Tổng thống Pháp khởi động cuộc đối thoại toàn quốc “chưa từng có”

Thứ Ba, 15/01/2019, 11:30
Tối 13-1 (giờ địa phương), Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã gửi cho toàn thể nhân dân Pháp một bức thư dài để khởi động cuộc đối thoại toàn quốc, dự kiến sẽ bắt đầu từ 15-1 và kéo dài đến ngày 15-3. Ông khẳng định đây sẽ “không phải là một cuộc bầu cử hay một cuộc trưng cầu ý dân”.


Theo Tổng thống Pháp, các đề xuất của người dân “sẽ giúp xây dựng một giao ước mới cho đất nước, cấu trúc lại hoạt động của chính phủ và quốc hội, cũng như định hình lại vai trò của nước Pháp tại châu Âu và trên trường quốc tế”. 

Tổng thống Emmanuel Macron hứa sẽ thông báo kết quả trực tiếp tới người dân ngay trong tháng sau khi kết thúc cuộc thảo luận, và nhấn mạnh sẽ “không có vùng cấm cho các câu hỏi”. 

Theo ông, chính quyền và người dân sẽ khó có thể đạt được đồng thuận về tất cả mọi vấn đề, nhưng điều quan trọng là hai bên cùng trao đổi, tranh luận. Ông hy vọng các cuộc tranh luận có thể giúp giải quyết khoảng 35 vấn đề như thuế, nền dân chủ, bảo vệ môi trường và di cư. 

Dự kiến cuộc đối thoại sẽ tập trung vào 4 chủ đề chính: thuế và chi tiêu công, tổ chức Nhà nước và cơ quan công quyền, chuyển đổi sinh thái, nền dân chủ và quyền công dân. 

Tổng thống Emmanuel Macron đang đề xuất xây dựng một “giao ước mới cho đất nước”.

Tổng thống đặt ra 33 câu hỏi cho người dân Pháp, trong đó bao gồm cả vấn đề về nhập cư và chủ nghĩa thế tục. Một số chủ đề có thể được diễn giải ra như là tổ chức trưng cầu ý dân. 

Đặc biệt trong phần về nền dân chủ và quyền công dân, Tổng thống Emmanuel Macron nêu vấn đề bỏ phiếu trắng, giới hạn số lượng nghị sĩ, vai trò của Thượng viện và Hội đồng Kinh tế, xã hội và môi trường (CESE). Tổng thống cũng đặt ra câu hỏi về “cuộc trưng cầu sáng kiến công dân”, một trong những yêu sách hàng đầu của phong trào “Áo gilê vàng”.

Tổng thống Emmanuel Macron nhấn mạnh rằng, cuộc đối thoại này là “một sáng kiến chưa từng có” và khẳng định quyết tâm rút ra nhiều bài học kinh nghiệm. 

Tuy nhiên, ông cũng tỏ ra kiên quyết với các cải cách đã được thực hiện, bằng cách loại bỏ mọi ý định muốn xem xét lại, trong đó có thuế đánh vào tài sản người giàu (ISF). 

Ông giải thích rằng, luôn trung thành với những định hướng chính sách mà nhờ đó ông đã được bầu làm Tổng thống. Ưu tiên cho cuộc chiến chống thất nghiệp thông qua tạo nhiều việc làm hơn trong các công ty là chính sách hỗ trợ kinh doanh của Tổng thống Emmanuel Macron. Trong khi đó, giảm bất bình đẳng thông qua cải tổ trường học là dự án của ông cho giáo dục quốc gia. Trong chính sách bảo vệ môi trường, ông dự định thay đổi mô hình phát triển Pháp để hạn chế sự nóng lên của Trái Đất. 

Trong thư, Tổng thống Pháp nhấn mạnh: “Chúng ta phải xây dựng một dự án sản xuất, xã hội, giáo dục, môi trường và châu Âu mới, một cách công bằng và hiệu quả hơn. Về những định hướng chủ đạo này, quyết tâm của tôi không hề thay đổi”.

Trước khi thiết lập khuôn khổ chung cho các cuộc thảo luận trong tương lai, Tổng thống Pháp đã đặt một điều kiện tiên quyết, đó là chấm dứt bạo lực trong các cuộc biểu tình của phong trào “Áo gilê vàng”. 

Ông chia sẻ sự nôn nóng, nỗi tức giận và không hài lòng của người dân đối với các loại thuế “quá cao”, các cơ quan công quyền “quá xa cách” hoặc tiền lương “quá thấp”. Tuy nhiên, Tổng thống Emmanuel Macron cảnh báo sẽ không chấp nhận “bất kỳ hình thức bạo lực nào”. 

Bức thư của Tổng thống nêu rõ: “Tôi không chấp nhận và không có quyền chấp nhận áp lực và sự xúc phạm, ví dụ như đối với các nghị sĩ. Tôi không chấp nhận và không có quyền chấp nhận việc kết tội chung, ví dụ đối với các phương tiện truyền thông, phóng viên, thiết chế xã hội và công chức. Nếu mọi người tấn công lẫn nhau, xã hội sẽ sụp đổ!”.

Hồi cuối tuần qua, theo số liệu của Bộ Nội vụ Pháp, đã có 84.000 người biểu tình tuần hành trên toàn nước Pháp theo lời kêu gọi của phong trào “Áo gilê vàng”. 

Căng thẳng và đụng độ giữa người biểu tình với cảnh sát cũng đã nổ ra ở trung tâm các thành phố lớn như Paris, Bordeaux, Toulouse và Bourges. Cảnh sát đã bắt giữ và thẩm vấn 244 người trên toàn nước Pháp, trong đó 156 người ở Paris, vì đã “tham gia vào nhóm âm mưu hành động bạo lực”, “mang vũ khí bị cấm”, “bạo lực đối với các nhân viên an ninh”. 

Hơn 80.000 cảnh sát và hiến binh đã được huy động trên cả nước, trong đó 5.000 tại Paris cùng sự tăng cường của 14 xe bọc thép.

P.V (tổng hợp)
.
.
.