“Trang vàng” lịch sử trong thỏa thuận hạt nhân của Iran

Thứ Hai, 18/01/2016, 09:24
Tổng thống Iran Hassan Rouhani ca ngợi thỏa thuận hạt nhân mà nước này đạt được với các cường quốc trên thế giới như một “trang vàng” trong lịch sử của nước này.
Bày tỏ vui mừng trước sự kiện Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và Liên Hợp Quốc (LHQ) dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế, tài chính nhằm vào Iran, ngày 17-1, Tổng thống Iran Hassan Rouhani ca ngợi thỏa thuận hạt nhân mà nước này đạt được với các cường quốc trên thế giới như một “trang vàng” trong lịch sử của nước này. Tổng thống nước Cộng hòa Hồi giáo đồng thời bày tỏ hi vọng về một năm thịnh vượng với Iran sau “chiến thắng vẻ vang” của đất nước và nhân dân Iran này.

Trong bài phát biểu ngày 17-1 tại Tehran, Tổng thống Rouhani nêu rõ, các cuộc đàm phán hạt nhân đã thành công bởi sự hỗ trợ của lãnh tụ tối cao và của tất cả người dân Iran, đã thực sự là một “trang vàng” trong lịch sử Iran. Thỏa thuận hạt nhân này là một cơ hội để Tehran phát triển đất nước, nâng cao phúc lợi của dân tộc, và thiết lập sự ổn định cũng như an ninh trong khu vực.

Trước đó, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javed Zarif khẳng định cả Tehran và nhóm P5+1 đã đều nỗ lực thực hiện đúng các điều khoản thỏa thuận. Ngoại trưởng Zarif nhấn mạnh: “Thỏa thuận đã thể hiện ý chí ngoại giao bền bỉ của các bên trong việc giải quyết các vấn đề gai góc nhất và tìm ra giải pháp hiệu quả. Điều này cũng gửi tới một thông điệp rằng những nỗ lực của tất cả các bên là nhằm mang lại hòa bình, ổn định, hòa bình và an ninh trong khu vực cũng như trên thế giới”.

Việc các cường quốc dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Iran còn giúp nước này thu hút đầu tư tài chính, đồng thời cải thiện vị thế trên trường quốc tế. Bên cạnh việc tiếp cận với những tài sản bị đóng băng, về lâu dài Iran có thể hợp tác trên các lĩnh vực dầu mỏ, thương mại và tài chính với nhiều nước trên thế giới. Bộ trưởng Bộ Giao thông Iran Abbas Akhondi cho biết nước này đã thống nhất một thỏa thuận nhằm mua về 114 máy bay chở khách của hãng Airbus ngay khi lệnh cấm vận được dỡ bỏ.

Không chỉ riêng Iran, cộng đồng quốc tế cũng đã bày tỏ hoan nghênh, coi đây là một thành công lịch sử sau nhiều nỗ lực của các bên, đồng thời hy vọng thành công này sẽ góp phần thúc đẩy các nỗ lực giải quyết các điểm nóng trên thế giới thông qua con đường ngoại giao. Khẳng định ý nghĩa của việc thực hiện thỏa thuận này, Cao ủy EU phụ trách đối ngoại và an ninh Federica Mogherini nhấn mạnh đây “sẽ là một yếu tố quan trọng cải thiện hòa bình quốc tế và khu vực, đảm bảo ổn định và an ninh” và rằng, “đây là thông điệp mạnh mẽ và tích cực rằng, cộng đồng quốc tế phải tiếp tục nỗ lực giúp cho thế giới an toàn hơn”.

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javed Zarif, Giám đốc IAEA Yukiya Amano và Cao ủy EU phụ trách đối ngoại và an ninh Federica Mogherini tại tòa nhà LHQ.  Ảnh: Reuters

Bên cạnh đó, thỏa thuận hạt nhân “cho thấy rằng, với sự quyết tâm, kiên trì và nỗ lực đàm phán, chúng ta có thể giải quyết những vấn đề khó khăn nhất và tìm ra giải pháp thiết thực”. Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon cũng bày tỏ hoan nghênh các bên đã thực thi nghiêm túc thỏa thuận hạt nhân đạt được, đồng thời bày tỏ hy vọng sự thành công của thỏa thuận này sẽ là tiền đề góp phần duy trì sự ổn định, an ninh trong khu vực và tăng cường hợp tác quốc tế.

