Tổng thống Mỹ thúc giục Kosovo thỏa thuận hòa bình cùng Serbia

Thứ Tư, 19/12/2018, 09:02

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gửi thư cho người đồng cấp Kosovo Hashim Thaci kêu gọi ông làm tất cả mọi thứ để đạt được một thỏa thuận lâu dài với Serbia, hàng thập kỷ sau khi cuộc chiến giữa hai bên kết thúc.

Các binh sĩ lực lượng An ninh của Kosovo bảo vệ một sự kiện tại Pristina hôm 14-12 vừa qua. Ảnh Reuters.

Serbia và tỉnh Kosovo cũ, tuyên bố độc lập năm 2008, đã cam kết vào năm 2013 trong một cuộc đối thoại do EU chứng kiến nhằm giải quyết các vấn đề chưa đưa giải quyết, tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có nhiều tiến triển.

“Không tận dụng được cơ hội có một không hai này sẽ là một thất bại thảm hại, bởi một cơ hội khác cho nền hòa bình toàn diện khó có thể xảy ra sớm”, Reuters trích dẫn một phần trong lá thư được đăng tải trên trang web chính thức của ông Thaci.

Tại Washington, Nhà Trắng hiện chưa có bình luận gì về vấn đề này. Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Pristina của Kosovo cũng chưa có bình luận gì.

Căng thẳng giữa Serbia và Kosovo đã gia tăng trở lại hồi tuần trước khi quốc hội Kosovo bỏ phiếu phê chuẩn việc thành lập quân đội thường trực với 5.000 quân, chỉ một tuần sau khi Thủ tướng Serbia cho rằng một động thái như vậy có thể kích động sự can thiệp quân sự từ Belgrade.

Tháng 6 vừa qua, ông Thaci cho biết ông sẽ tìm kiếm một giải pháp với Serbia bằng cách “cải thiện vùng biên giới”, tuy nhiên các chính trị gia và giới phân tích tại Kosovo lại cho rằng điều này có thể phải đánh đổi bằng lãnh thổ.

Trang web của người đứng đầu Kosovo đăng tải bức thư được cho là của Tổng thống Mỹ thúc giục Kosovo và Serbia sớm đạt được thỏa thuận lâu dài. Ảnh Reuters. 

Tuy nhiên, kế hoạch của ông đã gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với các nước láng giềng vùng Balkan và một số nước phương Tây, những nước cho rằng động thái này là nhằm chiếm lấy ba vùng đô thị của Serbia có đông đảo người dân tộc Albania chiếm đa số. Người Albania cũng chiếm đến 90% dân số của Kosovo.

Theo Reuters, nếu có một cuộc hoán đổi về lãnh thổ thì Serbia sẽ có được một phần ở miền Bắc Kosovo, dân cư chủ yếu là người Serb thiểu số, những người từ chối công nhận quyền lực của chính quyền Pristina.

Phía Anh và Đức cho biết họ không ủng hộ việc thay đổi về biên giới, nhưng Mỹ lại cho rằng nếu Serbia và Kosovo đồng ý như vậy thì họ sẽ tôn trọng thỏa thuận giữa hai bên.

Hội đồng Bảo an LHQ cũng đã thảo luận công khai các vấn đề giữa hai nước cũng như tình hình căng thẳng gần đây vào cuộc họp ngày 18-12, có sự tham gia của nguyên thủ của của Serbia và Kosovo.

Kosovo hiện đã được 110 nước công nhận, trong đó có Mỹ, nhưng lại không có Serbia, Nga và Trung Quốc. Mỹ vẫn đang ủng hộ tích cực đối với Kosovo về cả chính trị lẫn tài chính.

Duy Tiến
.
.
.