Tranh cãi xung quanh thỏa thuận xuyên biên giới “đổi tên nước” của Macedonia

Thứ Bảy, 16/06/2018, 08:24
Sputnik ngày 14-6 đưa tin, phát biểu trên sóng truyền hình quốc gia, Tổng thống Macedonia Gjorge Ivanov tuyên bố sẽ không ủng hộ thỏa thuận về việc đổi tên nước mà Thủ tướng nước này đã ký kết với người đồng cấp Hy Lạp hôm 12-6.


MacedoniaThủ tướng Macedonia Zoran Zaev ngày 14-6 (giờ địa phương) tái khẳng định, việc đổi tên nước từ Cộng hòa Nam Tư cũ Macedonia thành Cộng hòa Bắc Macedonia để tránh trùng lặp với tên một tỉnh miền Bắc của nước láng giềng Hy Lạp, sẽ dọn đường giúp quốc gia Balkan này gia nhập Liên minh Châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) một cách thuận lợi.

Tuy nhiên, sự việc trên vẫn đang vấp phải nhiều chỉ trích và không đồng thuận từ phía Tổng thống Macedonia và một số đảng phái chính trị tại Hy Lạp.

“Thỏa thuận này không thể chấp nhận được”

Sputnik ngày 14-6 đưa tin, phát biểu trên sóng truyền hình quốc gia, Tổng thống Macedonia Gjorge Ivanov tuyên bố sẽ không ủng hộ thỏa thuận về việc đổi tên nước mà Thủ tướng nước này đã ký kết với người đồng cấp Hy Lạp hôm 12-6.

“Thỏa thuận được họ gọi là giải pháp lịch sử thật đáng hổ thẹn và không thể chấp nhận được. Việc này sẽ không thể được hợp pháp hóa vì nó vi phạm Hiến pháp quốc gia và pháp luật”, ông Gjorge Ivanov nhấn mạnh. Không chỉ thể hiện sự phản đối bằng tuyên bố nêu trên, Sputnik còn dẫn một nguồn tin thân cận từ các quan chức Macedonia tiết lộ rằng, Tổng thống Ivanov còn khẳng định sự không nhượng bộ của ông khi bất ngờ rời khỏi cuộc họp với Thủ tướng Zoran Zaev và Ngoại trưởng Nikola Dimitrov của nước này, cũng như từ chối thẳng thừng việc thảo luận về các lợi ích của thỏa thuận đối với tương lai của Macedonia.

Tượng Alexander Đại đế tại quảng trường thủ đô Skopje. Nguồn: exploringmacedonia

Theo kế hoạch, thỏa thuận về việc đổi tên Macedonia, được hai Thủ tướng Macedonia và Hy Lạp thông qua hôm 12-6, sẽ được Ngoại trưởng Skopje và Athens ký kết vào cuối tuần này. Để có hiệu lực, thỏa thuận phải được người dân Macedonia nhất trí trong một cuộc trưng cầu dân ý và được quốc hội cả hai nước thông qua. Hiến pháp hiện hành của Macedonia quy định, Tổng thống chỉ được quyền phủ quyết quyết định của quốc hội duy nhất một lần và không có quyền phủ quyết kết quả trưng cầu ý dân.

Ngay sau khi truyền hình quốc gia Macedonia phát sóng tuyên bố không ủng hộ của Tổng thống Ivanov, tối cùng ngày có tới 1.500 người biểu tình ôn hòa bên ngoài trụ sở quốc hội ở thủ đô Skopje nhằm phản đối việc đổi tên nước thành Cộng hòa Bắc Macedonia. Hơn nữa, thỏa thuận này cũng vấp phải sự phản đối của truyền thông và các đảng đối lập cũng như theo chủ nghĩa dân túy tại Hy Lạp.

Đảng Dân chủ mới theo đường lối trung tả - đảng đối lập chính ở Hy Lạp, cho biết có thể sẽ đề nghị tiến hành một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với chính quyền của Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras. Theo lãnh đạo đảng Dân chủ mới Kyriakos Mitsotakis, thỏa thuận này có vấn đề lớn bởi đa số người dân Hy Lạp đều phản đối và Thủ tướng Tsipras không đủ quyền để ký kết.

Nhiều tờ báo theo đường lối bảo thủ và trung hữu cũng nhận định "thỏa thuận có nhiều khoảng trống và dấu hỏi", thậm chí nhiều người dân còn cho biết họ cảm thấy như vừa bị mất chủ quyền sau chín năm chịu đựng các biện pháp thắt lưng buộc bụng theo ba thỏa thuận cứu trợ tài chính của quốc tế.

“Thỏa thuận là hình mẫu giải quyết tranh chấp”

Khác với những mâu thuẫn chính trị nội bộ của Macedonia và Hy Lạp, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã lên tiếng hoan nghênh thỏa thuận đổi tên nước nói trên.

Dù thừa nhận các tranh cãi chính trị trong nước có thể gây ảnh hưởng đến thỏa thuận, song cả ông Donald Tusk và Jens Stoltenberg đều cho rằng thỏa thuận này là hình mẫu cho các nước về cách thức giải quyết hòa bình và ổn định các tranh chấp trên khắp khu vực.

Ông Stoltenberg phát biểu: "Thỏa thuận lịch sử này là minh chứng cho nhiều năm ngoại giao và sự cởi mở của hai nhà lãnh đạo giúp giải quyết tranh chấp đã ảnh hưởng đến khu vực quá lâu. Tôi kêu gọi cả hai quốc gia hoàn thành thỏa thuận đạt được bởi hai nhà lãnh đạo. Điều này sẽ đặt Skopje trên con đường trở thành thành viên NATO. Và nó sẽ giúp củng cố hòa bình và ổn định trên khắp vùng Balkans và phương Tây rộng lớn hơn".

Trước đó, trong một phát biểu trên truyền hình, Thủ tướng Hy Lạp Tsipras nêu rõ: "Chúng tôi đã đạt được một thỏa thuận, một thỏa thuận tốt đáp ứng mọi điều kiện do Hy Lạp đặt ra".

Được biết, tranh cãi giữa Hy Lạp và Macedonia bùng phát vào năm 1991 khi Macedonia tuyên bố độc lập và gia nhập Liên Hợp quốc với tên gọi tạm thời là Cộng hòa Nam Tư cũ Macedonia. Tuy nhiên, Hy Lạp - một thành viên của EU và NATO, đã ngăn cản tiến trình gia nhập của Macedonia do tên của quốc gia láng giềng trùng với tên một tỉnh miền Bắc nước này.

Cụ thể, Hy Lạp có một tỉnh phía Bắc được gọi là Macedonia, cũng là cái nôi của Macedonia cổ đại cai trị bởi Alexander Đại đế. Hy Lạp coi Macedonia là một phần không thể thương lượng trong lịch sử. Athens lo ngại sự trùng hợp đó có thể dẫn đến tranh chấp lãnh thổ với Skopje, cho rằng việc sử dụng tên gọi của quốc gia láng giềng là Macedonia đồng nghĩa với việc Skopje có yêu sách lãnh thổ với vùng đất cùng tên gọi nằm ở phía Bắc Hy Lạp. 

Vì vậy, tại Hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra tại Bucharest (Romania) năm 2008, Hy Lạp đã bỏ phiếu phủ quyết đơn xin gia nhập NATO của Macedonia, đồng thời yêu cầu giải quyết vấn đề tranh cãi này.

Linh Đan
.
.
.