Chia sẻ quan điểm của bà Mogherini, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nhấn mạnh: “Đây là bước đi đầu tiên giúp thế giới trở nên an toàn hơn”. Sự kiện này là minh chứng cho “sức mạnh của ngoại giao trong việc giải quyết những thách thức quốc tế lớn”. Ngoại trưởng Kerry cũng cho biết Washington làm đúng trách nhiệm của mình là dỡ bỏ lượng lớn các lệnh trừng phạt kinh tế, tài chính nhằm vào Iran, ngay sau khi Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) tuyên bố Tehran đã tuân thủ các điều khoản trong thỏa thuận hạt nhân đạt được với nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) hồi cuối tháng 7-2015.

Từ Moskva, Bộ Ngoại giao Nga đã hoan nghênh các động thái mới nói trên, đồng thời bày tỏ hy vọng tất cả các bên tiếp tục có thái độ trách nhiệm và trung thực đối với các vấn đề liên quan việc thực thi Kế hoạch hành động toàn diện chung. Moskva tin rằng thành công bước đầu nói trên sẽ giúp củng cố nguyên tắc không phổ biến hạt nhân cũng như củng cố an ninh khu vực và quốc tế.

Trong khi đó, từ Paris, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius đã hoan nghênh việc thực thi thỏa thuận hạt nhân của các bên, khẳng định đây là bước đi quan trọng nhằm đảm bảo hòa bình, an ninh khu vực và thế giới, đồng thời bày tỏ hy vọng có thể nhìn thấy tinh thần hợp tác tương tự trong việc giải quyết những vấn đề nổi cộm khác.

Trong khi đó, từ Berlin, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier đã ca ngợi đây là một thành công lịch sử trong lĩnh vực ngoại giao khi các bên nỗ lực đàm phán trong nhiều năm để đi đến thỏa thuận. Ngoại trưởng Steinmeier cũng bày tỏ hy vọng những kết quả tích cực trong giải quyết hồ sơ hạt nhân của Iran sẽ giúp đem lại niềm tin rằng những căng thẳng và xung đột trong khu vực, đặc biệt là vấn đề Syria, có thể được giải quyết bằng con đường ngoại giao.

Về phần mình, Bộ trưởng Ngoại giao Anh Philip Hammond nhấn mạnh động thái mới nói trên là thành quả của nhiều năm đàm phán với tinh thần đối thoại bền bỉ giữa Iran và nhóm P5+1. London hy vọng việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt Tehran sẽ giúp các doanh nghiệp Anh mở rộng hoạt động vào quốc gia Hồi giáo này.

Trong khi đó, Israel vẫn giữ lập trường khác biệt. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cảnh báo, Iran vẫn đang tìm cách đạt được khả năng hạt nhân quân sự bất chấp thỏa thuận được thực hiện. Theo ông Netanyahu, Iran sẽ không từ bỏ tham vọng sở hữu vũ khí hạt nhân và tiếp tục hành động gây bất ổn Trung Đông trong khi vi phạm các cam kết quốc tế.

Thủ tướng Netanyahu cũng khẳng định, Israel sẽ theo dõi việc thực hiện thỏa thuận và cảnh báo bất cứ sự vi phạm nào, đồng thời hối thúc IAEA giám sát chặt chẽ các địa điểm hạt nhân của Iran để đảm bảo rằng nước này không tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân.

Đồng quan điểm, Bộ trưởng Các vấn đề chiến lược Israel Gilad Erdan cảnh báo rằng, việc thực thi một thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và các cường quốc thế giới có thể gây nguy hiểm cho Trung Đông và sẽ không ngăn chặn được chương trình hạt nhân của Tehran.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.