sĩ tương đương cùng các thiết bị quân sự hạng nặng ở khu vực. 

Với thỏa thuận dự kiến được ký kết, hai bên sẽ chấm dứt sự hiện diện ở quy mô lớn của bình lính và vũ khí tại khu vực; khôi phục nguyên trạng tại đây như trước khi căng thẳng bùng nổ để mở đường cho các cuộc đàm phán khác.

Căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc dọc theo đường biên giới chưa phân định trên dãy Himalaya, vốn âm ỉ nhiều năm, leo thang từ đầu tháng 5, với đỉnh điểm là vụ ẩu đả đẫm máu nhất nhiều thập kỷ hôm 15/6 khiến ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng, còn phía Trung Quốc không thông báo thương vong. 

Sau vụ ẩu đả, hai bên một mặt tăng cường hiện diện quân sự ở biên giới, nhưng cũng tiến hành nhiều vòng đàm phán. Hôm 21/9, Ấn Độ và Trung Quốc ra tuyên bố chung nhất trí không triển khai thêm quân đến biên giới. Ba tuần sau, tại vòng đàm phán thứ 7, hai bên đã bắt đầu thương lượng về khả năng rút quân.

Thiện Nhân
.
.
.