Tổng thống Putin: "Mỹ phải chạy đua để theo kịp vũ khí siêu vượt âm của Nga"

Thứ Tư, 25/12/2019, 08:59
Tổng thống Nga Vladimir Putin tái khẳng định Moscow đang đi đầu thế giới trong phát triển công nghệ vũ khí siêu vượt âm khi là nước đầu tiên đưa chúng vào trực chiến.



Xe chở thiết bị lướt siêu vượt âm Avangard của Nga. Ảnh: RT

"Chúng ta đang ở thời điểm có một không hai trong lịch sử hiện đại, khi Mỹ phải chạy đua với hi vọng theo kịp chúng ta. Chưa nước nào sở hữu vũ khí siêu vượt âm, chứ đừng nói tới vũ khí siêu vượt âm có tầm bắn xuyên lục địa", Tổng thống Putin ngày 24-12 nói với các quan chức quốc phòng Nga, theo RT.

Ông Putin khẳng định Nga là nước đầu tiên đưa vũ khí siêu vượt âm vào trực chiến, khi tên lửa - thiết bị lướt Avangard sẽ được biên chế ngay trong tháng 12-2019 này. Từ năm ngoái, mẫu tên lửa Kinzhal đã được bàn giao cho quân đội.

"Avangard là vũ khí có khả năng xuyên thủng mọi lá chắn tên lửa hiện nay và cả tương lai nhờ khả năng thay đổi quỹ đạo trong hành trình", ông Putin hé lộ một ưu điểm của thế hệ vũ khí chiến lược mới.

Một vũ khí sẽ được xếp vào dạng siêu vượt âm nếu chúng có tốc độ lớn hơn 5 lần âm thanh, Mach 5, tức hơn 6.000km/h. Mẫu Avangard của Nga có tốc độ đặc biệt lớn khi nó đủ khả năng lao vào mục tiêu ở vận tốc Mach 27.

Nga hiện sở hữu nhiều mẫu vũ khí siêu vượt âm, trong đó bao gồm cả phiên bản đầu đạn triển khai trên tên lửa đạn đạo liên lục địa Sarmat. Việc Nga liên tục cho ra đời những mẫu vũ khí chiến lược siêu vượt âm khiến Mỹ không kịp trở tay. Hồi đầu tháng, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper thừa nhận thua kém Nga về loại vũ khí này và đang nỗ lực hết sức để bám đuổi.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng Mỹ sẽ mất không dưới 10 năm để đạt trình độ hiện tại của Nga. Quân đội Mỹ cách đây vài tháng thử nghiệm một mẫu vũ khí siêu vượt âm, song mới là phiên bản mô hình. Việc thua kém Nga trong lĩnh vực này cũng được cho là lý do Mỹ muốn rút khỏi hiệp ước cắt giảm vũ khí New START vào năm 2021 nhằm mở đường tái triển khai lượng lớn vũ khí hạt nhân răn đe.

Thiện Nhân
.
.
.