Tổng thống Mỹ bắt tay Chủ tịch Triều Tiên tại khu DMZ, mời ông Kim đến Nhà Trắng

Chủ Nhật, 30/06/2019, 14:06
Bắt tay Chủ tịch Triều Tiên tại khu phi quân sự DMZ chia tách hai miền Triều Tiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết: "Tôi sẽ mời ông ấy đến Nhà Trắng ngay lập tức".
Lãnh đạo Mỹ-Triều bắt tay tại khu phi quân sự DMZ. Ảnh CNN. 

Trước cái bắt tay lịch sử tiếp theo giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều, ông Trump cho biết ông sẽ mời Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đến Nhà Trắng. Ông Trump nhận định rất nhiều "điều tích cực đang diễn ra" giữa hai nước.

Như vậy, với việc bước qua biên giới Triều Tiên - Hàn Quốc, ông Trump chính thức trở thành Tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên bước vào đất của Triều Tiên.

Hai người tiền nhiệm của ông Trump từng làm điều này là ông Jim Carter (6-1994) và Bill Clinton (8-2010), tuy nhiên, lúc này cả hai ông đều đã mãn nhiệm.

Sau khi bắt tay ông Trump, ông Kim nhận định: "Rất vui được gặp lại ông một lần nữa. Tôi không ngờ sẽ gặp lại ông tại địa điểm này".

Hai vị lãnh đạo ban đầu bắt tay tại khu vực ranh giới hai miền, sau đó ông Trump bước 20 bước vào lãnh thổ Triều Tiên. Hai vị lãnh đạo sau đó lại bước lại về phía Hàn Quốc, nơi mà ông Trump ngỏ lời mời ông Kim đến Nhà Trắng.

Sau đó, 3 nguyên thủ Mỹ, Triều Tiên và Hàn Quốc vừa bước ra khỏi phòng họp. Ông Trump và ông Kim đã gặp nhau bên trong Nhà Tự do tại khu phi quân sự liên Triều (DMZ) trong khoảng 50 phút. 

Đây là một cuộc gặp đáng kể hơn rất nhiều so với những gì ông Trump muốn trước đó, khi ông nói rằng ông chỉ mong đợi một cái bắt tay và nói “xin chào”. Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un sau đó đã quay về phía Triều Tiên. Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Hàn Quốc tiễn ông Kim đến khu vực biên giới.

Chưa có nhà lãnh đạo Triều Tiên nào từng đến thăm Mỹ. Đây sẽ là một thành tựu ngoại giao khổng lồ đối với ông Kim, người đã đạt được những gì mà không ai trong số những người tiền nhiệm của ông đã làm được khi ông từng ngồi vào bàn với một nhà lãnh đạo Mỹ khi ông gặp Trump lần đầu tiên ở Singapore.

Triều Tiên từ lâu đã yêu cầu được đối xử bình đẳng như các nước khác, đặc biệt là Mỹ. Một hội nghị thượng đỉnh ở Washington sẽ là ví dụ điển hình nhất cho điều đó và là một chiến thắng được coi là to lớn đối với ông Kim.


Duy Tiến
.
.
.