Mặt trận mới trong cuộc đối đầu Trung-Ấn

Chủ Nhật, 26/07/2020, 20:57
Ngay cả khi Ấn Độ và Trung Quốc đã cùng đàm phán để xoa dịu nguy cơ xảy ra một cuộc đụng độ biên giới tại khu vực Himalaya, thách thức tiếp theo của New Delhi từ Bắc Kinh đã nổi lên, cách Ấn Độ hơn 1.000 km, đó là Iran.

Mối quan hệ giữa hai quốc gia đông dân nhất thế giới trở nên bất ổn sau khi 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng trong một cuộc giao tranh với binh lính Trung Quốc vào ngày 15/6 tại khu vực biên giới Ladakh thuộc dãy Himalaya. Đầu tháng này, cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ Ajit Doval và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã đồng ý rút quân khỏi khu vực biên giới tranh chấp.

Trong khi căng thẳng có thể tạm lắng, một cuộc xung đột lợi ích chiến lược ở Iran có thể là một nguồn cơn cho những tranh chấp mới.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh minh họa AP. 

Bắc Kinh có kế hoạch rót 400 tỷ USD cho đầu tư cơ sở hạ tầng ở Iran, một phần của mối quan hệ đối tác kinh tế và an ninh 25 năm, giúp Trung Quốc có nguồn cung dầu thường xuyên, giá thấp hơn, New York Times đưa tin vào ngày 11/7, trích dẫn tập tài liệu dài 18 trang bị rò rỉ về kế hoạch này. Trung Quốc đã từ chối xác nhận hoặc từ chối về báo cáo.

Một động thái như vậy sẽ thúc đẩy tham vọng đã được lên kế hoạch từ lâu của Ấn Độ, đó là đầu tư vào cảng Chabahar hướng ra Ấn Độ Dương của Iran. Dự án này bao gồm xây dựng một tuyến đường sắt từ cảng đến biên giới Iran-Afghanistan giàu tài nguyên, sẽ mở ra các kênh giao dịch đường biển với chi phí thấp hơn cho Ấn Độ vào Trung Á, trong khi các tuyến đường đất liền bị chặn bởi các đối thủ là Pakistan và Trung Quốc.

Tin xấu cho Delhi là Iran đã bỏ Ấn Độ khỏi dự án đường sắt Chabahar, theo báo cáo ngày 14/7 được tờ Hindu trích dẫn. Tuy nhiên, Tehran đã bác tin loại trừ Ấn Độ ra khỏi dự án, tuyên bố rằng không có thỏa thuận nào được ký kết.

Claude Rakisits, chuyên gia về ngoại giao tại Đại học Quốc gia Australia ở Canberra, cho biết, thỏa thuận thương mại Iran-Trung Quốc có liên quan đến việc Ấn Độ bị loại khỏi kế hoạch đường sắt nói trên. “Đây là một chiến thắng rất lớn của Trung Quốc trước Ấn Độ. Nhiều khả năng Iran sẽ từ bỏ Ấn Độ để phát triển Chabahar theo hướng có lợi cho Trung Quốc”, chuyên gia này nói.

Chabahar nằm trên bờ biển phía Nam Iran, là một phần quan trọng của chính sách đối ngoại và chiến lược kinh tế trên biển của Ấn Độ. Lãnh thổ của Pakistan, đối thủ của Ấn Độ, nằm giữa Ấn Độ và Iran, ngăn chặn việc tiếp cận thương mại đường bộ đến Trung Á.

Phunchok Stobdan, cựu đại sứ Ấn Độ tại Kyrgyzstan, cho biết, “từ lâu đã có việc chặn hàng hóa Ấn Độ đi qua Pakistan”. Bắc Kinh ủng hộ Pakistan trong chiến lược này vì Trung Quốc và Ấn Độ, hai nền kinh tế đang phát triển lớn nhất châu Á, đang cạnh tranh ảnh hưởng ở nhiều khu vực tương tự, ông nói. “Trung Quốc luôn ủng hộ Pakistan ngăn chặn Ấn Độ tiếp cận Trung Á. Nếu Trung Quốc muốn, họ có thể cho phép Ấn Độ tiếp cận Trung Á thông qua Tân Cương, nhưng Trung Quốc đang cố gắng ngăn chặn sự tiếp cận của Ấn Độ”, ông Stobdan cho biết.

Vào năm 2015, Pakistan và Trung Quốc đã củng cố “mối thân tình thép” với việc ra mắt Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan trị giá 46 tỷ USD, một khoản đầu tư cơ sở hạ tầng bao gồm hơn 1 tỷ USD cho việc mở rộng Gwadar, một cảng ở miền nam Pakistan, chỉ cách Chabahar 76 hải lý.

Các nhà phân tích cho rằng chính khoản đầu tư vào cảng Gwadar của Trung Quốc đã buộc Ấn Độ phải tuân theo mối quan tâm kéo dài hàng thập kỷ của họ đối với Chabahar.

“Ấn Độ hy vọng rằng Chabahar có thể làm suy yếu ảnh hưởng của Gwadar”, ông Liu Zongyi, Tổng thư ký Trung tâm Nam Á và Trung Quốc tại Viện nghiên cứu quốc tế Thượng Hải cho biết.

Trong chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên tới Iran năm 2016, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã cam kết đầu tư 500 triệu USD để phát triển cảng Chabahar và thêm 20 tỷ USD cho các dự án cơ sở hạ tầng, bao gồm một tuyến đường sắt trị giá 400 triệu USD từ cảng đến thành phố Zahedan của Iran, giáp Afghanistan.

Một số nhà phân tích cho rằng, nếu không có tuyến đường sắt Chabahar-Zahedan, tầm nhìn của Ấn Độ về một tuyến đường trực tiếp đến Trung Á không còn khả thi.

Chính phủ Ấn Độ và Iran đã không đề cập đến Trung Quốc trong các bình luận về các vấn đề của dự án Chabahar, nhưng các nhà phân tích lại coi Bắc Kinh là một yếu tố có liên quan.

Mặc dù chính phủ Iran cho biết nhiều khoản đầu tư của Ấn Độ vào cảng Chabahar vẫn còn nguyên vẹn, nhưng điều này có thể thay đổi. Thỏa thuận 25 năm giữa Iran và Trung Quốc bao gồm các dự án cơ sở hạ tầng tại các cảng, theo báo cáo của The New York Times.

Chuyên gia Liu từ Viện nghiên cứu quốc tế Thượng Hải cho biết, mặc dù thương mại của Trung Quốc với Ấn Độ lớn hơn nhiều so với Iran, nhưng căng thẳng với Delhi đã khiến Trung Quốc chuyển dòng tiền đến các nước như Iran, nơi không có xung đột lợi ích với Trung Quốc. “Do cuộc xung đột biên giới, các doanh nhân Trung Quốc ở Ấn Độ bắt đầu nghi ngờ liệu có nên ở lại nước này hay không, họ sẽ tìm kiếm các lựa chọn khác một cách tự nhiên”, ông nói.

Ông Liu cũng cho biết, Ấn Độ đang “rón rén” thực hiện dự án đường sắt này vì lo ngại Mỹ, nước đang áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt đối với Iran. “Năm ngoái, Ấn Độ đã từ bỏ việc mua dầu của Iran dưới áp lực của Mỹ vì để phát triển quan hệ với Mỹ, họ sẵn sàng hy sinh quan hệ với Iran”, ông Liu phân tích. Trung Quốc đã giảm nhập khẩu từ Iran để đáp lại các lệnh trừng phạt của Mỹ, nhưng họ vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Tehran và đã chống lại yêu cầu của Washington trong cắt giảm nhập khẩu dầu của Iran.

“Trung Quốc muốn ngăn chặn sự tiếp cận của Ấn Độ vì họ lo sợ chỗ đứng của Ấn Độ ở Chabahar sẽ là một sự ủy quyền để Mỹ tiếp cận với Á-Âu, khu vực chính của Sáng kiến Vành đai và con đường của Trung Quốc”, ông Stobdan cho biết. “Trung Quốc đang cố gắng ngăn chặn sự tiếp cận của Mỹ vào khu vực Á-Âu nên hai điểm quan trọng sẽ là Gwadar và Chabahar”.

Ngược lại, sự mở rộng của Trung Quốc tại khu vực Á-Âu cũng khiến Ấn Độ lo lắng. Thủ tướng Modi từng chỉ trích Sáng kiến Vành đai và con đường tại khu vực Kashmir do Pakistan kiểm soát, một vùng lãnh mà Ấn Độ cũng tuyên bố chủ quyền. Ấn Độ từ lâu khuyên các nước nhỏ hơn tránh xa sáng kiến trên nhưng lại không hề có phương án thay thế.

Duy Tiến (Theo SCMP)
.
.
.